25/05/2013 11:30 GMT+7

Doanh nghiệp bức bối vì bị "hành"

BÙI LIÊM - TRẦN MẠNH
BÙI LIÊM - TRẦN MẠNH

TT - Nhiều doanh nghiệp tại Bình Phước đang bức bối với cách quản lý chồng chéo và “khác thường” của cơ quan quản lý. Với họ, vốn, thị trường... không phải là vấn đề lớn mà chính là việc phải đối mặt với hàng loạt đợt thanh tra, kiểm tra của các ban ngành.

w4X4jHOW.jpgPhóng to
Trạm xăng dầu của Công ty Thành Công (Bình Phước) đã xây dựng xong nhưng có nguy cơ không được kinh doanh - Ảnh: Bùi Liêm

Những bức xúc trên được nhiều doanh nghiệp đưa ra tại hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước ngày 24-5.

Có cây xăng nhưng không được bán

Tại hội nghị, ông Trần Phú - giám đốc Công ty TNHH vận tải Thành Công - cho hay công ty đang đối mặt với khả năng thua lỗ do dự án bãi xe khách huyện Bù Đăng của doanh nghiệp gặp trục trặc.

“Dự án hiện đã xây dựng xong 90% hạng mục nhưng có nguy cơ lỗ vì mới đây Sở Giao thông vận tải (GTVT) Bình Phước quy định trạm xăng dầu trong bãi xe chỉ được cấp xăng cho các xe của Công ty Thành Công, chứ không được bán ra ngoài thị trường” - ông Phú bức xúc.

Theo văn bản của Công ty Thành Công, tháng 12-2012 đơn vị này được UBND tỉnh Bình Phước cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án xây dựng bến xe khách loại 3 tại huyện Bù Đăng.

Sau đó, lần lượt Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Công thương, Sở Tài nguyên - môi trường, Sở Khoa học - công nghệ của tỉnh... có văn bản cho phép Công ty Thành Công được triển khai dự án với quy mô 25 tỉ đồng bao gồm các hạng mục trạm xăng dầu loại 1, trạm tự hành, phòng vé, nhà ăn... theo quy chuẩn bến xe của Bộ GTVT.

Thế nhưng ngày 20-3-2013, Sở GTVT Bình Phước có công văn yêu cầu Công ty Thành Công ngừng xây dựng công trình dự án chờ ý kiến UBND tỉnh. Đến ngày 11-4, Sở GTVT lại có công văn báo cáo UBND tỉnh trạm xăng dầu tại bến xe khách Bù Đăng do Công ty Thành Công đầu tư chỉ được cung cấp nhiên liệu cho các xe thuộc bãi xe (hầu hết là xe của Công ty Thành Công) chứ không được bán ra ngoài thị trường.

“Nếu không được kinh doanh bên ngoài thì tổn thất cho doanh nghiệp là rất lớn, trái với chính sách và chủ trương kêu gọi đầu tư của UBND tỉnh Bình Phước, trái với Luật doanh nghiệp hiện hành” - ông Phú lo lắng.

Một chuyện “trớ trêu” khác cũng được ông Huỳnh Văn Thiện, giám đốc Công ty TNHH Gia Thiện, kể ra tại hội nghị. Tháng 4-2011, Công ty Gia Thiện được giao 778ha đất rừng nghèo kiệt chuyển sang trồng cao su. Sau khi được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoàn thiện các thủ tục, giấy phép đầu tư và doanh nghiệp tiến hành triển khai dự án trồng cao su, bất ngờ “bị” cơ quan chức năng đề nghị trả lại 10% tổng diện tích đất được giao để trồng cao su tạo quỹ an sinh xã hội của tỉnh.

Trước đề nghị này, doanh nghiệp phải gượng ép chấp nhận.

Tuy nhiên mới đây, Sở NN&PTNT Bình Phước lại yêu cầu doanh nghiệp tiếp tục trả thêm 78ha, nâng diện tích phải trả lại lên 160ha, chiếm 20% trong tổng diện tích đất được giao.

“Đây là yêu cầu hết sức vô lý. Các doanh nghiệp khác chỉ phải đóng góp 10% thì cớ gì bắt doanh nghiệp chúng tôi nộp 20%. Tôi muốn công bằng trước các doanh nghiệp” - ông Thiện bức xúc.

Mất ngủ vì lo thanh tra

Giám đốc nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước cho biết còn “mất ăn mất ngủ” do phải tiếp quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra của nhiều cơ quan ban ngành từ tỉnh, huyện đến xã.

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Mạnh Hùng - chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Bình Phước - cho biết rất nhiều hội viên phản ảnh với tâm trạng bức xúc vì liên tục phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra của các ban ngành. “Có những doanh nghiệp bị thanh tra cùng một vấn đề trong thời gian dài 2-3 năm mà vẫn chưa kết thúc” - ông Hùng nhấn mạnh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị, giám đốc một doanh nghiệp tại Bình Phước cho hay suốt hơn hai năm qua “ngủ không yên giấc” vì cứ lâu lâu phải tiếp một đoàn thanh tra đến làm việc.

“Có tháng tôi phải tiếp hơn một chục đoàn thanh tra từ tỉnh, huyện đến xã về cùng một nội dung. Không những vậy, có cơ quan thanh tra, kiểm tra về thiết kế kỹ thuật của dự án nhưng lại yêu cầu cung cấp báo cáo tài chính, sổ sách kế toán, hồ sơ kê khai thuế đầu vào đầu ra, hợp đồng kinh tế kèm theo chứng từ thu chi, hồ sơ vay vốn ngân hàng...” - vị giám đốc này than thở.

Thậm chí một số doanh nghiệp thuộc diện chính sách cũng bị “hành”. Ông Trần Văn Tỵ - đại diện bốn doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần sản xuất - thương mại - dịch vụ Hưng Phước, DNTN Nam Việt, DNTN Minh Trí và DNTN Đại An kinh doanh sản xuất đũa, tăm, nhang, than nguyên liệu từ cây lồ ô - cho biết cả bốn doanh nghiệp hiện gặp rất nhiều khó khăn do bị cơ quan chức năng yêu cầu thu hồi hơn 4ha đất hiện đang làm nhà xưởng sản xuất.

Trước đây, năm 2005, các doanh nghiệp này được Nông lâm trường Bù Đốp cho thuê diện tích đất trên để sản xuất kinh doanh. Các lao động chính tại những doanh nghiệp này gồm người khuyết tật, đối tượng sau cai nghiện, trẻ em lang thang...

Hoạt động sản xuất kinh doanh đang ổn định thì năm 2010, diện tích đất trên được Nông lâm trường Bù Đốp giao cho Công ty TNHH một thành viên cao su Sông Bé quản lý, do đó yêu cầu bốn doanh nghiệp trả lại đất để làm... chốt bảo vệ rừng.

Bị yêu cầu thu hồi đột ngột nên bốn doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng và giữa tháng 5-2012, UBND tỉnh Bình Phước chấp thuận tách diện tích hơn 4ha của các doanh nghiệp đang thuê ra khỏi diện tích đất giao cho Công ty TNHH một thành viên Sông Bé và cho bốn doanh nghiệp thuê lại để tiếp tục sản xuất kinh doanh góp phần giải quyết việc làm cho địa phương.

Thế nhưng, các cơ quan chức năng ở địa phương vẫn tiếp tục gây khó. “Hiện chúng tôi chỉ sản xuất cầm chừng để công nhân có việc làm, chứ cho nghỉ, họ trở lại con đường cũ. Do đó đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, cơ quan chức năng sớm tạo điều kiện để chúng tôi và những người lao động được sống an tâm làm việc” - ông Tỵ kiến nghị.

XygOHrvy.jpgPhóng toẢnh: Bùi LiêmÔng Phạm Văn Tòng (phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước):

“Tôi xin lỗi doanh nghiệp”

Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh hàng loạt bức xúc của các doanh nghiệp, ông Phạm Văn Tòng cho biết:

- Qua ý kiến phản ảnh của các doanh nghiệp và phản hồi của lãnh đạo các ban ngành trong hội nghị hôm nay, thay mặt UBND tỉnh tôi xin lỗi các doanh nghiệp.

Chúng tôi ghi nhận những thắc mắc của các doanh nghiệp. Qua phản ảnh chúng tôi thừa nhận vẫn còn những bất cập trong việc thực hiện chức năng của các ban ngành gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ở mức độ nào đó còn chồng chéo hay làm khó doanh nghiệp như hết thanh tra của tỉnh đến thanh tra huyện, rồi thanh tra xã cùng một nội dung. Thay vì đi chung để tiết kiệm thời gian, công sức thì lại đi riêng.

Trước mắt, UBND tỉnh đề nghị các sở ngành xem xét những thắc mắc của doanh nghiệp, nếu chưa giải quyết được ngay thì cũng nhanh chóng giải quyết trong thời gian sắp tới.

Chúng tôi sẽ chấn chỉnh lại hiện tượng làm khó doanh nghiệp trong thời gian tới. Nếu đơn vị nào làm sai thì cứ theo pháp luật để xử lý. Quan điểm của UBND tỉnh là tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp, cái nào theo pháp luật phải làm theo, cái nào uyển chuyển được để hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương sẽ cố gắng.

BÙI LIÊM - TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên