24/07/2018 10:00 GMT+7

Điểm tựa đứng lên - Kỳ cuối: Những điểm tựa yêu thương

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Ở TP.HCM có hai mái ấm đặc biệt nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Mái ấm Bà Chiểu nuôi toàn trẻ em gái trong khi mái ấm Ánh Sáng là nơi chăm dưỡng toàn những bé trai...

Điểm tựa đứng lên  - Kỳ cuối: Những điểm tựa yêu thương - Ảnh 1.

Các em nhỏ ở mái ấm Bà Chiểu chuẩn bị đến trường - Ảnh: Mái ấm cung cấp

Những mái ấm đang nuôi dưỡng những đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, lang thang trên đường phố đã cho các em một điểm tựa để trưởng thành, để thoát khỏi con đường đói nghèo, thất học, nghiện ngập, tù tội...

Bất hạnh và trưởng thành

Một ngày cuối tuần, "ngôi nhà đông con gái" trong một con hẻm nhỏ ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM rộn rã tiếng cười, tiếng đùa giỡn của 25 cô con gái trong nhà.

Ngôi nhà ấy là mái ấm Bà Chiểu - nơi nương náu của những đứa trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Đứa lớn nhất đã 17 tuổi, đứa nhỏ mới chừng 6, 7 tuổi. Giờ này đám trẻ hầu như tụ lại cả trong căn bếp, mỗi đứa một tay phụ chị bếp chuẩn bị bữa cơm trưa.

"Ở đây em nào cũng có hoàn cảnh rất éo le. Đứa mồ côi không cha không mẹ, đứa thì còn mẹ, đứa thì còn cha nhưng sống lang thang, đứa thì cha mẹ đang ở tù..." - cô Trương Thị Yến, 50 tuổi, phụ trách mái ấm Bà Chiểu, mở đầu câu chuyện về các bé gái trong mái ấm. 

Cô vuốt ve mái tóc ngắn của cô bé 11 tuổi tên Mai kể tiếp: "Cha em nghiện ngập đã bị đưa vào trung tâm cai nghiện, mẹ em mang bầu nên sống lang thang trên đường phố. Mai sinh ra không nhà không cửa. Rồi mới đây mẹ Mai lại có thêm em bé, Mai cũng tới tuổi đi học nên được các nhân viên xã hội đưa đến đây".

Mai vào mái ấm mà không có một mảnh giấy tờ chứng minh nhân thân, em được các cô làm giấy khai sinh để vào lớp 1. Ba năm ở mái ấm, đổi lại những ngày theo mẹ ngồi lê la ở cổng chùa xin ăn, đội nắng, dầm mưa, thiếu ăn thiếu uống. 

Cho các em một mái nhà, cho các em được học hành để các em được mơ, được đi tìm một tương lai tươi sáng cho cuộc đời

Cô Trương Thị Yến

Điểm tựa đứng lên  - Kỳ cuối: Những điểm tựa yêu thương - Ảnh 3.

Cô Trương Thị Yến đang khuyên bảo một cô con gái trong mái ấm - Ảnh: VŨ THỦY

Mai được đến trường, ngủ trên một cái giường trong căn phòng ấm áp, có thêm những người chị, người em, có thêm bạn bè, ngày ba bữa quây quần quanh bàn ăn có thịt cá.

19 năm gắn với mái ấm, cô Yến và các anh chị giáo dục viên mái ấm đã nuôi dưỡng hơn 200 em nhỏ như Mai. 

"Cho các em một mái nhà, cho các em được học hành để các em được mơ, được đi tìm một tương lai tươi sáng cho cuộc đời. Có nhiều em đã ở đây 17-18 năm, học cấp I, cấp II, cấp III, vào CĐ, ĐH rồi đi làm, có gia đình" - cô Yến kể. 

Là Thảo, cô bé mồ côi mẹ, theo cha vào Sài Gòn ăn xin sống qua ngày đã có 15 năm ở mái ấm. Em tốt nghiệp ngành kế toán ĐH Nguyễn Tất Thành và đã đi làm. 

Là Thủy, cô bé bán vé số, được đưa vào mái ấm cho đi học đã tốt nghiệp ĐH Công nghiệp và đi làm tại Ngân hàng Sacombank. 

Hay là Mỹ Hạnh, cô bé lượm ve chai ở quận 4 ngày nào, sau 12 năm được nuôi dạy ở mái ấm cũng học xong trung cấp tài chính, có việc làm, lấy chồng, sinh con...

Ở mái ấm Bà Chiểu, các cô đều như một người mẹ của các em nhỏ. Các em vào đây khi 6-7 tuổi, đã có một thời gian dài lớn lên với những xáo trộn, sang chấn tâm lý nặng nề. 

Nuôi dạy một lúc 25 đứa con gái để chúng được lớn lên trong tình yêu và trưởng thành không phải là điều đơn giản nhưng các cô đã cố gắng hết sức để mang lại cho các em một gia đình, để từ đó các em bước tiếp trên đôi chân cứng cáp của mình.

Ngôi nhà của những cậu con trai

"Nhà này có tới 25 đứa con trai nhưng đều được nuôi ăn, nuôi học đến nơi đến chốn" - cô Đặng Thị Mai, chủ nhiệm mái ấm Ánh Sáng nam quận 10, TP.HCM, vui vẻ kể chuyện. 

Đã đến giờ ăn trưa nhưng phòng ăn chỉ có gần 10 cậu con trai. "Đang nghỉ hè, các em xin về thăm họ hàng, tham gia hoạt động hè nên còn có nhiêu đây thôi" - cô Mai bảo. Bữa cơm có canh mướp, thịt gà kho được mấy cậu con trai ăn rất ngon lành. 

Thấy có khách, từ nhỏ đến lớn đều nhanh nhẹn lên tiếng chào: "Con chào cô!".

Điểm tựa đứng lên  - Kỳ cuối: Những điểm tựa yêu thương - Ảnh 4.

Chăm lo bữa ăn cho các em trai ở mái ấm Ánh Sáng nam Q.10- Ảnh: VŨ THỦY

Cũng như mái ấm Bà Chiểu, các cậu bé ở mái ấm Ánh Sáng đều là trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, sống trên đường phố hoặc gia đình quá nghèo. 

"Gần đây nhất là bé Phúc mới được đưa vào. Phúc mới 8 tuổi nhưng mồ côi cả cha lẫn mẹ, ông bà quá lớn tuổi không còn chăm sóc được cháu nên Phúc vào mái ấm. Tâm lý con lúc mới vào cũng bất ổn lắm, lầm lầm lì lì nhưng vài tháng ở đây, có nhiều bạn bè cùng trang lứa, có các anh chơi đùa em cũng ổn hơn nhiều rồi" - cô Mai kể. 

Vào mái ấm từ năm 1999, cô Mai rất hiểu tâm tính của đám trẻ nhà Ánh Sáng. "Trẻ nhỏ thì cô nhỏ lo, trẻ lớn thì cô lớn lo. Nhiều em vào đây lúc mới học lớp 1, giờ đã tốt nghiệp ĐH ra trường rồi" - cô kể.

Ngày 20-11 năm nào mái ấm Ánh Sáng cũng đông vui như ngày hội. Các em đã trưởng thành đều về thăm lại mái ấm, thăm các thầy cô, chia sẻ với các em khóa dưới để các em có động lực học tập. 

"Có đứa đi du học ở Nhật đã lưu trú, làm việc ở đó 5 năm, đứa tốt nghiệp ngành ôtô đi làm rồi lập gia đình, đứa học công nghệ thông tin đang làm cho FPT, đứa làm quản lý ở khu công nghiệp lương cao gấp 4-5 lần thầy cô ở đây..." - cô Mai tự hào kể.

Trên tường phòng làm việc của cô là giấy khen của rất nhiều em, giấy khen học sinh khá, giỏi, giấy khen các kỳ thi. Cô bảo ở Ánh Sáng, cứ 16 tuổi là thầy cô cho các em tự viết kế hoạch bản thân. Các em sẽ tự tìm ra điều các em muốn làm, thầy cô chỉ hướng dẫn, gặp khó thì chia sẻ để thầy cô hỗ trợ. 

"Nhưng có một điều rất may mắn là phần lớn các em khi vào mái ấm sẽ tự học lẫn nhau, đứa nhỏ thì học các anh chị lớn nên em nào cũng có ý thức" - cô Mai cho biết.

Học hành là chìa khóa

"24 năm thành lập, mái ấm đã nuôi dạy gần 500 em nhỏ. Các em được nuôi dưỡng, chăm sóc y tế, làm giấy tờ tùy thân, cho ăn học. Chuyện học hành phải được đặt lên hàng đầu bởi vì với các em, học hành chính là chìa khóa để các em mở cánh cửa đời mình khi trưởng thành và rời mái ấm.

Năm nay mái ấm cũng có ba em tốt nghiệp phổ thông, kết quả xét tuyển cũng có rồi. Một em sẽ vào học CĐ Cao Thắng, một em học ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, còn một em học ở ĐH FPT" - cô Mai vui mừng kể.

Điểm tựa đứng lên: Lớn lên từ đứa trẻ bụi đời Điểm tựa đứng lên: Lớn lên từ đứa trẻ bụi đời

TTO - Gần 7h tối, Nguyễn Hồng Phúc (33 tuổi) rảo một vòng quanh công viên quen thuộc, rồi hướng đến một tụ điểm game bắn cá - "đại bản doanh" của đám trẻ bụi đời sống quanh công viên.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên