21/06/2015 09:51 GMT+7

Đề xuất treo biển đề nghị không nói tục, chửi bậy

VŨ VIẾT TUÂN ghi
VŨ VIẾT TUÂN ghi

TT - Hà Nội “tuyên chiến” với nạn nói tục. Hà Nội cũng đang lấy ý kiến xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử... Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến của Nhà văn Đỗ Phấn.

Nói tục là một bộ phận của ngôn ngữ, có thể xuất hiện bất cứ đâu chứ không riêng ở Hà Nội. Nhưng tại sao chúng ta phải đặt ra một quy tắc ứng xử cho người ở Hà Nội?

Hình như mọi người có cảm giác ở Hà Nội nói tục hơn chỗ khác? Điều đó không phải, vì một phần do lịch sử để lại. Trước khi Lý Công Uẩn dời đô đây vốn đã là đất kẻ chợ - là người khắp nơi, có sinh hoạt, ngôn ngữ riêng của họ.

Nhưng một phần những người từ tỉnh ngoài đến phải theo nếp ăn nói của người Hà Nội. Nếp ăn nói của người Hà Nội không phải là điều gì ghê gớm lắm, mà phải tròn vành, rõ tiếng, đúng chính tả.

Trong giao tiếp, tất cả người Hà Nội đều giao tiếp với nhau một cách hết sức có văn hóa. Những người ở Hà Nội lâu hơn, họ có quy tắc bất thành văn là giao thiệp một cách lịch lãm. Họ không nhún nhường, không kiêu ngạo, càng không cáu gắt, chửi mắng.

Nét văn hóa giao tiếp ấy duy trì được khá lâu. Ngay thời Pháp đô hộ, Hà Nội là thủ đô hành chính, nên đòi hỏi có những quy chuẩn trong giao tiếp.

Những công chức ở Hà Nội thời đó luôn đi đầu trong việc quảng bá cách thức giao tiếp lịch sự. Những thành phần lao động khác muốn kiếm sống trên mảnh đất này bắt buộc phải học cách cư xử lịch lãm, ngay ngắn từ bộ phận công chức.

Điều đó tạo ra môi trường chung trong cách giao tiếp lịch sự ở Hà Nội. Nhưng nếu ai đọc các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng sẽ thấy vẫn có những bộ phận không thanh lịch. Tôi đã đi mấy chục thành phố trên thế giới và thấy ở thành phố nào cũng có một bộ phận như vậy.

Bây giờ những người sống lâu ở Hà Nội vẫn giữ cách cư xử rất lịch sự, ngay ngắn, chỉn chu. Bộ phận thương gia, tiểu thương cũ cũng rất lịch lãm. Nhưng bộ phận ấy quá nhỏ so với 7 triệu dân đang sống ở Hà Nội hiện nay.

Vì thế, sức ảnh hưởng của bộ phận nhỏ này lên cộng đồng dân cư ít đi, thậm chí đôi khi còn có tâm lý tiêu cực là gặp những trường hợp nói tục thì họ quay mặt đi, không nói gì nữa. Vì họ hiểu rõ họ là thiểu số.

Chúng ta không thể can thiệp vào bộ phận của ngôn ngữ, mà khi nó không phù hợp nữa sẽ tự mất đi. Ví dụ người Hà Nội những năm 1970 - 1975 có sử dụng từ “thiên thối” nói về những anh chàng ba hoa, bịa đặt, khoác lác. Nhưng về sau, vì không phù hợp nữa nên từ ấy đã tự mất đi.

Thay vì sử dụng những biện pháp bằng văn bản hành chính, có nhiều cách đơn giản hơn để vận động, giáo dục cộng đồng không nói tục, chửi bậy. Chúng ta có thể làm những biển nhỏ ghi: “Đề nghị không nói tục, chửi bậy”. Có thể áp dụng trước trên xe buýt.

VŨ VIẾT TUÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên