11/03/2019 12:06 GMT+7

Diệt nạn bạo lực sân cỏ: Bạo lực sẽ giảm khi trọng tài nghiêm khắc

SĨ HUYÊN thực hiện
SĨ HUYÊN thực hiện

TTO - Các cựu trọng tài khẳng định điều này khi trao đổi với Tuổi Trẻ về trách nhiệm của giới trọng tài trong việc ngăn chặn những hành vi bạo lực trên các sân cỏ ở Việt Nam.

* Phát biểu trên Tuổi Trẻ, cầu thủ Lê Hoàng Thiên (CLB Sài Gòn) cho rằng cầu thủ đá thô bạo nhưng trọng tài không phạt thẻ là nguyên nhân chính dẫn tới sự trả đũa, rồi kéo theo sự va chạm và bạo lực xuất hiện. Ông nghĩ gì về nhận định này?

Ông Nguyễn Văn Mùi: 

ong nguyen van mui

Phát biểu của Hoàng Thiên không sai. Việc thiếu nghiêm khắc, thiếu nghiêm túc hoặc nhân nhượng của trọng tài là một nguyên nhân dẫn tới hành vi bạo lực. 

Tuy nhiên, việc không phạt thẻ hành vi thi đấu bạo lực của cầu thủ tùy thuộc vào cách nhìn và vị trí quan sát của trọng tài trên sân.

Ranh giới giữa hành vi tranh bóng liều lĩnh đáng bị phạt thẻ vàng với hành vi bạo lực phải nhận thẻ đỏ là hết sức mong manh. Trên sân, trọng tài rút thẻ vàng nhưng khi xem lại băng hình từ nhiều góc quay khác nhau thì thấy rằng pha bóng đó thẻ đỏ là thích đáng.

Chẳng hạn như pha vào bóng thô bạo cuối trận của Quế Ngọc Hải (Viettel) với Văn Kiên (Hà Nội). Với tình huống này, có thể do góc quan sát không tốt, ở xa bóng và nhận định chủ quan rằng Hải vào bóng liều lĩnh nên trọng tài phạt thẻ vàng. Khi xem chiếu chậm lại mới thấy rằng đó là tình huống hết sức nguy hiểm, bởi hành vi bạo lực đáng bị thẻ đỏ.

* Theo ông, đâu là điều quan trọng để trọng tài kiểm soát tốt trận đấu?

- Các trọng tài bắt buộc phải nghiêm khắc ngay sau tiếng còi nhập cuộc. Hành xử nghiêm luật, trọng tài cùng trợ lý trọng tài góp phần giúp cho trận đấu không căng thẳng. Đạt được điều này, hành vi bạo lực không có cơ sở để xuất hiện bởi cách hành xử nghiêm minh, đúng luật của các trọng tài.

Cựu trọng tài Đoàn Phú Tấn: 

doan phu tan

Trận đấu tốt hay xấu phụ thuộc vào trọng tài. Không chỉ tôi, các giảng viên trong các lớp tập huấn chuyên môn luôn khuyến cáo các trọng tài: nếu điều khiển trận đấu công tâm, đúng luật, bám sát diễn biến trận đấu để đưa ra các quyết định kịp thời ngay từ sau tiếng còi khai cuộc thì khả năng xuất hiện những pha bóng bạo lực sẽ rất thấp. 

Điều này giúp mọi chuyện diễn biến thuận lợi cho cả tổ trọng tài.

* Theo ông, những pha bóng bạo lực xảy ra ở những mùa V-League vừa qua là do trọng tài "không thuộc bài" trong việc hành xử theo luật hay do thái độ thiếu cương quyết như các cầu thủ từng lên tiếng trên Tuổi Trẻ?

- Theo tôi là cả hai. Mặt khác, xưa nay cầu thủ luôn rất "quái", gặp trọng tài nghiêm khắc thì họ rất ngoan. 

Nhưng đến lúc gặp trọng tài trẻ, mới vào nghề thì họ giở đủ chiêu để "bắt nạt", gây sức ép. 

Nói thì nói vậy nhưng diễn biến trận đấu tốt hay xấu hoàn toàn tùy thuộc vào cách hành xử của tổ trọng tài và mọi chuyện cứ theo luật bóng đá mà làm.

Chuyên gia Steve Darby:

Tính kỷ luật của giải đấu rất quan trọng

darby

Ở trường lớp, các cầu thủ nhí được học về y học, các vấn đề về xương khớp và trên sân bóng, HLV chúng tôi thường cũng nói rõ hơn về mức độ nguy hại của các chấn thương.

Nói chung, cầu thủ sẽ có kiến thức nhất định về chấn thương và hiểu rõ cần phải tránh xa chúng như thế nào, gồm cả việc đón nhận lẫn gây ra cho người khác.

Nhưng kể cả giáo dục có kỹ lưỡng đến thế nào đi nữa, việc cầu thủ chuyên nghiệp chơi bóng thô bạo trên sân vẫn xảy ra.

Do đó, tôi nghĩ điều quan trọng nhất nằm ở tính kỷ luật của hệ thống giải đấu và nó phải được tiến hành từ các giải trẻ cho đến chuyên nghiệp.

Một cầu thủ còn trẻ nếu bị phạt thẻ đỏ ngay trong pha chơi xấu đầu tiên, chắc chắn cậu ấy sẽ e ngại khi thực hiện điều đó lần thứ hai. Còn nếu bị bỏ qua nhiều lần, điều này sẽ khiến cậu ấy chơi xấu nhiều hơn sau đó.

H.Đ. ghi

Nhớ cựu trọng tài Võ Minh Trí

tt

Sau 23 năm cầm còi, trong đó có 17 năm là trọng tài FIFA, ông Võ Minh Trí (sinh năm 1972) chia tay sân cỏ khi khép lại mùa bóng 2017.

Dù ông Trí đã chuyển sang nhiệm vụ mới (giám sát trọng tài, phó ban trọng tài quốc gia), nhưng người hâm mộ vẫn chưa quên phong cách cầm còi chững chạc, dứt khoát, am tường và vận dụng nhuần nhuyễn về luật bóng đá.

Với nền tảng thể lực bền bỉ do chuyên cần tập luyện, ông Trí luôn có mặt đúng lúc ở điểm nóng trên sân cỏ để làm "hạ hỏa" những va chạm giữa cầu thủ hoặc đưa ra phán quyết kịp thời.

Cũng chính nhờ cách điều khiển công tâm, quyết liệt mà các trận đấu do trọng tài Võ Minh Trí điều khiển thường không xảy ra những căng thẳng dẫn đến bạo lực trên sân.

M.HÀ

Chung tay diệt nạn bạo lực sân cỏ: Đạo đức trước đã, biết đá tính sau Chung tay diệt nạn bạo lực sân cỏ: Đạo đức trước đã, biết đá tính sau

TTO - Muốn bạo lực không xuất hiện ở sân chơi V-League, công tác giáo dục các cầu thủ ngay từ khi còn trẻ rất quan trọng. HLV ở một số đội bóng đã chia sẻ với Tuổi Trẻ cách giáo dục cầu thủ trẻ ở lò đào tạo của họ.

SĨ HUYÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên