Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 10 vừa qua các doanh nghiệp đã mua lại hơn 13.600 tỉ đồng trái phiếu, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 2 tháng cuối năm nay, VBMA ước tính có hơn 41.000 tỉ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn. Thống kê cho thấy có 16 mã trái phiếu chậm trả lãi, gốc với tổng trị giá hơn 1.000 tỉ đồng, và 47 mã trái phiếu được gia hạn/thay đổi lãi suất.
Bán bớt bất động sản để tạo dòng tiền
Một nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy áp lực đáo hạn trái phiếu đang "bủa vây" các doanh nghiệp bất động sản. Tổng trị giá trái phiếu phát hành mới và được mua lại vẫn còn rất thấp so với đến hạn.
Việc đàm phán gia hạn vẫn sẽ là xu hướng trong thời gian tới. Tuy nhiên VARS cho rằng khó khăn vẫn ở phía trước. Gia hạn chỉ giúp doanh nghiệp có thời gian ổn định lại sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu nợ doanh nghiệp để phục hồi.
"Về cơ bản, chỉ là chuyển từ nợ ở thời điểm này sang thời điểm khác", VARS nhận định.
Trong một văn bản hồi tháng 10 gửi Thủ tướng, bộ trưởng Bộ Tài chính liên quan đến nghị định 08, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho biết, sang năm 2024, trị giá trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn còn lên đến 329.500 tỉ đồng.
2024 là năm cao điểm nhất về trị giá đáo hạn trong 3 năm gần đây (năm 2022 chỉ có 144.500 tỉ đồng, năm 2023 là 271.400 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn), HoREA cho hay.
Để không phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, lãnh đạo Hội Môi giới bất động sản cho rằng doanh nghiệp cần tận dụng quãng thời gian này để tái cơ cấu lại các khoản nợ.
"Phải nghiêm túc cân nhắc bán bớt tài sản, thậm chí chấp nhận hòa vốn hoặc lỗ để có dòng tiền trả nợ, và hoàn thiện các dự án có thể thanh khoản ngay khi đưa ra thị trường", hội này nêu giải pháp.
Ngoài ra, lãnh đạo Hội Môi giới bất động sản cho biết cần có các cơ chế, chính sách để phát triển quỹ đầu tư bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản… thay vì phụ thuộc các nguồn vốn quen thuộc như tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cạn dòng tiền, muốn bán tài sản lại không dễ
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Đức Toản - tổng giám đốc Công ty bất động sản EZ - cho biết nhiều doanh nghiệp bất động sản đang lo ngay ngáy vì thời điểm đáo hạn trái phiếu gần kề.
"Tình hình thị trường bất động sản vẫn còn ảm đạm. Nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh cạn tiền. Vừa qua báo chí cũng đã đưa tin có những đơn vị phải tạm đóng cửa hay cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc vì khó khăn", ông Toản nói.
Theo quan sát của vị tổng giám đốc này, cạn tiền, kẹt tiền là thực tế của khá nhiều doanh nghiệp địa ốc hiện nay, không chỉ chuyện của 1-2 đơn vị. Trong khi đó, tiếp cận vốn tín dụng, phát hành trái phiếu để đảo nợ không được nữa.
Đứng trước lo ngại có thể vướng lao lý hoặc mất uy tín, ông Toản cho rằng việc cân nhắc bán tài sản được một số doanh nghiệp bất động sản lựa chọn thời gian qua. "Có lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ, sau khi bán hết tài sản để trả nợ lại thấy nhẹ lòng hơn", ông Toản nói.
Tuy nhiên theo vị này, ngay cả khi doanh nghiệp chấp nhận bán tài sản và chịu lỗ cũng không dễ, trong bối cảnh thị trường trầm lắng như hiện nay.
Thực tế, nếu dự án mà pháp lý chưa hoàn chỉnh hay vị trí không đẹp, rẻ cũng khó bán. Ngoài ra khi kinh tế khó khăn, tìm kiếm được các đối tác có tiềm lực tài chính mua lại dự án là "không đơn giản".
Một lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản khác còn cho biết thực tế có những doanh nghiệp nợ trái phiếu rất lớn nhưng tài sản lại cầm cố hết ở ngân hàng. "Họ không trả được nợ, ngân hàng sẽ xiết. Còn đâu để bán trả trái chủ?", vị này đặt vấn đề.
Theo vị này, về lâu dài, trái phiếu vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả với doanh nghiệp, đặc biệt các công ty bất động sản cần vốn trung dài hạn. Để đổ vỡ, mất khả năng trả nợ sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.
"Để thị trường trái phiếu còn có thể phát triển, các doanh nghiệp cần tăng niềm tin cho khách hàng bằng cách sòng phẳng, uy tín, tìm mọi giải pháp để trả nợ", lãnh đạo doanh nghiệp nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận