22/02/2024 06:00 GMT+7

Đo nồng độ cồn tài xế: 0% hay cần ngưỡng?

Bộ Công an đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị về dự thảo báo cáo, giải trình một số nội dung mới trong dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó có việc đo nồng độ cồn đối với tài xế.

CSGT đo nồng độ cồn người điều khiển xe gắn máy tại quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

CSGT đo nồng độ cồn người điều khiển xe gắn máy tại quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Đáng chú ý về hành vi cấm "điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", Bộ Công an cho hay sử dụng rượu bia khi lái xe là vấn đề xã hội không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

Xung quanh vấn đề nồng độ cồn với tài xế đang có nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó, đa phần ý kiến đồng tình việc cần cấm tuyệt đối, nhưng cũng có ý kiến đề nghị nên xem xét quy định ngưỡng.

Tuổi Trẻ đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, chuyên gia, tài xế về nội dung này.

* Thiếu tướng TRẦN ĐỨC THUẬN (ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh): 3 luồng ý kiến

Đo nồng độ cồn tài xế: 0% hay cần ngưỡng?- Ảnh 2.

Liên quan vấn đề nồng độ cồn với lái xe trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vừa qua hiện đang có ba luồng ý kiến.

Trong đó, thứ nhất như cơ quan soạn thảo trình là cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế. Thứ hai, đề nghị nên có định lượng (ngưỡng) nhất định nào đó về nồng độ cồn đối với tất cả các tài xế.

Ý kiến này cho rằng việc quy định ngưỡng là do yếu tố văn hóa, phong tục tập quán ở một số nơi hay một số loại hoa quả, thức ăn khi sử dụng có thể gây ra nồng độ cồn với cơ thể. Thứ ba, đề nghị quay trở lại như trước đây là tài xế lái ô tô thì cấm tuyệt đối nồng độ cồn, còn tài xế xe máy và xe thô sơ cần có ngưỡng nhất định.

Hiện nay, ủy ban đang tiếp tục nghiên cứu, ghi nhận, lắng nghe ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, thực tiễn để tiếp tục phối hợp cùng cơ quan soạn thảo báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định cụ thể. Tất cả quan điểm phải có đánh giá tác động, nghiên cứu đầy đủ và nhất là phải đảm bảo an toàn giao thông, an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân.

* Đại biểu NGUYỄN QUANG HUÂN (Bình Dương): Tỉ lệ bao nhiêu cần có cơ sở khoa học

Đo nồng độ cồn tài xế: 0% hay cần ngưỡng?- Ảnh 3.

Quy định cấm tài xế mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là rất cần thiết trong bối cảnh tình hình tai nạn giao thông ở nước ta đang phức tạp hiện nay. Tuy nhiên, như tôi đã nêu quan điểm thì việc cấm tuyệt đối tài xế có nồng độ cồn hay tỉ lệ nồng độ cồn bằng 0 sẽ khó khả thi.

Thực tế, trên thế giới có một số nước cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế nhưng cũng có những nước có quy định ngưỡng hay tỉ lệ giới hạn về nồng độ cồn khi lái xe.

Do đó, chúng ta nên có nghiên cứu, đánh giá cụ thể. Thêm vào đó, cần có những cơ sở khoa học để làm căn cứ thuyết phục cho việc quy định bằng 0 sẽ dễ dàng quản lý còn quy định có ngưỡng sẽ gây ra phức tạp, khó khăn cho cơ quan quản lý.

Vừa qua, báo chí có đăng tải là sau khi uống một lon bia và đo ngay lập tức thì nồng độ cồn tương đương 0,02mg/1 lít khí thở. Giả sử cho người ta được uống một lon bia thì đây có thể coi là ngưỡng 0,02mg/1 lít thở. Khi đó, Bộ Công an cần có thống kê xem bao nhiêu phần trăm tai nạn giao thông do nồng độ cồn và trong đó bao nhiêu người vượt ngưỡng 0,02mg, bao nhiêu dưới ngưỡng này.

Nếu tai nạn giao thông chủ yếu do vi phạm nồng độ cồn vượt lên trên ngưỡng này thì có thể coi là chặn dưới như bằng 0. Còn nếu bằng hoặc dưới 0,02mg vẫn có nhiều trường hợp gây tai nạn giao thông thì cấm bằng 0. Đây là cơ sở khoa học cần xem xét.

* PGS.TS PHẠM VIỆT CƯỜNG (Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương, Trường đại học Y tế công cộng): Cấm tuyệt đối nồng độ cồn là phù hợp

Đo nồng độ cồn tài xế: 0% hay cần ngưỡng?- Ảnh 4.

Thực tế, tham gia các cuộc hội thảo do Bộ Công an, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức và theo dõi các báo cáo đều khẳng định chưa gặp trường hợp nào ăn hoa quả hay thực phẩm lên men mà bị xử phạt tương tự như vi phạm nồng độ cồn do uống rượu bia.

Về mặt khoa học, khi đã có nồng độ cồn trong người là đã bắt đầu bị tác động lên hệ thần kinh. Mức độ đào thải cồn tùy thuộc vào mỗi cơ thể, nhưng về nguyên tắc cồn sẽ phân hủy hết sau khoảng 6-8 giờ.

Vậy nên, nếu nói rằng uống rượu bia từ tối hôm trước mà sáng hôm sau vẫn có thể bị phạt vi phạm nồng độ cồn thì chứng tỏ người đó uống rất nhiều. Điều đó cũng có nghĩa là trong máu, trong hơi thở của người đó có lượng cồn, sự ảnh hưởng của cồn tới hệ thần kinh vẫn còn nguyên. Thêm vào đó, không riêng Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng thực hiện xử phạt tài xế có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở. Do vậy, việc cấm nồng độ cồn với tài xế là phù hợp.

* Ông LÊ VĂN TUẤN (tài xế chở khách ở Hưng Yên): Đã uống rượu bia, dứt khoát không lái xe

Đo nồng độ cồn tài xế: 0% hay cần ngưỡng?- Ảnh 5.

Là tài xế gần 10 năm thường xuyên chở khách đi các tỉnh thành, cá nhân tôi đồng tình với đề xuất cấm tuyệt đối nồng độ cồn. Bởi thực tế tôi đã phải chứng kiến không ít vụ tai nạn giao thông, không ít gia đình mất người thân vì tài xế say xỉn vẫn cố tình điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Một số người cho rằng cần ngưỡng nhưng thực tế ai đi ăn tiệc sẽ thấy ít ai có thể bảo tôi chỉ uống một ly hay một lon bia mà đã có ly này sẽ có ly sau, đã có lon thứ nhất sẽ có lon thứ hai, thứ ba. Việc từ chối thường rất khó khăn.

Đã uống vào rồi thì chắc chắn sẽ có tác động đến thần kinh, kiểm soát của người lái xe, chưa kể có người còn buồn ngủ. Sự không tỉnh táo đó sẽ rất dễ gây ra tai nạn và lúc đó hậu quả không chỉ riêng mình mà người khác cũng phải hứng chịu. Do vậy, phải xác định rõ đã uống rượu bia là dứt khoát không lái xe hay đã lái xe thì không uống.

Lực lượng Cảnh sát giao thông TP.HCM kiểm tra nồng độ cồn - Ảnh: MINH HÒA

Lực lượng Cảnh sát giao thông TP.HCM kiểm tra nồng độ cồn - Ảnh: MINH HÒA

0%: không uống; có ngưỡng: dễ bị ép uống

Trong dự thảo báo cáo, giải trình một số nội dung mới trong dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gửi xin ý kiến các bộ, ngành, đơn vị, Bộ Công an đã nêu quan điểm về đề xuất cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế. Bộ Công an cho hay sử dụng rượu bia khi lái xe là vấn đề xã hội không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

Hiện các quốc gia trên thế giới quy định xử lý rất nghiêm khắc với người lái xe có nồng độ cồn. Cụ thể, chia làm hai nhóm gồm nhóm nghiêm cấm tuyệt đối vi phạm nồng độ cồn và nhóm các quốc gia quy định về ngưỡng nồng độ cồn trong máu, hơi thở được phép đối với người lái xe. Tuy nhiên, trong điều kiện văn hóa và giao thông ở Việt Nam hiện nay thực sự rất cần nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe.

Theo Bộ Công an, điều kiện giao thông ở Việt Nam hiện nay có nhiều đặc thù. Bên cạnh đó, theo khảo sát của một số tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những nước có mức tiêu thụ rượu bia và đồ uống có cồn đứng vào loại cao trên thế giới (đứng thứ 2 trong Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu bia). Đây là tỉ lệ rất đáng báo động.

Rượu bia là một trong những nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam, sử dụng rượu bia đang gây nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội. Do đó, việc kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn ngoài ý nghĩa đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Cũng theo Bộ Công an, văn hóa ẩm thực của Việt Nam có nhiều điểm đặc thù, có tính cả nể. Nếu quy định nồng độ bằng 0 thì không uống. Nhưng nếu có một hạn mức nào đó thì lái xe có thể gặp trường hợp bị ép uống.

Ngoài ra, đồ uống có cồn gây nghiện, đã bắt đầu uống là không dễ dừng, mà khi đã say sẽ khó nhớ luật quy định gì. Có trường hợp nhậu từ hôm trước mà hôm sau vẫn bị phạt vì uống quá nhiều hoặc do cơ địa, nhiều người hôm trước nhậu say, hôm sau vẫn váng đầu nhức óc cả ngày, ảnh hưởng tới khả năng lái xe.

Việc lái xe trong trạng thái thiếu tỉnh táo có thể gây ra thảm họa với những người vô tội như một số trường hợp lái xe say rượu gây tai nạn liên hoàn thời gian qua. Chưa kể ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân hiện nay chưa tốt, xem thường pháp luật, cố ý vi phạm pháp luật về giao thông, thậm chí thách thức lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý. Khi một ý thức tồi có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người, do đó xã hội rất cần sự nghiêm khắc.

Có căn cứ khoa học sẽ thuyết phục hơn

Hàng ngàn ý kiến bạn đọc tiếp tục tranh luận về đề xuất cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế do Bộ Công an đề xuất tại dự thảo báo cáo, giải trình một số nội dung mới trong dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Hoàn toàn ủng hộ đề xuất trên, bạn đọc Ngô Lộc cho rằng: "Cần cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi tham gia giao thông, chỉ có vậy mới cải thiện và nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, nhất là tạo văn hóa giao thông".

"Thực tế hiện nay tại nước ta rất cần nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe. Từ đó mới có thời gian tạo nên được ý thức cho tất cả mọi người dân trong xã hội. Khi nào toàn xã hội có ý thức cao và tự giác thì khi đó có thể mới điều chỉnh vùng đỏ và vùng xanh như các nước được", bạn đọc có số điện thoại 0968******78 bình luận.

Theo bạn đọc Vũ Nguyên, quy định nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe đã giúp thay đổi thói quen uống rượu bia như nước của một bộ phận người dân và giảm đáng kể các trường hợp tai nạn do lái xe có cồn gây ra. Những trường hợp ngoại lệ như có độ cồn tự nhiên có chăng chỉ là số ít, có thể bổ sung những quy định riêng cho những trường hợp này, chứ không thể vịn vào số ít này để điều chỉnh nâng nồng độ cồn được phép khi lái xe.

Đồng tình, bạn đọc Hiêu nói một cách hình tượng: "Một tài xế xe hơi say xỉn có thể khiến 5 - 10 gia đình xe máy phải làm đám tang. Ý thức giao thông của nhiều người còn thấp nhưng lại cứ đòi nới lỏng quy định nồng độ cồn".

Tranh luận thêm, bạn đọc Tuan Anh có ý kiến: "Đặt một ngưỡng nồng độ cồn lớn hơn 0 (ví dụ 0,025...) không phải là dung dưỡng cho hành động uống rượu bia lái xe. Ngưỡng này nhằm tránh oan sai do thao tác, máy móc sai số".

Bạn đọc Hoài Thương có hai ý kiến:

- Một là làm gì cũng phải có căn cứ khoa học. Liệu uống 1-2 chai bia hay với nồng độ cồn thấp thì có nguy hiểm không, bộ não có bị ảnh hưởng không, tinh thần ra sao?

- Hai là lưu ý luật phải có tính lâu dài, nhất quán.

Quy định về giới hạn nồng độ cồn trên thế giới

Cảnh sát Bỉ kiểm tra nồng độ cồn - Ảnh minh họa

Cảnh sát Bỉ kiểm tra nồng độ cồn - Ảnh minh họa

Theo trang BAC Tracker, tại Mỹ với người trên 21 tuổi lái xe với nồng độ cồn trong máu (BAC) đạt 0,08% trở lên là bất hợp pháp. Một số tiểu bang có giới hạn pháp lý khác nhau đối với một số tài xế, ví dụ như trẻ vị thành niên và/hoặc tài xế thương mại.

Các hình phạt cho việc lái xe khi say rượu gồm: đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép lái xe; phạt tù tại nhà tù tiểu bang hoặc hạt; tạm giữ hoặc tịch thu phương tiện/biển số xe. Một số lái xe vi phạm sẽ bị bắt buộc ghi danh Chương trình thiết bị khóa liên động đánh lửa (IID) - một loại thiết bị phân tích nồng độ cồn trong hơi thở được kết nối với hệ thống đánh lửa của xe, có thể ngăn tài xế khởi động xe nếu nồng độ cồn trong hơi thở vượt quá mức cho phép.

Ngoài ra, người vi phạm cũng có thể bị buộc tham gia chương trình điều trị lạm dụng rượu, chất kích thích.

Giới hạn 0,08% cũng được áp dụng tại Malaysia, Mexico, Puerto Rico, Singapore, Anh, New Zealand, Na Uy.

Tại Nhật Bản, BAC từ 0,03% trở lên bị coi là say rượu và phạm luật lái xe khi say rượu. Đất nước mặt trời mọc cũng được xem là có hình phạt nghiêm khắc với việc lái xe khi say. Người vi phạm có thể bị kết án 5 năm tù hoặc bị phạt tiền lên tới 10.000 USD tùy vào BAC đo được trong cơ thể. Ngoài ra, những hành khách khác trên xe sẽ bị truy tố và phạt tiền vì thiếu trách nhiệm. Quán rượu phục vụ người vi phạm cũng có thể bị phạt, theo trang English Lawyers Japan.

Tại Úc, lái xe với BAC trên 0,05% trở lên là bất hợp pháp. Ngoài ra, Úc áp dụng mức BAC 0,00% ở hầu hết các tiểu bang và vùng lãnh thổ nếu là người học lái xe, có bằng lái tạm thời hoặc đang trong thời gian thử thách (bất kể tuổi tác). Mức 0,00% cũng được áp dụng với tài xế xe tải, xe buýt, giáo viên dạy lái xe hoặc người hướng dẫn học viên lái xe cũng như người đã từng bị phạt vì lái xe dưới ảnh hưởng của chất kích thích.

Luật Giao thông đường bộ của Úc quy định năm cấp độ vi phạm lái xe khi uống rượu bia với các mức phạt tùy theo mức độ nghiêm trọng: phạt tiền từ 561 - 5.500 USD, tước quyền lái xe từ 3-36 tháng, phạt tù từ 18-24 tháng.

Giới hạn BAC 0,05% cũng áp dụng ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Argentina, Áo, Bỉ, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Israel, Ý, Nam Phi, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hong Kong, Đài Loan.

Có những quốc gia áp dụng chính sách "không dung thứ", do đó việc có cồn trong máu khi lái xe ở những quốc gia này là bất hợp pháp, ví dụ như Armenia, Azerbaijan, Czech, Hungary, Jordan, Kyrgyzstan và Romania.

Nhiều bạn đọc ủng hộ Nhiều bạn đọc ủng hộ 'cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế'

"Ủng hộ lái xe không bia rượu; Hoan nghênh sự quyết đoán của Bộ Công an; Đúng và chính xác, cả xã hội cần ủng hộ, giống như đội mũ bảo hiểm đã trở thành thói quen..." là những ý kiến của bạn đọc quanh quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên