09/07/2022 10:05 GMT+7

Đổi bia mộ 'liệt sĩ vô danh’ thành ‘liệt sĩ chưa xác định được tên’: Đã có quy định, nhưng...

HÀ QUÂN
HÀ QUÂN

TTO - Xoay quanh thắc mắc của nhiều bạn đọc về việc đổi tên bia mộ liệt sĩ ‘vô danh’ thành ‘liệt sĩ chưa xác định được tên’, Bộ Lao động - thương binh và xã hội khẳng định điều này đã có trong nghị định hướng dẫn.

Đổi bia mộ liệt sĩ vô danh’ thành ‘liệt sĩ chưa xác định được tên’: Đã có quy định, nhưng... - Ảnh 1.

Nghĩa trang Hòa Vang (Đà Nẵng) còn rất nhiều mộ chưa biết tên - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Đổi tên mộ liệt sĩ: Quy định ở đâu?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo của Cục Người có công, Bộ Lao động - thương binh và xã hội cho biết nghị định 131 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (hiệu lực từ ngày 15-2-2022) nêu rõ việc quản lý, chăm sóc công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trong chương 5.

Tại khoản c, điều 152, chương 5, quy định bia mộ thống nhất thứ tự từ trên xuống dưới gồm Biểu tượng ngôi sao vàng năm cánh; LIỆT SĨ; Họ và tên; Sinh ngày - tháng - năm; Nguyên quán (xã, huyện, tỉnh); Cấp bậc, chức vụ; Đơn vị; Hy sinh ngày - tháng - năm.

Đối với những mộ liệt sĩ chưa có đủ các thông tin nêu trên thì bia mộ chỉ ghi thông tin đã rõ. Trường hợp không có thông tin thì trên bia mộ ghi "Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin", nghị định nêu.

Đổi bia mộ liệt sĩ vô danh’ thành ‘liệt sĩ chưa xác định được tên’: Đã có quy định, nhưng... - Ảnh 2.

Hướng dẫn khắc thông tin trên bia mộ liệt sĩ - Ảnh chụp màn hình: HÀ QUÂN

Vị lãnh đạo này cho biết nghị định 131 là tổ hợp của nhiều văn bản, do vậy Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã tập huấn với các địa phương để lấy ý kiến tháo gỡ.

"Có nhiều văn bản trong nghị định từ quy định mộ liệt sĩ, bảo hiểm, trang thiết bị chỉnh hình điều dưỡng nhưng lại chưa có thông tư hướng dẫn thêm", vị này nhấn mạnh khó khăn khi triển khai tại các địa phương.

Trước đó, ngày 5-7, tại cuộc làm việc giữa Bộ Lao động - thương binh và xã hội với đoàn công tác tỉnh Quảng Trị, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị tỉnh Quảng Trị điều chỉnh thông tin 24.720 mộ liệt sĩ, thống nhất mẫu tên "Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin" nêu trong nghị định 131.

Người đứng đầu ngành lao động, thương binh và xã hội yêu cầu trong năm 2023, các nghĩa trang liệt sĩ phải điều chỉnh xong thông tin.

"Phải lên phương án làm ngay, cùng một mẫu bia, làm đẹp, tránh cắt mỏng, ép vào bia ximăng, bia để đời, đầy đặn, khắc sâu, dáng đứng tránh nắng gió kèm vành ngoài. Chi phí bao nhiêu bộ chi trả. Tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực", ông nhấn mạnh.

"Các anh đều có tên, tuổi, quê quán, chức vụ, không liệt sĩ nào là vô danh", ông Dung nói thêm.

Tìm được hài cốt liệt sĩ mới thì ghi theo hướng dẫn mới

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, cho hay mộ liệt sĩ vô danh có giá trị lịch sử cho một thời kỳ nhất định. Một số nơi ghi là "mộ liệt sĩ vô danh", nơi khác lại ghi "mộ liệt sĩ chưa biết tên".

Theo ông Kim, việc đổi tên từ mộ "liệt sĩ vô danh" thành "mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin" không thay đổi được bản chất vấn đề. Tên con người là quan trọng nhất, còn "thông tin" là nội hàm bên trong nên "chưa biết tên, vô danh" tức là chưa biết nội hàm đó.

"Trong tên đã có danh tính của anh hùng liệt sĩ, tên bao giờ cũng gắn với danh tính của họ. Chưa biết tên có nghĩa là chưa biết thông tin. Chữ "thông tin" có gì khác với chữ "tên" đâu", ông Vũ Trọng Kim nói.

Vị đại biểu Quốc hội chia sẻ việc thay đổi như mẫu con dấu, mẫu giấy tờ... đã sinh ra phiền toái trong công việc hành chính, bây giờ lại thay đổi tên mộ liệt sĩ toàn bộ thì cũng không có lợi trong vấn đề tình cảm, trách nhiệm, việc làm của nhân dân.

"Thay đổi gì cho đáng giá, đừng đụng chạm tới các anh hùng liệt sĩ đã yên nghỉ lâu rồi, đừng viết vẽ lên đó nhiều quá. Nếu như phải làm thì bia cũ nên giữ nguyên, còn từ nay ta tìm được hài cốt liệt sĩ mới thì ghi theo hướng dẫn mới", ông nêu quan điểm.

Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam đề nghị dùng ngân sách khắc lại mộ liệt sĩ cho chỉnh trang, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ.

Cùng ý kiến dùng ngân sách làm việc cần kíp hơn trong giai đoạn kinh tế đang gặp cảnh khó khăn, bạn đọc Phạm Vũ chia sẻ: "Liệt sĩ vô danh", mấy chữ ngắn gọn, giản dị mà thâm sâu, mà linh thiêng đến làm cho mộ bia như trong suốt. Trong suốt để làm tấm gương cho người đứng đó soi vào lòng mình.

Những liệt sĩ vô danh vẫn là một phần thiêng liêng của nước non này, vẫn ấm áp nếu những người đến thăm viếng thật sự sống cho những ước mơ mà họ đã cống hiến bằng đời mình, thân mình. Thay thế những câu chữ trên bia mộ là điều chưa thấy ai nhắc đến trong số bao cựu binh, bao thân nhân liệt sĩ mà tôi có dịp cùng đi, có dịp trò chuyện".

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, việc tu bổ, chỉnh trang mộ, bia mộ tại các nghĩa trang liệt sĩ cả nước, trong đó có tỉnh Quảng Trị là việc làm thường xuyên.

Còn về đề nghị của Quảng Trị về chỉnh trang, tôn tạo nghĩa trang Trường Sơn, Bộ trưởng Dung cơ bản đồng ý và yêu cầu Quảng Trị lập phương án chi tiết, cụ thể, lập hồ sơ chuyển ra Vụ Kế hoạch tài chính và Cục Người có công để bố trí kinh phí trong năm 2023.

Sự linh thiêng của vô danh Sự linh thiêng của vô danh

TTO - Mẹ tôi có ba người anh trai cùng lần lượt nhập ngũ, đi B trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Chỉ một người may mắn trở về, hai người đã hy sinh.

HÀ QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên