Người dân thì cho rằng đường cũ đang đi miễn phí, có mỗi việc trải thêm lớp nhựa mà thu phí như đường mới là không thoả đáng. Thậm chí còn được coi là xẻ thịt hạ tầng quốc gia.
Thật ra, chuyện tính toán mức phí BOT thế nào không phải là việc dễ dàng. Chủ đầu tư luôn muốn mức phí cao nhằm nhanh hoàn vốn, còn chủ phương tiện lại muốn phí thấp để đỡ chi phí đi lại.
Trên thế giới cũng không hiếm trường hợp xung đột giữa cánh lái xe và các chủ đầu tư về mức phí sử dụng đường bộ.
Với tư cách một dịch vụ ít cạnh tranh, rất khó để Chính phủ các nước cho phép chủ đầu tư tự do xác định mức phí dịch vụ.
Nhưng các Chính phủ nên can thiệp quyết định mức phí như thế nào để cân đối lợi ích giữa hai bên quả là bài toán khó.
Tại Việt Nam hiện nay, giá dịch vụ đường bộ do Nhà nước quyết định bằng một thông tư của Bộ Tài chính. Có vẻ như Bộ Tài chính đang xác định mức phí dựa vào chất lượng con đường.
Ví dụ, có lần người viết nghe đại diện Bộ Tài chính trả lời về mức phí BOT đại khái như sau:
Đường 6 làn xe, vận tốc tối đa 100km/h, được xếp vào loại đường cao tốc, nên cho hưởng mức 1.500 đồng/km. Đường dài 30km nên tổng mức phí là 45 nghìn đồng. Tính toán này cho xe con, các xe khác nhân hệ số theo xe con.
Cách tính này chưa thực sự phù hợp, đặc biệt là đối với các dự án cải tạo mặt đường vì nó chỉ quan tâm đến chất lượng đường mới mà không quan tâm đến chất lượng đường cũ. Hơn nữa, điều đó khá chủ quan và tạo miếng mồi béo bở cho tham nhũng.
Cách làm tốt hơn như sau:
Trước khi xây đường, người ta tính chi phí của một chiếc xe chạy trên đường cũ, gồm chi phí xăng xe, chi phí thời gian lái xe… thậm chí cả phí được bộ của đường cũ (nếu có).
Sau đó người ta tính chi phí để chiếc xe đó chạy trên đường mới.
Đương nhiên, xe chạy trên đường mới tốn ít chi phí hơn, chủ phương tiện tiết kiệm được một khoản tiền.
Khoản tiền này sẽ được chia đôi, nhà đầu tư được thu một nửa, chủ phương tiện được giữ lại một nửa. Nói cách khác, mức phí đường bộ đúng bằng 50% khoản giá trị mà con đường tạo ra cho chiếc xe đó.
Ví dụ, chi phí để đi từ A đến B trên đường cũ là 300.000 đồng, chi phí để đi đường mới là 210.000 đồng.
Như vậy, chủ phương tiện được lợi 90.0000 đồng và khoản này chia đôi. Kết quả là nhà đầu tư được thu phí 45.000 đồng, còn chủ phương tiện vẫn được hưởng lợi 45.0000 đồng.
Nếu được tính toán đúng và minh bạch, cách là này khiến cho cả chủ phương tiện cũng thoải mái mà chủ đầu tư cũng vui vẻ.
Phương pháp này sẽ chấm dứt tình trạng trải nhựa đường cũ còn tốt để rồi thu phí như đường mới.
Nhưng quan trọng hơn, nếu phương pháp này được áp dụng rộng rãi nó sẽ khiến nhà đầu tư phải nghiên cứu rất kỹ trước khi xây đường.
Họ sẽ phải tính toán sao cho mang lại lợi ích lớn nhất cho nhiều người nhất, giá trị họ mang lại cho xã hội sẽ là lớn nhất. Vì họ sẽ được hưởng 50% giá trị đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận