13/01/2024 13:57 GMT+7

Đề xuất sửa chữa, chống xói lở trụ cầu Trung Hà theo hai bước

Các trụ cầu Trung Hà bị xói lở sẽ được sửa chữa thông qua hai bước, nhằm đảm bảo an toàn cho cây cầu nối Hà Nội với Phú Thọ qua sông Đà.

Một số móng cọc của cầu Trung Hà bị lộ ra khỏi nền cát khi mực nước sông Đà xuống thấp - Ảnh: T.QUÂN

Một số móng cọc của cầu Trung Hà bị lộ ra khỏi nền cát khi mực nước sông Đà xuống thấp - Ảnh: T.QUÂN

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Phòng quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết Sở Giao thông vận tải Phú Thọ đã trình Cục Đường bộ phương án sửa chữa, chống xói lở trụ cầu Trung Hà theo hai bước.

Bước đầu có thể thực hiện ngay theo phương thức chỉ định thầu, với gói thầu giá trị dưới 1 tỉ đồng. 

Theo đó, dùng vật liệu mới làm đê ni lông, bơm cát vào trong bảo vệ móng cọc của trụ cầu Trung Hà để không bị dòng chảy thúc vào làm xói sâu chân móng cọc. 

Đây là giải pháp phòng ngự trước mắt, cần làm sớm để phòng tránh móng cọc cầu xói thêm khi sắp tới Nhà máy thủy điện Hòa Bình xả nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân.

Bước thứ hai thực hiện theo dự án lớn hơn, khoan thêm cọc nhồi đổ bệ bọc liên kết các móng cọc hiện tại thành một khối chung. Như vậy, móng cọc của cầu Trung Hà sẽ đáp ứng được tải trọng lớn hơn hiện tại.

Cầu Trung Hà vượt sông Đà, nối huyện Ba Vì (Hà Nội) và huyện Tam Nông (Phú Thọ) qua quốc lộ 32. 

Cầu được khởi công tháng 11-1999 và hoàn thành vào tháng 4-2002. Cầu dài 743,6m, gồm 14 nhịp, rộng 11m, kết cấu cầu vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép.

Phần cọc của móng cầu càng nhô ra thì càng giảm khả năng chịu lực - Ảnh: T.QUÂN

Phần cọc của móng cầu càng nhô ra thì càng giảm khả năng chịu lực - Ảnh: T.QUÂN

Theo đại diện Phòng quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, cầu Trung Hà có trụ cầu được xây dựng trên hệ móng cọc. 

Thời điểm xây dựng, hệ cọc đóng trên nền cát, chưa tới tận tầng đá dưới cùng vì năng lực đóng cọc lúc đó có hạn. Lúc đó tầng cát dày sẽ bảo vệ cọc tốt, nhưng bây giờ tầng cát bị xói lở, chiều dài cọc lộ ra nhiều khỏi tầng cát sẽ làm yếu cọc.

Do vậy, giải pháp triệt để là bổ sung cọc khoan nhồi và liên kết các cọc móng hiện tại của cầu Trung Hà thành một khối để tăng khả năng chịu tải, chống được xói lở.

Hiện các đơn vị chuyên môn của Cục Đường bộ đang rà soát phương án của Sở Giao thông vận tải Phú Thọ (đơn vị quản lý cầu Trung Hà) đề xuất để báo cáo Bộ Giao thông vận tải cho ý kiến, bố trí vốn để thực hiện dự án sửa chữa cầu Trung Hà.

Khai thác cát khiến cầu nối Hà Nội với Phú Thọ bị xói lởKhai thác cát khiến cầu nối Hà Nội với Phú Thọ bị xói lở

Theo Cục Thủy lợi, nguyên nhân chính dẫn đến lòng sông dưới chân cầu Trung Hà bắc qua sông Đà (nối Hà Nội với Phú Thọ) bị xói lở nói riêng và hạ thấp lòng dẫn hệ thống sông Hồng - Thái Bình nói chung là do khai thác cát.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên