04/06/2018 07:30 GMT+7

Đi coi hát xiệc

VƯƠNG THUẤN
VƯƠNG THUẤN

TTO - Hôm rồi dẫn con trai đi coi xiếc, như phần thưởng mùa hè, cho một năm nghịch ngợm xong.

Đi coi hát xiệc - Ảnh 1.

Nghệ sĩ xiếc biểu diễn tại rạp xiếc ở công viên Gia Định - Ảnh: VƯƠNG THUẤN

Rạp xiếc ở công viên Gia Định, cũng là những miếng bạt nhiều màu quây tròn, có cái chóp đỉnh cột cao vút bằng một cọng dây thừng vững chãi.

Tất cả vẫn còn nguyên vẹn như cảm xúc nhìn thấy rạp lần đầu trong một bộ phim Nga trắng đen, như lúc mình đứng bần thần cả buổi coi người ta dựng rạp ở Nhà văn hóa Ninh Thuận - đối diện với bến xe cũ.

Tung người trên không của đoàn xiếc Mông Cổ - Video: GIA TIẾN

Má mình không nói "coi xiếc", bà nói "coi hát xiệc". Đó là từ cũ chỉ các buổi diễn tạp kỹ, bao gồm hát và xiệc (cả xiếc và ảo thuật). Bà kể cho mình nghe các buổi hát xiệc bà đã trải qua trong tuổi thơ và thiếu nữ của mình.

Mình hình dung từ xiệc qua lời kể của bà, cái từ kỳ diệu, chỉ cần đọc lên là thấy độ cheo leo, khó khăn, thấy các mánh lới, thấy các xảo thuật kỳ lạ. Mình mang từ xiệc vào giấc ngủ, đi coi xiệc qua tuổi thơ của má mình.

Ba mình không nói gì, bằng cách nào đó, ông có một khoản tiền nhỏ đủ mua ba cái vé. Tối ấy, ông bảo mình và bà chị, "ba dẫn hai đứa đi coi xiếc".

Đó là một đêm kỳ diệu, trong cái nhà dù nhiều màu sắc mà mình hình dung như lâu đài, mình lần đầu thấy chú hề, lần đầu biết rằng người ta có thể đi trên dây, lần đầu biết người ta có thể biến ra chú thỏ từ chiếc túi vải nhỏ xíu, lần đầu biết xe có thể chạy trong một chiếc lồng sắt, lần đầu biết cô gái mặc váy trắng đẹp thế nào...

Mình há hốc mồm cả buổi, quên cả việc vỗ tay dù ba mình nhắc. Bà chị mình, lâu lâu vẫn nhắc cái ký ức rực rỡ đêm ấy. Tuổi thơ làm sao bay lên nếu người ta không nhìn thấy xiệc, hiểu về xiệc.

Dẫn con đi coi hát xiệc, gần 20 tiết mục công phu, từ ảo thuật đến lắc vòng, từ đi trên dây đến bay vòng bằng sợi lụa, từ xiếc thú đến thăng bằng. Nhìn con cười, con kinh ngạc, con sợ hãi, con sung sướng...

Nhìn con nói với bạn rằng "người ta bay đẹp quá kìa", mình hiểu rằng xiệc chưa bao giờ mất khả năng tác động kỳ diệu đến trẻ thơ.

Nhưng đêm ấy, đêm cuối tuần, chỉ có vài phụ huynh như mình cộng thêm một số nhân viên một công ty nào đó. Vài chục người trên khán đài có gắng lắm cũng chỉ có thể tán thưởng bằng tràng pháo tay dài một chút.

Hơn hai giờ đồng hồ, các nghệ sĩ đi xe đạp một bánh, lượn vòng nguy hiểm trên cao, biến hóa từ tay ra bao nhiêu con vật... giữa hàng ghế trống vắng, tối mờ mờ. Động tác đến từ thể chất mạnh mẽ, tinh thần vững chãi và sự chính xác tuyệt đối. Những nghệ sĩ ấy, tài năng được dựng nên không chỉ đam mê mà còn khổ luyện.

Thế mà, trong thành phố hơn 10 triệu dân, tìm không ra 100 người thưởng thức, trân trọng họ. Vợ mình là phụ nữ, cô xót xa theo một cách khác: "Anh có thấy cô diễn viên đu bay phải mặc một bộ đồ diễn đã ngả màu vàng không, nếu có tiền đầu tư một trang phục mới, cô ấy sẽ rực rỡ hơn trên sân khấu nhiều lắm".

Mình nán lại một chút khi tan giờ diễn, hỏi năm phụ huynh "anh/chị thấy cháu có thích không, có xứng đáng tiền mua vé không?". Tất cả họ đều trả lời giống nhau "bé thích lắm, tui còn thích mà, quá xứng đáng tiền vé, coi được biết bao nhiêu thứ, coi quá trời coi".

Hãy dựng giấc mơ xiệc cho con trẻ đi các bạn, mơ mộng và tưởng tượng là hành trang cần thiết để làm người. Rạp hát xiệc ấy mở cửa vào đêm thứ bảy, chủ nhật mỗi tuần, dịp Quốc tế thiếu nhi có diễn liên tiếp bốn đêm. Xiệc chưa bao giờ gần thế.

Tranh cãi quanh việc biểu diễn xiếc thú: Cấm hay không cấm? Tranh cãi quanh việc biểu diễn xiếc thú: Cấm hay không cấm?

TTO - Câu hỏi 'Hạn chế nuôi thú hoang dã làm trò: được không?' đã nhận được những ý kiến nhiều chiều từ chính các du khách và khán giả cũng như đại diện của Tổ chức Động vật châu Á.

VƯƠNG THUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên