Phan Thanh Toàn hướng dẫn các chuyên gia quốc tế trong chuyến thực địa di tích An Khê tháng 11-2016 - Ảnh: Thái Lộc |
Không chỉ An Khê là phát hiện của Toàn, nhà khảo cổ trẻ người miền Tây này còn phát hiện hàng trăm di tích thời đồ đá tại các tỉnh Tây Nguyên... Người đàn ông này còn có tham vọng tìm kiếm để nối thông tất cả các giai đoạn thời đồ đá của nhân loại ở Tây Nguyên.
Bén duyên bên hố khai quật
Trong những ngày giữa tháng 3 đến nay, khi đoàn khảo cổ khai quật mùa thứ ba ở An Khê cũng là giai đoạn hạnh phúc nhất của Toàn khi vợ anh đưa cậu con trai 4 tuổi từ Kon Tum đến thăm cha.
Song, anh cũng chỉ gần vợ con vài tiếng mỗi đêm, trên chiếc giường đơn kê sát cầu thang của Bảo tàng Tây Sơn Thượng Đạo mà thôi. Còn lại “toàn thời gian” trong ngày anh phải dành cho đoàn khảo cổ và công việc ở các hố đào.
Từ tinh mơ khi mọi người còn yên giấc, Toàn lên đường ra chợ chọn mua thức ăn cho đoàn khảo cổ trong ngày. Sau khi chuẩn bị cơm nước, kiểm tra toàn bộ vật dụng cho công việc, anh cùng đoàn lên đường đến hiện trường, tham gia khai quật, theo dõi sát sao và ghi nhận mọi diễn tiến tại các hố đào cho đến tối mịt mới về.
Vừa thấy mặt anh, cậu con trai nhõng nhẽo đòi cha. Vừa vỗ về cậu con, anh vừa phải xắn tay cùng đầu bếp lo bữa ăn thật chu đáo cho các chuyên gia.
Chuyện Toàn lấy vợ được TS Nguyễn Gia Đối, phó viện trưởng Viện Khảo cổ học, kể một cách hứng thú rằng duyên anh được bén bên hố khai quật khảo cổ. Vào năm 2001, Toàn tham gia khai quật di tích Lung Leng ở lòng hồ thủy điện Ya Ly (Kon Tum), anh được gặp “vợ tương lai” khi ấy là thợ phụ nấu ăn cho đoàn khảo cổ. Năm 2013, hai người cưới nhau.
Toàn chia sẻ: “Thực ra trước đó mình từng nghĩ chẳng bao giờ lấy vợ cả. Công việc khảo cổ nay đây mai đó, nếu lấy vợ thì mình vất vả mà vợ con cũng vất vả. Nhưng duyên số đến với nhau thì phải đến!”.
Mát tay với “đá”
Phan Thanh Toàn có công phát hiện rất nhiều di tích thời tiền sử ở Tây Nguyên, có những đóng góp quan trọng cho công tác nghiên cứu thời tiền sử của vùng đất này. Tại khu di tích An Khê, tôi là người phụ trách chung nhưng Toàn làm hầu hết mọi việc, nhất là về mặt chuyên môn, anh làm rất tốt cả việc khai quật lẫn khảo sát di tích, luôn trong tâm thế say sưa, nhiệt tình và chu đáo, năng lực của anh được các chuyên gia quốc tế đánh giá cao! - TS Nguyễn Gia Đối (phó viện trưởng Viện Khảo cổ học) |
Phan Thanh Toàn năm nay 40 tuổi, quê ở Cái Bè, Tiền Giang, tốt nghiệp ngành khảo cổ học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM. Trong đợt thực tập năm 2001, anh lần đầu thực hành trong hố đào tại một điểm khảo cổ thời tiền sử ở Kon Tum.
Những nhát cuốc đầu tiên ấy của anh vừa là định mệnh, là sự khai mở niềm đam mê tìm tòi quá khứ của nhân loại từ những lớp đất đá ở những chốn hang sâu rừng thẳm.
Kể cũng lạ, anh như có duyên và thực sự “mát tay” với những vết tích người tiền sử.
Trước khi “phát hiện đình đám” di tích ở An Khê, Toàn từng phát hiện hàng trăm điểm di tích thời đá ở Tây Nguyên, đặc biệt là ở Kon Tum và Gia Lai, và được giới khảo cổ học đánh giá rất cao.
Đáng chú ý, vào năm 2007 khi thủy điện An Khê Kanak chuẩn bị tích nước, chính anh đã phát hiện trong lòng hồ này có rất nhiều điểm di tích hậu kỳ đá cũ (cách ngày nay vài chục ngàn năm) và hậu kỳ đá mới (cách vài ngàn năm).
Tiếp đến, vào năm 2013, khi tham gia đề tài nghiên cứu thời tiền sử ở Gia Lai, Toàn tiếp tục phát hiện nhiều điểm di tích thời đá cũ ở xã Đông và xã Nghĩa An thuộc huyện K’Bang. Hai di tích này được giới chuyên môn đặc biệt chú ý khi tham gia thông báo khảo cổ học tại hội nghị khảo cổ học toàn quốc cùng năm.
Đến năm 2015, anh cùng một đồng nghiệp nữa vác balô vào rừng trong chuyến đi khá dài ngày ở vùng rừng Chư Prông và phát hiện được 16 di tích thời đá. Các di tích này đã được tổ chức khai quật, đem về cho Bảo tàng Gia Lai hàng ngàn hiện vật thời tiền sử rất quý giá...
Với một người làm nghề khảo cổ, một chuyến đi dài ngày tìm được một di tích thời đá đã là một thành công, nếu đạt con số 2 được xem là kết quả mỹ mãn. Nhưng với Toàn, trong mỗi chuyến đi tìm được 10 hay 20 di tích, thậm chí nhiều hơn nữa không phải là chuyện đặc biệt.
Cho đến bây giờ, Toàn không thống kê hết mình tìm được bao nhiêu di tích thời đá trên địa bàn Tây Nguyên, mà chỉ áng chừng “dễ có đến vài trăm”.
“Mỗi lần tìm thấy được di tích sớm, không tưởng tượng được con người mình hạnh phúc đến mức nào đâu! Nó có điều gì như là máu thịt của mình vậy cho nên rất mê, cứ đi tiếp, đi tiếp!” - Toàn chia sẻ.
Thông thường, việc điều tra khảo cổ học cũng thường theo đoàn từ hai người trở lên để hỗ trợ nhau. Nhưng điều đặc biệt của Toàn là thói quen điều tra một mình. Vất vả nhưng có những thú vị riêng, và hơn hết anh thích làm việc độc lập một cách hiệu quả.
Cho đến hiện nay, nhiều di tích giai đoạn của người tiền sử ở Tây Nguyên đã được Phan Thanh Toàn phát hiện, từ sơ kỳ đá cũ, hậu kỳ đá cũ, sơ kỳ đá mới, trung kỳ đá mới cho tới hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí.
Anh nói một trong những ước nguyện lớn nhất hiện nay chính là làm sao tìm cho được giai đoạn trung kỳ đá cũ nữa, để nối cho liền mạch lịch sử nhân loại của vùng Tây Nguyên.
Cách đây ít lâu, Toàn phát hiện một di tích tiền sử khá đặc biệt ở huyện Đắk Glei, Kon Tum, mà hiện vật khá lạ, “nó không giống đá cũ, không giống đá mới, hoàn toàn có khả năng thuộc trung kỳ đá cũ”. Toàn cho hay sắp tới anh sẽ tranh thủ đưa các chuyên gia Nga đến hiện trường để kiểm tra, chứng thực điều này. Nếu đúng như dự đoán thì cùng với việc phát hiện trang sử đầu tiên của nhân loại ở An Khê, các di tích khác do Toàn phát hiện sẽ minh chứng sự phát triển liên tục của con người thời tiền sử ở Tây Nguyên. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận