07/02/2023 09:19 GMT+7

Đò ngang không áo phao: 'Đùa' với tử thần

Rất nhiều chuyến đò chở khách hằng ngày chạy dọc ngang trên sông rạch vẫn coi thường việc mặc áo phao để bảo đảm an toàn.

Đò ngang không áo phao: Đùa với tử thần - Ảnh 1.

Một chuyến đò ngang đưa học sinh và người dân qua sông Gianh (Quảng Bình) vào ngày 6-2- 2023. Không ai mặc áo phao - Ảnh: NAM PHONG

Những tai nạn đau lòng trên sông nước vừa xảy ra cũng là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh mọi người về sự cần thiết phải mặc áo phao khi ngồi đò.

Mỗi ngày hàng chục chuyến đò ngang vẫn vượt sông Gianh đưa hàng trăm người đi về từ thôn Cồn Cưỡi đến trung tâm xã Quảng Tiên (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình).

Khoảng hơn 10h trưa 6-2, bến đò phía gần UBND xã tập trung cả trăm em học sinh tiểu học và THCS vừa tan học về. Từ bên kia sông, chiếc đò ngang chạy bằng máy loại nhỏ vít ga băng ngang sông. Chiếc đò có một phần mái che khoảng 2m2. Trên đó có hơn chục chiếc áo phao cùng hai vòng phao rời hình tròn (thường dùng trong cứu hộ). Chị lái đò tên Hà tấp vào bến, học sinh lần lượt lên đò.

Hơn 30 em học sinh ngồi dồn kín hết chỗ ngồi trên đò. Một số ngồi chèn vào sát chỗ người lái, đò rít ga quay đầu chạy qua bên kia sông cách khoảng hơn trăm mét. Toàn bộ áo phao vẫn nằm yên trên mái che của đò, không ai mặc, người lái đò cũng không thèm nhắc. Một số em học sinh còn ngồi luôn lên lan can đò vô cùng chông chênh. Mỗi khi đò lắc sóng hoặc cần bẻ lái, những học sinh ngồi trên lan can lại gồng người theo hướng ngược lại để giữ thăng bằng. Sau ba chuyến đò mới chở hết số học sinh qua sông.

Ngoài ra, đò còn chở thêm nhiều chuyến khác cho người dân và giáo viên lớp mầm non dạy bên điểm trường Cồn Cưỡi, cán bộ xã đi công cán qua lại. Theo chị Hà, trong thôn chỉ một mình chị có bằng lái đò nên chị nhận trách nhiệm chở học sinh qua sông đến trường. "Tui cũng nhắc nhiều lắm, nhưng không ai chịu mặc áo phao", chị Hà nói.

Theo chính quyền xã Quảng Tiên, Cồn Cưỡi là một thôn biệt lập giữa sông Gianh khi bao quanh là bốn bề sông nước. Thôn có hơn 200 hộ dân, nếu không muốn đi đò này thì người dân phải đi vòng khoảng 6km mới đến được trung tâm xã. Đò ngang do xã quản lý.

Ông Hoàng Văn Ngừng, chủ tịch UBND xã Quảng Tiên, nói chính quyền xã cũng biết những mối nguy hiểm của những chuyến đò ngang. Trong đó có việc người đi đò không mặc áo phao, nhất là học sinh. "Chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở, nhưng chỉ khi có mặt thì việc tuân thủ mới được thực hiện", ông Ngừng cho hay.

Đừng thả nổi quy định mặc áo phao

Sống ở vùng sông nước ĐBSCL, thường xuyên đi đò phà, tôi thấy việc trang bị áo phao và dụng cụ nổi đã được thực hiện tốt hơn nhiều năm trước đây. Tuy nhiên, việc trang bị có vẻ như để đủ điều kiện hoạt động, tránh bị xử phạt chứ chưa hẳn vì đảm bảo an toàn của hành khách!

Phao có sẵn đó nhưng chủ đò và nhân viên phà chẳng mấy khi dùng và cũng không nhắc hành khách. Thành ra áo phao, dụng cụ nổi có mặt trên đò phà cho có là chính, không đủ so với lượng hành khách qua sông.

Đơn cử như phà An Hòa (Long Xuyên - Chợ Mới, An Giang), mỗi chuyến chở hàng trăm hành khách nhưng đếm số lượng trang bị không có là bao. Và bao năm qua tôi cũng chưa từng thấy và nghe thấy ai yêu cầu khách phải mặc áo phao hay cầm vật nổi khi qua sông. Chúng được treo máng lâu ngày đến cũ kỹ, không phát huy được tác dụng. Có lần tôi còn chứng kiến những người bán hàng rong trên phà tiện tay lấy dụng cụ nổi đang treo xuống làm ghế ngồi nghỉ mệt...

Qua phà Sơn Đốt (Châu Thành - Chợ Mới), tôi thấy phà nhỏ với vài áo phao trông te tua, thảm hại. Trên rất nhiều đò phà, áo phao đều đã cũ kỹ, dơ bẩn. Ai có thể tự nguyện mặc những áo phao vừa dơ vừa cũ rách này? Chúng có còn đảm bảo được chất lượng, công năng sử dụng hay không nếu chuyện không may xảy ra?

Người qua phà, đò hằng ngày vốn đã lơ là chuyện mặc áo phao. Khách du lịch qua các chuyến phà nhỏ ở Đồng Tháp, An Giang từng phản ánh trên báo việc không thấy trang bị phao, áo phao cho khách... Hành khách có ý thức về đảm bảo an toàn muốn mặc áo phao cũng bó tay, phó mặc may rủi.

Theo quy định, mọi hành khách, thuyền viên, người lái phương tiện trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình. Người điều khiển phương tiện có thể từ chối chuyên chở đối với những hành khách không tuân thủ việc mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cá nhân theo hướng dẫn. Quy định rõ ràng, nhưng vi phạm có thể thấy hằng ngày.

Hành khách chưa quan tâm đến việc sử dụng dụng cụ nổi, nhưng việc này có thể thay đổi từ trách nhiệm của người chủ phương tiện. Chủ có gương mẫu, làm nghiêm thì mới buộc khách thực hiện. Khi nhiều người mặc thì sẽ không còn e ngại, bỡ ngỡ nữa.

Bên cạnh công tác tuyên truyền phải đi đôi với kiểm tra, giám sát, xử nghiêm những thiếu sót liên quan việc qua đò, qua phà phải mặc áo phao hoặc mang dụng cụ nổi cứu sinh... đã bị "bỏ quên" như lâu nay.

KHÔI NGUYÊN

Mang áo phao đúng cách để tự cứu mình

Áo phao xốp thường dùng trên tàu thuyền thường có ba khuy gài, khi mặc áo phao thì tối thiểu người mặc phải gài được hai khuy mới có hiệu quả. Nếu gài chỉ một khuy hoặc chỉ khoác vào cho có thì khi rơi xuống nước áo sẽ trở thành vật cản gây ra tình trạng khó vận động cho người mặc. Nhiều trường hợp áo sẽ tuột ra, trùm lên đầu khiến người bị nạn không thể quan sát xung quanh.

Để tự cứu mình khi chìm tàu, có ba nguyên tắc phải làm. Thứ nhất, khi tàu có dấu hiệu chìm, phải quan sát ngay những vật có thể nổi như thùng xốp, can nhựa để bấu vào. Thứ hai, khi chìm xuống phải thoát nhanh khỏi đám đông. Thứ ba, phải giữ tâm lý vững vàng.

Ông Đặng Ngọc Hùng (đội trưởng Đội quy tắc và trật tự đô thị kiêm cứu hộ cứu nạn thành phố Đồng Hới, Quảng Bình)

'Tất cả đều mang áo phao nhưng do tàu lật úp nên có người mắc kẹt không ra được'

TTO - Theo thông tin sơ bộ từ ông Nguyễn Văn Sơn, chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam), tất cả mọi người trên tàu đều mang áo phao nhưng do tàu lật úp nên có người mắc kẹt không ra được.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên