Phóng to |
Đường Lê Hồng Phong, đoạn từ Vĩnh Viễn đến Hùng Vương, Q.10 (TP.HCM) được đề nghị không cho sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Theo đó, Sở GTVT TP đề xuất đưa ra khỏi danh mục 99/112 tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè phục vụ kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa. Như vậy, ngoài 13 tuyến đường thuộc Q.5 và Q.6, tất cả các tuyến đường khác trên địa bàn TP bị cấm sử dụng vỉa hè để phục vụ kinh doanh, buôn bán hàng hóa.
Đối với 160 tuyến đường đang cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí, Sở GTVT TP đề xuất đưa ra khỏi danh mục 42 tuyến đường, điều chỉnh (thu hẹp hoặc mở rộng diện tích đậu xe) và bổ sung bảy tuyến đường. Trong đó, các quận có số tuyến đường được phép lập bãi giữ xe công cộng trên vỉa hè nhiều nhất là Q.1 (55 tuyến), Q.5 (45 tuyến) và Q.3 (8 tuyến).
Với 73 tuyến đường đang cho phép đậu ôtô dưới lòng đường có thu phí, Sở GTVT TP đề xuất đưa ra khỏi danh mục 36 tuyến và điều chỉnh 12 tuyến đường. Tuy nhiên, Sở GTVT TP cũng đề xuất bổ sung 15 tuyến đường vào danh mục. Như vậy theo đề xuất của Sở GTVT TP, sẽ có 52 tuyến đường được phép đậu ôtô có thu phí.
Ông Lê Toàn, phó giám đốc Sở GTVT TP, cho biết hiện nay một số tuyến đường có lưu lượng xe tăng cao so với trước nên việc cho phép đậu xe sẽ cản trở và làm ùn tắc giao thông. Mặt khác, chủ trương của Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia là không cho phép sử dụng lòng đường, vỉa hè làm điểm đỗ hoặc kinh doanh điểm đỗ xe; hướng tới mục tiêu “trả lại vỉa hè cho người đi bộ, lòng đường cho các phương tiện tham gia giao thông”.
Vì sao Sở GTVT TP vẫn giữ lại 13 tuyến đường cho phép sử dụng tạm thời vỉa hè để kinh doanh (trong khi trước đây sở đề xuất xóa bỏ 112/112 tuyến đường loại này) và bổ sung tới 15 tuyến đường cho phép đậu ôtô dưới lòng đường?
Đại diện Sở GTVT TP cho biết UBND TP chỉ đạo rà soát lại các tuyến đường cho phép kinh doanh trên vỉa hè và đậu, giữ xe có thu phí theo tiêu chí điều chỉnh và loại bỏ những tuyến đường không còn phù hợp, đồng thời bổ sung những tuyến đường đủ tiêu chuẩn (đường rộng, lưu lượng xe còn ít). Việc này nhằm giải quyết nhu cầu có thật của người dân, việc xóa bỏ các tuyến đường cho phép đậu, giữ xe không thể thực hiện ngay một lúc để người dân có thời gian chuẩn bị, tránh xáo trộn đời sống và việc kinh doanh của họ.
Một số tuyến đường tại Q.5, Q.6 do nằm trong khu vực có nhiều chợ, buôn bán hàng hóa sầm uất nên vẫn tiếp tục được cho phép sử dụng tạm thời vỉa hè để phục vụ kinh doanh, buôn bán hàng hóa.
13 tuyến đường được dùng tạm thời một phần vỉa hè để kinh doanh * Q.5 (11 tuyến): Phạm Đôn, Hải Thượng Lãn Ông, Phù Đổng Thiên Vương, Đỗ Ngọc Thạnh, Dương Tử Giang, Tạ Uyên, Phùng Hưng, Lão Tử, Hà Tôn Quyền, Tân Thành, Phạm Hữu Chí. * Q.6 (2 tuyến): Trần Bình và Lê Tấn Kế. 52 tuyến đường được phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí * Q.1 (23 tuyến): Cao Bá Quát, Công xã Paris, Đông Du, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Lai, Nguyễn Văn Cừ, Hàm Nghi, Trương Định, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Trần Cao Vân, Thủ Khoa Huân, Hàn Thuyên, Alexandre De Rhodes, Chu Mạnh Trinh, Hai Bà Trưng, Nguyễn Du, Nguyễn Văn Chiêm, Nguyễn Văn Thủ, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Cư Trinh, Huyền Trân Công Chúa. * Q.3 (12 tuyến): Bà Huyện Thanh Quan, Lê Quý Đôn, Trương Định, Trần Quốc Thảo, Hồ Xuân Hương, Sư Thiện Chiếu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Diệu, Lê Ngô Cát, Phạm Ngọc Thạch, Trần Cao Vân, Pasteur. * Q.5 (8 tuyến): An Dương Vương, Nguyễn Thị Nhỏ, Nguyễn Văn Cừ, Phan Văn Trị, Tản Đà, Lê Hồng Phong, Trần Bình Trọng, Phạm Hữu Chí. * Q.10 (6 tuyến): Lê Hồng Phong, Cao Thắng, Nguyễn Giản Thanh, tuyến hẻm hai bên công viên Vườn Lài (hẻm 781 Lê Hồng Phong và hẻm 16 Trần Thiện Chánh), hẻm 51 Thành Thái, tuyến hẻm xung quanh công viên Z756 (hẻm 283 và hẻm 285 Cách Mạng Tháng Tám). * Q.2 (1 tuyến): Nguyễn Văn Hưởng; Q.6 (1 tuyến): Nguyễn Hữu Thận; Q.11 (1 tuyến): đường số 2 cư xá Lữ Gia. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận