30/01/2024 12:27 GMT+7

Doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh gấp 3 lần thành lập mới, vì sao?

Trong tháng 1-2024, cả nước có 13.500 doanh nghiệp thành lập mới, trong khi có tới 43.900 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn và khoảng 2.100 doanh nghiệp giải thể.

Chuyên gia cho rằng nhiều doanh nghiệp đang gặp khó phải thu hẹp sản xuất, tạm dừng kinh doanh - Ảnh: Q.PH.

Chuyên gia cho rằng nhiều doanh nghiệp đang gặp khó phải thu hẹp sản xuất, tạm dừng kinh doanh - Ảnh: Q.PH.

Doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh gấp 3 lần thành lập mới

Số liệu vừa được Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cũng ghi nhận trong tháng 1 số doanh nghiệp thành lập mới tăng 24,8%, số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn tăng 25,5%, số doanh nghiệp giải thể tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, trong tháng 1 có gần 13.800 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 8,4%; gần 7.800 doanh nghiệp dừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động của nền kinh tế trong tháng 1-2024 khoảng 27.300 doanh nghiệp.

Con số này thấp hơn khá nhiều so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, tạm dừng kinh doanh chờ giải thể, giải thể) cùng kỳ lên tới 53.900 doanh nghiệp.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Hương, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng mạnh trong tháng 1-2024 có tính mùa vụ. 

Các năm trước vào thời điểm tháng 1 cũng có xu hướng các doanh nghiệp quy mô nhỏ quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có xu hướng rút lui khỏi thị trường để thành lập doanh nghiệp mới.

Cũng theo bà Hương, thời điểm đầu năm một số doanh nghiệp nhỏ có xu hướng chuyển đổi sang ngành nghề khác, vì có quy mô nhỏ nên nhóm doanh nghiệp này rất linh hoạt trong chuyển đổi ngành nghề kinh doanh. 

Chủ doanh nghiệp đóng cửa kinh doanh ngành nghề này nhưng lại thành lập doanh nghiệp mới để kinh doanh ngành nghề khác cho phù hợp tính mùa vụ.

Bà Hương cũng cho hay trong tháng 1 năm nay số doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng mạnh nhất so với những năm gần đây.

Chuyên gia nêu loạt nguyên nhân

Phân tích các nguyên nhân dẫn tới doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng vọt trong tháng 1-2024, TS Nguyễn Quốc Việt, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cho rằng trước hết là do suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng tới nền kinh tế, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong thời gian qua. Điều này làm cho tổng cầu trong nước giảm theo, đây là nguyên nhân chính dẫn tới sự thoái lui của hàng chục ngàn doanh nghiệp.

Hơn nữa, xu hướng doanh nghiệp chuyển sang kinh doanh qua mạng online, trả cửa hàng, trả trụ sở để kinh doanh trên nền tảng trực tuyến như: TikTok, Shopee, Lazada… không cần phải đăng ký chính thức nên nhu cầu mở doanh nghiệp không còn cao.

Một điều nữa cần lưu ý là hàng Trung Quốc giá rẻ tràn sang Việt Nam thông qua các kênh bán hàng online rất nhiều. Rất đông người Việt đang tham gia vào khâu trung gian bán hàng online trên những nền tảng như TikTok, Zalo nên hoạt động sản xuất của doanh nghiệp nhỏ trong nước ở các thị trường ngách bị thu hẹp đáng kể.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp nhỏ trong nước làm vendor cho các chuỗi sản xuất dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ đã suy giảm xuất khẩu lớn trong năm 2023 nên buộc phải thu hẹp sản xuất. 

Các doanh nghiệp đứng đầu chuỗi thu hẹp sản xuất dẫn tới các doanh nghiệp tham gia chuỗi bị cắt đơn hàng, không có việc làm, không trụ được nên phải đóng cửa tạm thời. Thực tế cũng ghi nhận lượng doanh nghiệp đóng cửa tạm thời tháng 1-2024 rất lớn.

Cuối cùng là tâm lý sợ rủi ro đã làm cho đầu tư tư nhân suy giảm, nhiều người dân chuyển sang gửi tiền tiết kiệm, lượng tiền gửi tiết kiệm trong hệ thống ngân hàng đang rất cao.

Về triển vọng kinh doanh, ông Việt nhận định hết quý 1-2024 nếu có làn sóng đặt hàng trở lại, xuất khẩu tăng trưởng trở lại thì có thể hàng chục ngàn doanh nghiệp đang tạm dừng hoạt động sẽ có đơn hàng và quay lại chuỗi sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Bộ Tư pháp: Doanh nghiệp bắt nộp phiếu lý lịch tư pháp số 2 khi xin việc là saiBộ Tư pháp: Doanh nghiệp bắt nộp phiếu lý lịch tư pháp số 2 khi xin việc là sai

Bộ Tư pháp nhấn mạnh việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến để các đơn vị không yêu cầu người dân nộp/xuất trình phiếu lý lịch tư pháp không đúng quy định.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên