Dữ liệu từ WiGroup - công ty chuyên cung cấp dữ liệu tài chính - cho thấy dòng tiền hoạt động và nguồn tiền mặt của nhiều doanh nghiệp bất động sản dân cư ở mức đáng báo động.
Tiền mặt doanh nghiệp bất động sản giảm dần
WiGroup cho biết thị trường trầm lắng kéo dài năm 2023, giao dịch mua nhà mới tiếp tục bị suy giảm, doanh số bán hàng kém.
Bởi vậy, dòng tiền hoạt động của nhiều doanh nghiệp tiếp tục ở mức thấp. Sự tắc nghẽn về nguồn vốn huy động kết hợp với dòng tiền âm sẽ gia tăng rủi ro chậm trả gốc, lãi của các công ty bất động sản.
Tính đến tháng 9-2023, thống kê từ đơn vị này cho thấy có 24/28 doanh nghiệp bất động sản dân cư không có các nguồn tiền mặt để đáp ứng các nghĩa vụ nợ gốc ngắn hạn (tỉ lệ bao phủ dưới 100%). Các công ty này phụ thuộc vào nguồn vốn vay, có tỉ lệ đòn bẩy tài chính cao.
Đồng thời đơn vị cung cấp dữ liệu nhận thấy các doanh nghiệp có tỉ lệ khả năng chi trả nợ gốc yếu cũng có các khoản trả trước từ khách hàng nhỏ hơn so với nhóm doanh nghiệp mạnh.
Trong quý 3-2023, tiền trả trước từ khách hàng trung bình của nhóm yếu chỉ dưới 9% cơ cấu nợ, đa phần công ty trong nhóm ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ 2022. Tỉ số người mua trả tiền trước/tổng hàng tồn kho và xây dựng dở dang của 27 doanh nghiệp (trừ Vinhomes) tiếp tục giảm quý thứ 3 liên tiếp, chỉ còn 26%.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia về tài chính doanh nghiệp cho biết nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó về dòng tiền. Tuy nhiên, khoản tiền và tương đương tiền thể hiện trên báo cáo tài chính chỉ thể hiện một phần bức tranh tài chính.
"Xu hướng chung doanh nghiệp bất động sản không để tiền mặt quá nhiều, nếu có tiền họ cũng sẽ rót phát triển dự án, tăng quỹ đất. Nhìn vào số liệu này thôi sẽ khó để đánh giá đủ về khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp", vị này nói.
Nhiều công ty kêu hết tiền
Ghi nhận vừa qua, nhiều công ty bất động sản hết tiền buộc phải tạm đóng cửa như Công ty cổ phần Đầu tư PVR Hà Nội (PVR), hay phải cho toàn bộ người lao động nghỉ không lương như Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà (HDTC).
Ngày 13-11, Chi cục Thuế quận 1 - Cục Thuế TP.HCM đã quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Tập đoàn Danh Khôi. Lý do là doanh nghiệp bất động sản này nợ tiền thuế quá hạn, số tiền bị cưỡng chế gần 100 tỉ đồng.
Tại bảng cân đối kế toán, tiền và các khoản tương đương tiền của Danh Khôi mấy năm gần đây chỉ vài tỉ đồng. Giải thích khi kinh doanh đi xuống, doanh nghiệp cho biết tình hình khó khăn chung của thị trường bất động sản, việc đầu tư không thuận lợi.
Để hỗ trợ thị trường, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn như giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện thuận lợi thủ tục pháp lý và cấp vốn các dự án bất động sản bị trì hoãn, sửa đổi khung pháp lý…
Tuy nhiên đại diện WiGroup cho biết tỉ lệ hoàn thành lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp bất động sản dân cư đạt mức rất thấp. Ngoại trừ Vinhomes, nhiều đơn vị còn lại khó đạt được kế hoạch năm nay.
"Chúng tôi cho rằng sự trầm lắng của thị trường này sẽ kéo dài cho tới năm 2024 khi chính sách hỗ trợ Chính phủ thẩm thấu", đơn vị nghiên cứu cho biết.
Những tín hiệu để dự đoán thị trường bất động sản sẽ khởi sắc như lãi suất cho vay giảm về mức thấp hơn sẽ là động lực chính cho toàn ngành vực dậy. Vừa qua lãi suất huy động đã điều chỉnh nhưng cho vay có độ trễ.
Ngoài ra hành lang pháp lý được tháo gỡ giúp khơi thông lại nguồn cung bất động sản. Phân khúc nhà ở xã hội có thể là chất xúc tác cho ngành bất động sản dân cư khi mà phân khúc này được hưởng lợi từ nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận