02/07/2019 08:29 GMT+7

Đầu tư BOT: Lời ăn lỗ phải chịu, không thể trả được

HOÀNG TRÍ DŨNG
HOÀNG TRÍ DŨNG

TTO - Nếu cứ lời ăn lỗ đem trả cho Nhà nước, không khác gì Nhà nước phải đi vay tiền làm dự án BOT và không giúp giảm gánh nặng ngân sách mà còn chịu lợi nhuận cho chủ đầu tư dự án.

Việc Công ty CP Đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang, nhà đầu tư dự án trạm thu phí BOT quốc lộ 91 và 91B nằm ngay khu vực cầu Vàm Cống, có văn bản gửi Thủ tướng đòi trả lại dự án hoặc Chính phủ phải hoàn trả 880 tỉ đồng tiền chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư tuyến quốc lộ 91B đang làm dấy lên sự lo ngại.

Lý giải việc này, nhà đầu tư cho rằng trong hơn 3 năm hoạt động bị thua lỗ, dính nợ xấu ngân hàng và trạm thu phí T2 buộc xả trạm từ ngày 25-5 vì bị giới tài xế phản ứng "đặt nhầm chỗ".

Ai cũng biết, trong giới kinh doanh luôn có câu cửa miệng "Thương trường như chiến trường". Nhiều công trình giao thông thời gian qua về danh nghĩa là đầu tư BOT nhưng thực tế là "tay không bắt giặc". Thương trường đòi hỏi chủ đầu tư dự án BOT phải thật sự có năng lực về tài chính, đủ sức chạy đường dài chứ không thể chỉ trông chờ vào vốn vay ngân hàng và nguồn thu duy nhất từ công trình BOT. 

Và khi doanh nghiệp đầu tư tham gia dự án đã tính toán cẩn trọng, kiểm tra hiện trạng thực tế, thống kê mật độ giao thông trên đường mới tiến hành đầu tư, thu phí và phải có lợi nhuận chứ không đơn giản để doanh nghiệp thua lỗ, phương án tài chính bị phá vỡ, doanh nghiệp dự án phá sản, các khoản vay từ ngân hàng để đầu tư BOT trở thành nợ xấu rồi đòi... trả dự án!

Chưa biết đề xuất của doanh nghiệp có được chấp nhận hay không, nhưng không thể cứ mỗi khi gặp phản ứng vị trí đặt trạm thu phí, hoặc báo cáo lỗ là doanh nghiệp đầu tư đòi tăng phí, trả lại dự án cho Chính phủ và nhân dân cùng chịu.

Thực tế cho thấy cách làm dự án BOT đang rất nghịch lý, vốn đầu tư chủ yếu huy động từ ngân hàng và đưa cả gốc lẫn lãi vay vào phương án hoàn vốn. Ai cũng biết nguồn ngân sách nước ta đang khó khăn nên mới kêu gọi xã hội hóa các dự án giao thông. 

Nếu cứ lời ăn lỗ đem trả cho Nhà nước, không khác gì Nhà nước phải đi vay tiền làm dự án BOT và không giúp giảm gánh nặng ngân sách mà còn chịu lợi nhuận cho chủ đầu tư dự án. Do đó, càng không thể có chuyện doanh nghiệp làm ăn gây ra nợ xấu rồi gây áp lực buộc Nhà nước phải "giải cứu".

Nếu những dự án BOT làm ăn chân chính sau kiểm toán, thanh tra cho ra kết quả thua lỗ thì Nhà nước cần thực hiện các nghĩa vụ và cam kết hợp đồng để khuyến khích, thu hút đầu tư. Vấn đề của các trạm BOT hiện nay là đặt nhầm chỗ, không minh bạch, sự bức xúc của tài xế là có thật... 

Tất cả những vấn đề này cần được xử lý sớm. Không thể để các chủ đầu tư kinh doanh theo nguyên tắc lời ăn, còn lỗ dân và Nhà nước chịu.

Đã đến lúc Bộ GTVT phải có phương án giải quyết rốt ráo đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, tháo gỡ "điểm nghẽn" chốt chặn trạm T2 chặn ngang đầu cầu Vàm Cống để phát huy tốt tác dụng của cây cầu, thông thương toàn tuyến đường là việc bức bách không thể chậm trễ. Đừng để chốt chặn trạm T2 gây bức xúc cho người dân và cũng đừng để chuyện doanh nghiệp đưa ra lý do nợ xấu để trả dự án, tạo ra tiền lệ xấu cho các dự án BOT khác trên toàn quốc.

Kêu lỗ, nhà đầu tư đòi trả trạm BOT Kêu lỗ, nhà đầu tư đòi trả trạm BOT

TTO - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang cho biết hợp đồng BOT doanh nghiệp ký với Chính phủ là hợp đồng mở, tức chủ đầu tư được định mức lãi 12%/năm, dựa trên tổng vốn chủ sở hữu bỏ ra chứ không phải "lời ăn lỗ chịu".

HOÀNG TRÍ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên