Ông Y Si Thắt Ksơr cho rằng xây dựng đập dâng Tha Luông sẽ tạo cảnh quan đẹp trở lại cho các khu du lịch ở Buôn Đôn - Ảnh: TRUNG TÂN
Ông Y Si Thắt Ksơr, phó chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, nêu thực trạng vào mùa khô huyện Buôn Đôn bị thiếu nước trầm trọng, dẫn đến dòng sông khô cạn, cây cối chết héo. Việc này ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường du lịch thấy rõ. "Cử tri yêu cầu phải giải quyết nạn thiếu nước, đồng thời cứu lấy cảnh quan khu du lịch", ông ông Y Si Thắt Ksơr nói.
Ông Y Si Thắt Ksơr đề nghị tỉnh Đắk Lắk cần xây đập tràn tại bến Tha Luống (Buôn Trí A, xã Krông Na, Buôn Đôn) để giải quyết được nạn thiếu nước về mùa khô, tạo nên đập nước sinh thái, giữ gìn cảnh quan, cứu được khu du lịch về mùa khô.
"Tháng 3 hàng năm, tại bến nước Tha Luống - khu vực diễn ra các lễ hội tháng 3, hội thi voi bơi, bơi cùng voi, cùng bến nước rất nổi tiếng. Khi nào chúng ta xây dựng đập tràn ở đây, thì không cần yêu cầu nhà máy thủy điện xả nước phục vụ cho các hoạt động lễ hội như mọi lần", ông Y Si Thắt Ksơr đề nghị.
Trả lời vấn đề này, ông Phạm Thái, giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk, cho biết trên dòng sông Sêrêpốk có 10 nhà máy thủy điện đã vận hành với tổng công suất lắp đặt 795MW, sản lượng từ 2,7 đến 3 tỉ kWh/năm. Nguồn điện này đống góp vào nguồn năng lượng của tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Trong 10 nhà máy, có 5 nhà máy trên 30MW/nhà máy, vận hành theo quy trình liên hồ chứa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Nhà máy thủy điện Sêrêpốk 4 vận hành phát điện liên tục 24/24 giờ trong ngày với lưu lượng không nhỏ hơn 90m3/s, nếu không vận hành phải xả nước. Vào mua khô phải vận hành từ 27-40m3/s, tùy từng tháng mùa khô.
Ông Phạm Thái cho rằng từ năm 2016 đến nay chưa xảy ra khô hạn trên dòng sông Sêrêpốk - Ảnh: TRUNG TÂN
Đối với Sêrêpôk 4A, luôn phải vận hành 24/24 giờ, xả tối thiếu 27m3/s trong mùa khô. Qua theo dõi vận hành các thủy điện trên sông Sêrêpốk ba năm qua, đã thực hiện việc xả nước đúng quy định, tối thiếu 27m3/s.
"Riêng mùa khô năm 2015, Nhà máy Sêrêpốk 4A xả chỉ 8m3/s nên mới xảy ra hạn hán nặng. Nhưng đã được điều chỉnh từ năm 2016, đến nay đảm bảo lưu lượng tối thiếu 27m3/s nên không xảy ra hiện tượng thiếu nước như 2015", ông Thái thông tin.
Theo quy định của Chính phủ, việc vận hành các nhà máy thủy điện trên sông Sêrêpốk phải đảm bảo hài hòa sản xuất điện, sản xuất nông nghiệp, du lịch và sinh hoạt. Nếu mùa khô năm 2019 nặng nề hơn, sở sẽ điều chỉnh sản lượng điện để đảm bảo nguồn nước cho hạ du.
Về việc xây dựng đập dâng bến Tha Luống để phục vụ du lịch, lễ hội, ông Thái nói đó là đề nghị rất tâm huyết của đại biểu. "Tuy nhiên, khi xây dựng phải đánh giá lại tổng quan trong khu vực. Xây dựng đập sẽ ảnh hưởng đến người dân khu vực, đến các công trình thủy điện trong mùa lũ cũng như hạ du phía nước bạn Campuchia", ông Thái đặt vấn đề.
Ông Thái nói thêm việc xây dựng đập tràn ảnh hưởng như thế nào vào mùa khô nhưng trong mùa lũ có nguy cơ tạo thành "lũ nhân tạo", cần tính toán. Vào mùa kiệt, đập dâng thành khối bêtông nằm giữa lòng sông tự nhiên, thay đổi toàn bộ hệ sinh thái của dòng sông.
"Xây dựng đập dâng, tạo điều kiện cho khu vực đó, cho du lịch Buôn Đôn nhưng có thể ảnh hưởng đến khu vực khác, nên phải tính toán hết sức kỹ lưỡng", ông Thái lo lắng.
Ông Y Biêr Niê - phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk - nêu băn khoăn, lo lắng của giám đốc Sở Công thương về việc sợ lũ vào mua mưa, nhưng cần xem lại tâm trạng người dân. "Các ngành với sự chủ trì của Sở Công thương phải nghiên cứu để giải quyết tình trạng thiếu nước mùa khô, tạo cảnh quan cho du lịch nơi đây", ông Y Biêr Niê yêu cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận