10/01/2019 10:52 GMT+7

Đồng ý cho phạm nhân lao động, sản xuất ngoài trại giam

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với quy định này trong dự án Luật thi hành án hình sự (sửa đổi).

Đồng ý cho phạm nhân lao động, sản xuất ngoài trại giam - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga - Ảnh: Quochoi.vn

Phiên thảo luận dự án luật diễn ra sáng nay 10-1, trên cơ sở tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận trong kỳ họp cuối năm 2018.

Nhiều trại giam thiếu đất, quá tải

Trình bày quan điểm của Ủy ban Tư pháp Quốc hội và cơ quan soạn thảo (Bộ Công an), chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu: "Việc tổ chức lao động cho phạm nhân không chỉ nhằm giáo dục cải tạo mà còn mục đích cải thiện bữa ăn, dạy nghề, tạo thêm khoản thu nhập, chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng...".

Thực tế những năm qua, số người phải chấp hành án tù tại các trại giam ngày càng tăng. Nhiều trại giam thiếu diện tích đất, thiếu mặt bằng để tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong trại giam. 

Việc giam giữ tập trung phạm nhân với số lượng lớn trong một thời gian dài, nếu không tạo việc làm cho họ sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nguy cơ mất an ninh, an toàn tại các trại giam là rất lớn, rất khó khăn cho công tác quản lý phạm nhân.

Theo báo cáo của Bộ Công an, phần lớn các trại giam nằm ở các địa bàn khó khăn, đặc biệt ở khu vực miền Bắc và miền Trung, diện tích đất hạn chế, phân tán, thổ nhưỡng xấu, rất khó phát triển sản xuất, dạy nghề cho phạm nhân. Lao động trong các trại giam chủ yếu là nông nghiệp, chăn nuôi, "tự cấp, tự túc", năng suất, hiệu quả rất thấp.

"Thời gian qua, các trại giam đã liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, cá nhân để tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân trong trại giam... Do việc sản xuất trong trại giam không thuận lợi cho doanh nghiệp, nên vừa qua rất khó thu hút đầu tư", bà Nga cho biết.

Vì các lý do trên, thời gian qua Bộ Công an đã thí điểm cho phép các trại giam thành lập "khu sản xuất" và liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở để thành lập các "điểm lao động, dạy nghề" ngoài trại giam. Tổng kết thực tiễn cho thấy trong tổng số gần 7.000 phạm nhân ra ngoài lao động chỉ có 1 phạm nhân bỏ trốn.

Đồng ý cho phạm nhân lao động, sản xuất ngoài trại giam - Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng tạo điều kiện lao động sản xuất tốt cho các phạm nhân là việc nhân văn - Ảnh: Quochoi.vn

Phạm nhân phải được hưởng thành quả lao động

Đồng ý với quy định này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng nếu làm tốt sẽ khắc phục được tình trạng quá tải hiện đang phổ biến tại nhiều trại giam, đồng thời thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, tạo điều kiện để phạm nhân lao động trong môi trường tốt, làm ra của cải vật chất, giúp họ cải tạo trở thành người có ích.

Tuy nhiên, ông Chiến đề nghị gọi các khu, điểm sản xuất này là khu phân trại sản xuất, dạy nghề, gắn với trại giam, thuộc sự quản lý chặt chẽ của trại.

Cho rằng đây là một quy định nhân văn, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phân tích: Nhà tù không chỉ là nơi giam giữ, mà còn là nơi cải tạo, giúp các phạm nhân lao động, sản xuất, để khi trở về có thể sớm hoà nhập cộng đồng, có tay nghề để làm việc. Việc tổ chức lao động ngoài trại giam, phối hợp với doanh nghiệp, nếu phạm nhân tự nguyện thì nên làm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng tạo điều kiện tốt hơn để phạm nhân lao động, sản xuất là nhân văn.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý: "Các phạm nhân tự nguyện, được tạo điều kiện lao động thì họ phải được hưởng thành quả lao động của mình, như nâng cao đời sống, đặc biệt cần đảm bảo các quy định về an toàn lao động, thời giờ lao động, nghỉ ngơi".

Phạm nhân có những quyền gì ?

Dự thảo Luật thi hành án hình sự (sửa đổi) lần này tuân thủ tinh thần của Hiến pháp 2013 và các luật có liên quan, đặc biệt là đảm bảo quyền con người. Điều 27 dự thảo luật quy định phạm nhân có các quyền sau:

- Được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ;

- Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế; gửi, nhận thư, nhận quà, tiền; đọc sách, báo, nghe đài, xem truyền hình phù hợp với điều kiện của nơi chấp hành án;

- Được tham gia hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ;

- Được phổ biến thông tin;

- Được lao động, học tập, học nghề;

- Được gặp, liên lạc với thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân; đối với phạm nhân là người nước ngoài được thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự;

- Được gặp thân nhân, người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự;

- Được bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo;

- Được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội;

- Được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật;

- Được nhận các quyết định liên quan trong quá trình chấp hành án;

- Được đề nghị miễn, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, đặc xá;

- Được yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

- Được hưởng các chế độ, chính sách theo nội quy, quy chế của trại giam;

- Được khen thưởng khi có thành tích trong quá trình chấp hành án.

Phạm nhân ra ngoài trại giam làm việc phải được ký hợp đồng Phạm nhân ra ngoài trại giam làm việc phải được ký hợp đồng

TTO - Phạm nhân ra ngoài làm việc phải được trả thù lao, được ký hợp đồng, theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định). Nhưng đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) lại lo ngại nguy cơ phạm nhân trốn trại.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên