02/08/2009 07:15 GMT+7

Dấu chân lấm bùn của ông Sáu Dân

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Kênh Vĩnh Tế được đào đã mở mang, phát triển nông thương dải đất bên bờ. Tuy nhiên, tứ giác Long Xuyên là một vùng đất bao la nên vẫn còn nhiều diện tích nhiễm phèn mặn nằm sâu bên trong chưa thể khai hoang hoàn toàn. Mùa mưa, đất chìm sâu trong nước lũ làm đời sống người dân càng khó khăn hơn.

9e4oVXN5.jpgPhóng to
Một đoạn kênh Vĩnh Tế năm 1929 - Ảnh tư liệu

Kỳ 1: Hào lũy đất phương Nam Kỳ 2:Trấn giữ biên giớiKỳ 3:Thương hồ Vĩnh Tế

Những lần xắn quần đi khảo sát thời đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã trăn trở phải hành động để phát triển vùng đất rộng lớn này. Ngày xưa, tầm nhìn xa của tiền nhân đã cho đào kênh Vĩnh Tế, thoát bớt lũ và dẫn nước ngọt từ thượng nguồn về để khẩn hoang dải đất bờ cõi phía Nam. Con cháu đời sau phải tiếp nối, mở rộng công trình chiến lược này của cha ông.

Từ bưng biền hoang vu

Xuôi kênh Vĩnh Tế, vào sâu miệt tứ giác Long Xuyên bây giờ thấy sự đổi thay rất nhiều. Những con kênh đào dẫn nước ngọt ngăn mặn với các bờ đê, đồng lúa bát ngát đã mọc lên trên vùng đất hoang khắc nghiệt thuở nào. Nhưng chỉ mới độ 20 năm trước, bức tranh quê hương sung túc đó vẫn còn khác hẳn. Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch tỉnh An Giang, một thời dọc ngang kháng chiến chống Mỹ trên phần đất hoang vu bao la này từ những năm đầu thập niên 1960, đã từng phải thốt lên những câu thơ nặng lòng: “Buồn xa xứ mênh mang đồng quạnh quẽ. Bông sậy già xiêu ngã với gió đông. Cảnh tiêu sơ lạnh buốt cả cõi lòng”.

Đến giờ, ông Nhị vẫn nhớ mãi những cánh rừng rậm, bưng biền hoang vu mà đi cả ngày đến kiệt sức cũng không nghe được tiếng người. Ngoài quân kháng chiến, chẳng mấy ai muốn vào vùng đất từng được ví cò bay gãy cánh, chó chạy rớt lưỡi vì nước ngọt cũng không có mà uống. Còn dân chúng chủ yếu chỉ sống dọc các bờ kênh và những con lộ nằm xa bên ngoài.

Sau năm 1975, ông Nhị làm lãnh đạo ngành nông nghiệp An Giang nên càng hiểu sâu vùng hoang địa này: “Chỉ có những cánh đồng nằm liền kề các con kênh nước ngọt như Vĩnh Tế là làm lúa trúng. Đa số diện tích đất sâu trong đồng vẫn phèn lợ, hoang hóa. Một số dân cố gắng cày bừa khẩn hoang chút ít đất, trồng lúa nước, khoai mì nhưng vẫn thất bát, thiếu hụt lương thực trầm trọng đến mức phải cứu đói. Ban đầu, các khu kinh tế mới được triển khai rầm rộ, rồi lại nhanh chóng đìu hiu, hoang vắng”.

Ông Nhị kể bận đó chính ông cũng từng hăm hở đi khẩn hoang mấy mẫu đất để trồng khoai mì, nhưng loại cây có tiếng chịu phèn này cũng không tốt nổi. Năm 1976, tổng sản lượng lương thực An Giang (địa phương chiếm 47,4% diện tích tứ giác Long Xuyên) chỉ có 500.000 tấn, và suốt năm năm sau đó vẫn giẫm chân ở mức này, trong khi phần lớn diện tích đất nông nghiệp của địa phương vẫn còn hoang hóa hoặc lại bị bỏ hoang.

Hôm nay, ngồi nhìn cánh đồng lúa chín vàng bội thu, nông dân Trần Văn Điển ở xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn bồi hồi nhớ lại những năm tháng cực kỳ khó khăn: “Trong khi bà con ở các cánh đồng liền kề kênh Vĩnh Tế trúng mùa liên tục thì tụi tui vẫn loay hoay thiếu đói với đồng phèn này”. Người nông dân 66 tuổi này tâm sự ông đã xung phong vào miệt này từ đầu những năm 1980, khẩn hoang được hai mẫu, nhưng mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa mùa nổi. Lúa khỏe. Nước lũ dâng đến đâu, lúa mọc cao đến đó. Nhưng năng suất lúa lại chỉ bấp bênh 6-7 giạ trên mỗi công đất (1.000m2).

Sáu tháng mùa khô còn lại ông phải bỏ đất hoang hoàn toàn bởi đất phèn nặng, nước ngọt còn không có cho người uống làm sao trồng trọt được. Ông nói: “Bận đó nhiều nhà thiếu hụt gạo suốt mấy tháng mỗi năm, phải ăn khoai mì, cọng súng thay cơm. May mà miệt bưng biền này cũng còn nhiều cá mú để đắp đổi thay gạo”.

Ông Điển kể sau chiến tranh, nhiều người đã hăm hở vào đây khẩn hoang rồi nản quá lại bỏ đất. Họ quanh quẩn trông chờ vào việc bắt con cá, con rắn của thiên nhiên hoặc dạt đi làm thuê cho các chủ ruộng ở đồng ngoài kênh. Một vùng rừng rậm, bưng biền hoang vu tiếp tục vắng bóng người, nhường đất cho cây tràm và lau sậy um tùm che bóng mặt trời.

q1QZQhM8.jpgPhóng to
Khi có kênh T5, ghe buôn tấp nập ở kênh Vĩnh Tế vào mua hàng thuận lợi hơn - Ảnh: Quốc Việt

Đến mong mỏi của nông dân

Cũng như ông Điển có ruộng một thời hoang hóa đang hưởng lợi nhờ kênh đào bây giờ mang tên Võ Văn Kiệt, nhiều người dân miệt này đã quen bóng ông Sáu Dân ngay từ lúc công trình thoát lũ còn chưa thực hiện. Họ kể nhiều lần đã thấy ông đầu trần, quần xắn, lội băng băng trên mảnh đất sình phèn để đi tìm giải pháp hành động có lợi cho dân. Có những lần ông Sáu Dân dừng lại hỏi chuyện ruộng đồng với nông dân. Ông hỏi rất nhiều, rất lâu, rồi ông lặng lẽ suy tư trước những lời chất phác thiệt bụng về nỗi khổ sở của nông dân.

Năm 1996, ông Sáu Dân vào An Giang, xắn quần đi kiểm tra tình hình lũ cùng ông Nhị. Hiệu quả thoát lũ kênh Vĩnh Tế và những tiện lợi của nó đối với dân chúng được ông Sáu Dân đặc biệt quan tâm. Hết hỏi han cặn kẽ cán bộ địa phương, ông lại gặp trực tiếp người dân. Ngày hôm đó đoàn khảo sát đi từ sáng đến tối mịt, dùng tạm cơm trưa đơn sơ và mặc kệ những trận mưa rào ướt áo. Ông Nhị hiểu đời sống miệt lũ nên tháp tùng thủ tướng từ đầu đến cuối và trả lời rất nhiều câu hỏi của ông. Ý tưởng thoát lũ ra biển Tây và làm thêm đê bao để phát triển vùng đất này được ông Nhị trình bày cặn kẽ.

Lúc đó cũng có một số người phản đối với lý do làm thay đổi lối sống truyền thống và có thể làm hụt lượng phù sa vào đồng. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo ngành nông nghiệp, thủy lợi và các nhà khoa học như giáo sư Nguyễn Sinh Huy, Nguyễn Văn Hiệu, Hồ Chín, Tô Văn Trường... lại cùng quan điểm trị thủy để phát triển nông nghiệp. Họ còn nghiên cứu thực địa, đề xuất những giải pháp chi tiết.

Ông Sáu Dân chăm chú lắng nghe. Ông đặc biệt quan tâm đến đê bao chống lũ “vùng O” của ba xã Mỹ Lương, Tân Hòa, Phú Hưng, huyện đầu lũ Phú Tân. Đây là công trình đê chống lũ để làm lúa 2-3 vụ đầu tiên ở An Giang do chính ông Nhị đề xuất và tổ chức thực hiện bằng kinh nghiệm dân dã của mình, nhưng đã thành công trên mong đợi.

Sau đó ông Sáu Dân còn nhiều lần về lại tứ giác Long Xuyên, nhiều vùng nơi đây đã từng in dấu chân lấm bùn của ông khi đi khảo sát lũ và lắng nghe ý kiến giải pháp. Nhiều cuộc họp đến tối mịt. Mọi người sợ ông Sáu Dân đói nhưng ông vẫn cho tiếp tục. Đến khi thống nhất được ý kiến, nhiều người vui vẻ định mời rượu thủ tướng. Ông Sáu Dân hiểu ý: “Mình làm việc lợi cho dân, cho nước phải vui vẻ chứ. Để tôi mời mỗi người một ly”.

Đại công trình nạo vét kênh Vĩnh Tế và đào thêm các kênh thoát lũ, rửa phèn để phát triển vùng đất rộng lớn đầy tiềm năng này đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó ký quyết định. Nhiều cán bộ và bà con địa phương vui mừng xem đó như một quyết định đổi đời, bởi bao đời qua họ đã kỳ vọng cuộc sống mới đến với mình trên vùng đất phèn lầy nước mặn.

____________________

Đại công trình thủy lợi lại diễn ra trên bưng biền miền biên viễn. Mọi người làm việc ngày đêm để khơi xa, mở rộng thêm dòng chảy có tính chiến lược của kênh Vĩnh Tế. Họ đã đào như thế nào?

Kỳ tới: Đào kênh T5

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên