Đề xuất này được Bộ Tài chính đưa ra trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT - sửa đổi) đang lấy ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) và người kinh doanh.
VCCI chỉ ra 5 bất cập
Trong văn bản góp ý dự thảo luật vừa gửi tới Bộ Tài chính, VCCI đã chỉ ra năm bất cập lớn trong dự thảo luật.
Đó là đề xuất áp thuế VAT 10% với các trường hợp: dịch vụ xuất khẩu; DN chế xuất khi bán hàng vào nội địa; hàng hóa, dịch vụ biếu tặng cho với mục đích từ thiện; áp thuế VAT với cả công ty mẹ, công ty con trong cùng một tập đoàn; ngưỡng doanh thu không chịu thuế với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh từ 100 - 150 triệu đồng chưa phù hợp.
Phân tích về những bất cập của đề xuất áp thuế với dịch vụ xuất khẩu, ông Đức cho rằng VAT là thuế đánh vào tiêu dùng, DN chỉ thu hộ, nộp hộ. Nếu người tiêu dùng ở nước ngoài, đương nhiên thuế là 0%, DN sẽ được khấu trừ và hoàn thuế đầu vào.
Nhưng điều 9.1 của dự thảo luật đang đề xuất đánh thuế VAT đối với hầu hết dịch vụ xuất khẩu (trừ các ngành vận tải quốc tế, cho thuê phương tiện vận tải ngoài lãnh thổ VN và một số dịch vụ liên quan), không cho phép hưởng thuế suất 0% như hiện nay.
Lý do áp thuế 10% với dịch vụ được cơ quan soạn thảo đưa ra khá bất ngờ: trong thời gian qua cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc phân biệt doanh thu nào đến từ dịch vụ được xuất khẩu, doanh thu nào đến từ dịch vụ được tiêu dùng trong nước.
"Việc phải chịu thuế suất VAT 10% khi xuất khẩu sẽ khiến các nhà cung cấp dịch vụ cho nước ngoài của VN gặp khó cạnh tranh với đối thủ đến từ quốc gia khác", ông Đức nhấn mạnh.
Trong văn bản góp ý vừa gửi tới Bộ Tài chính, VCCI cũng cho hay hầu hết các quốc gia đều áp thuế suất VAT 0% cho dịch vụ xuất khẩu và cho phép DN được hoàn thuế đầu vào.
Xuất khẩu dịch vụ là lĩnh vực đang có tiềm năng phát triển rất lớn. VN có kim ngạch xuất khẩu dịch vụ năm 2023 đạt khoảng 20 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 11% mỗi năm, cao hơn so với tăng trưởng GDP.
Hơn nữa, hoạt động xuất khẩu dịch vụ thường không yêu cầu vốn đầu tư quá lớn nên phù hợp với một nền kinh tế thiếu vốn như VN. Thêm vào đó, xuất khẩu dịch vụ trên môi trường Internet đang giúp quảng bá hình ảnh đất nước và làm gia tăng sức mạnh mềm của quốc gia.
Cảnh báo tình trạng các DN công nghệ thông tin VN sang Singapore, ra nước ngoài mở công ty ngày càng phổ biến, VCCI nhấn mạnh với những đề xuất được đưa ra trong dự thảo Luật thuế VAT (sửa đổi) hiện nay, nếu mở DN tại VN cung cấp cho người dùng nước ngoài, sản phẩm, dịch vụ của DN sẽ phải chịu hai lần thuế VAT ở hai quốc gia.
Nhưng nếu người Việt mở DN tại nước ngoài để cung cấp cho người dùng VN thì chỉ phải chịu một lần thuế VAT tại VN.
Vì vậy, VCCI đề nghị giữ nguyên quy định dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% và giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp phân loại dịch vụ xuất khẩu và dịch vụ tiêu dùng trong nước.
Bên cạnh đó, VCCI cũng kiến nghị nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế VAT với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh lên ngưỡng 180 - 200 triệu đồng/năm.
Cho phép các tập đoàn kinh tế được hạch toán tập trung đối với các DN trong tập đoàn để tránh đánh thuế VAT nhiều lần.
Không khuyến khích xuất khẩu dịch vụ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Cúc, chủ tịch Hội Tư vấn thuế VN, cho biết ngày 15-3 tới Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội sẽ họp, thảo luận về nội dung dự thảo Luật Thuế VAT ở Đà Nẵng.
"Tôi cho rằng dự thảo luật cần cân nhắc, nghiên cứu việc áp thuế VAT với dịch vụ xuất khẩu. Chỉ không áp dụng thuế suất 0% với một số dịch vụ cụ thể không phân biệt được là tiêu dùng ở trong nước hoặc nước ngoài. Còn với dịch vụ xuất khẩu chắc chắn xác định được thì nên áp dụng thuế suất VAT 0% như quy định hiện hành", bà Cúc đề xuất.
Ông Nguyễn Quốc Việt, phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), băn khoăn: nhiều nước khi hàng hóa ra khỏi lãnh thổ họ không đánh Thuế VAT nhưng chúng ta vì không phân biệt được dịch vụ tiêu dùng trong nước hay nước ngoài mà đánh cả thì không công bằng, không khuyên khích DN nội địa vươn ra xuất khẩu.
Thanh tra, kiểm tra thuế là công việc của cơ quan nhà nước, nếu khó phải khắc phục bằng biện pháp kỹ thuật, kiểm tra xác suất.
"Khó khăn đến đâu cũng phải phân loại, bóc tách hàng hóa để tránh đánh thuế hai lần trên cùng một phân đoạn, sản phẩm", ông Việt nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận