Các cầu thủ Nhật ăn mừng bàn thắng vào lưới tuyển Bỉ - Ảnh: REUTERS
Đã có lúc những ai theo dõi trận đấu này đều nghĩ rằng vé vào tứ kết đã nằm gọn trong tay tuyển Nhật. Nhưng kết cuộc chiếc vé ấy vẫn thuộc về tuyển Bỉ sau màn rượt đuổi tỉ số ngoạn mục.
Người hâm mộ đã chia hai nửa bờ cảm xúc sau thất bại của các "samurai xanh". Phần đông cho rằng thất bại này là việc người Nhật không biết tính toán, không thực dụng "đổ bêtông" hay đại loại dựng lên tầng tầng lớp lớp những chiếc xe buýt để cố thủ, bảo vệ tỉ số như kiểu các đội bóng khác thường làm mỗi khi có lợi thế dẫn bàn.
Số ít lại cho rằng cần vỗ tay khen ngợi tinh thần quân tử, sòng phẳng của các tuyển thủ Nhật khi họ tiếp tục chơi cống hiến để người hâm mộ có dịp thưởng lãm một trận cầu mãn nhãn tại giải đấu năm nay.
Câu chuyện thất bại của tuyển Nhật là một vấn đề điển hình không chỉ trong bóng đá mà còn trong xã hội thời hiện đại, khi mà sự toan tính và thực dụng đang là mốt thời thượng thì những ai sống thật thà sẽ không được khen ngợi, thậm chí còn bị mỉa mai là non nớt, quá ngây thơ và không hợp thời.
"Dạy cho con tiếng nói thật thà", câu hát này của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến nay vẫn còn nguyên giá trị sâu sắc của nó. Bóng đá và xã hội cần lắm những điều như thế để tốt đẹp hơn.
Có lẽ hơn ai hết Nhật Bản là đội tuyển thấm thía điều này nhất khi trước đó ở Volgograd trong trận gặp Ba Lan, 10 phút toan tính, thực dụng chút nữa đã lấy đi hết cảm tình mà người hâm mộ dành cho họ.
Vì vậy, thật dễ hiểu vì sao các "samurai xanh" đã chọn lựa sự tận hiến không toan tính để phục vụ người hâm mộ trong trận đấu với Bỉ. Suy cho cùng, đó chính là những giá trị cao đẹp còn đọng lại trong lòng người hâm mộ khi cơn thành bại qua đi.
Cuộc thi viết "World Cup trong mắt tôi" do báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh phối hợp tổ chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận