Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) - Ảnh: Quochoi.vn
"Thực tế thì có những trường hợp oan sai thật, chấp hành kỷ luật trại giam tốt và được cán bộ quản lý trực tiếp ghi nhận nhưng cơ quan quản lý lại không xác nhận, trong khi đó phạm nhân liên tục kêu oan nhưng không được xem xét đặc xá", bà Khánh nói.
Theo nữ đại biểu TP Hà Nội, thời gian qua có một số trường hợp oan sai thật sự nhưng vì nhiều lí do họ vẫn phải chịu đựng hình phạt trong tù. Trong các lí do này có yếu tố chủ quan từ các cơ quan tố tụng, nhiều nơi phạm nhân đồng thời có đơn kêu oan, đồng thời chấp hành án phạt rất tốt nhưng lại không được ghi nhận.
Bà Khánh nêu ví dụ về một trường hợp tại Hà Nam và cho rằng thậm chí nhiều đối tượng oan sai là người có công, thương bệnh binh, có trường hợp thì bị bệnh hiểm nghèo. Họ phải chịu án đằng đẵng, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi.
Từ thực tế này bà Khánh đề nghị bổ sung quy định về điều kiện được đặc xá theo hướng ngoài việc phạm nhân có ý thức chấp hành kỷ luật tốt, cần thêm trường hợp đặc biệt có đơn kêu oan để quá trình thực thi được minh bạch rõ ràng, đảm bảo quyền khiếu nại, kêu oan của người bị kết án.
Quy định trách nhiệm giúp người được đặc xá tái hòa nhập
Về trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền đối với người được đặc xá, bà Khánh góp ý cần bổ sung thêm đối tượng có trách nhiệm đối với người được đặc xá bao gồm "các cơ quan y tế địa phương", nhằm góp phần hỗ trợ, chăm sóc sức khoẻ để người đặc xá sau khi ra tù đảm bảo có sức khoẻ, được chăm sóc chu đáo.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) cũng đề nghị bổ sung, quy định rõ các điều kiện cơ chế đảm bảo cho người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống và phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.
"Bên cạnh đó Nhà nước cần có chính sách huy động được nguồn lực xã hội cùng với nhà nước trong việc tái hòa nhập cộng đồng cho người được đặc xá; vận động khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giúp đỡ dưới nhiều hình thức, mô hình phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng đối tượng, từng địa phương", đại biểu Ninh Thuận nói.
Đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) - Ảnh: Quochoi.vn
Xem xét đặc xá cho người tàn tật
Đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) cho rằng trong dự thảo có đề cập những trường hợp đặc biệt được Chủ tịch nước xem xét đặc xá nhưng liệt kê chưa hết các đối tượng. Ông đề nghị bổ sung đối tượng người tàn tật.
Ông Hữu cũng nêu quy định trong dự thảo về việc yêu cầu cơ quan quản lý địa phương nơi người được hưởng đặc xá trở về phải xác nhận cam kết giám sát người được đặc xá không làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự.
Quy định như vậy theo ông Hữu là vừa phát sinh tốn kém, vừa không có hiệu quả thực tế: "Khi tôi đi tiếp xúc với một số anh em trại giam thì họ nói lâu nay phải đi về địa phương xác nhận cam kết cho phạm nhân đặc xá nên rất mất thời gian, tốn kém chi phí. Thực tế thì địa phương người ta cũng xác nhận nhưng chủ yếu làm cho có chứ không biết rõ phạm nhân đó là ai, như thế nào vì họ đi tù đã quá lâu".
Theo đại biểu Đắk Lắk, giữ nguyên cam kết của người được đặc xá là đủ, không cần có sự xác nhận của chính quyền địa phương.
Không đặc xá tội phạm hiếp dâm trẻ em
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) thì góp ý bổ sung các các đối tượng không đề nghị đặc xá: Các tội phạm như hiếp dâm, đặc biệt là hiếp dâm trẻ em, ma túy, đánh bạc thường có tỉ lệ tái phạm cao. Các đối tượng này mãn hạn tù về không cố gắng tái hòa nhập, không nỗ lực làm lại cuộc đời mà thường xuyên gây mất trật tự tại địa bàn.
"Việc bổ sung này là cần thiết nhằm phân hóa nhóm phạm nhân này với những phạm nhân khác, bảo đảm công bằng cho những người có án phạt tù có ý thức chấp hành án tốt, đồng thời làm thay đổi nhận thức của các đối tượng bị truy nã, ra đầu thú để được hưởng khoan hồng, góp phần ngăn ngừa tội phạm", đại biểu Tuyên Quang nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận