Thành công đáng chú ý của nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm và bộ phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương thời gian vừa qua đã củng cố niềm tin của khán giả vào dòng phim tài liệu độc lập cũng như thế hệ đạo diễn trẻ trưởng thành từ những cái nôi như Varan Việt Nam, TPD, Doclab...
Phim tài liệu đặc sắc
Những đứa trẻ trong sương vừa có đợt ra mắt thành công tới khán giả trong nước với khá nhiều suất chiếu tại các rạp ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Đây là một trong số ít phim tài liệu Việt chiếu rạp thu hút người xem trong những năm gần đây, cũng là bộ phim duy nhất của nước ta được đề cử vào danh sách rút gọn 15 phim tài liệu xuất sắc tranh giải Oscar.
Nữ đạo diễn trẻ cùng phim tài liệu dài đầu tay đã chu du tới nhiều liên hoan phim quốc tế và đoạt những giải thưởng danh giá như giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam, giải Phim quốc tế xuất sắc nhất tại Liên hoan phim DocAviv...
Thành quả đó có được trước hết từ nỗ lực và tài năng của Hà Lệ Diễm, đồng thời cũng là "trái ngọt" sau thời gian dài gieo mầm, kiên trì nuôi dưỡng thế hệ trẻ của những trung tâm điện ảnh độc lập như TPD, Doclab và đặc biệt là Tổ chức Varan Việt Nam.
Làm phim cùng những người cần được thấu hiểu
Hà Lệ Diễm theo học tại Varan Việt Nam năm 2016 với sự hướng dẫn trực tiếp của đạo diễn Trần Phương Thảo và sự cố vấn của ông Andre Van In. Ngoài Hà Lệ Diễm, trước đó Varan đã vun đắp cho nhiều tên tuổi như Trần Phương Thảo (phim Giấc mơ là công nhân, phim Đi tìm Phong làm cùng Swann Dubus), Phạm Thị Hảo (Triết lý tình yêu buổi sáng), Nguyễn Thị Thắm (Xe ôm, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng), Đoàn Hồng Lê (Đất đai thuộc về ai, Lời cuối của cha)...
Những bộ phim của họ đã ghi lại những thay đổi nhanh chóng mà xã hội Việt Nam trải qua trong gần 20 năm qua, đồng thời mở ra một hướng đi mới cho điện ảnh Việt Nam - dòng phim tài liệu độc lập với cách tiếp cận mới, hơi thở mới.
Một điều đặc biệt dễ nhận thấy là các đạo diễn thành danh từ Varan Việt Nam phần lớn là các đạo diễn nữ. Có lẽ cách làm phim trực tiếp với phương tiện nhỏ gọn, đòi hỏi sự kiên trì và gần gũi với nhân vật là những yếu tố thuận lợi, phù hợp với các nhà làm phim tài liệu nữ.
Bên cạnh đó, với sự nhạy cảm, tinh tế, họ cảm nhận và nắm bắt trọn vẹn những khoảnh khắc tâm lý phức tạp của nhân vật, truyền tải chân thực tiếng nói của những cá nhân, cộng đồng dân cư và nhóm sắc tộc bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Phim tài liệu của các nữ đạo diễn thường đề cập đến cuộc sống khó khăn, nhiều vấn đề phải đấu tranh, trăn trở của những nhóm yếu thế như phụ nữ, người nghèo, người đồng tính, trẻ em gái ở vùng cao...
Phim Đi tìm Phong (Trần Phương Thảo) kể về hành trình chuyển giới của Phong - người luôn khát khao được sống đúng với bản dạng giới của mình - trong sự đấu tranh nội tâm và chống đỡ với những áp lực từ gia đình, xã hội.
Cũng với đề tài về người đồng tính và cộng đồng LGBT, bộ phim gây tiếng vang Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (Nguyễn Thị Thắm) theo chân gánh xiếc rong của nhân vật với đầy những nỗi lo cơm áo, bệnh tật, sự kỳ thị... bủa vây một kiếp người.
Còn Những đứa trẻ trong sương (Hà Lệ Diễm) đem đến cho người xem một câu chuyện thân mật, gợi nhiều suy tư về quá trình nhân vật Di từ một cô bé trở thành thiếu nữ. Đạo diễn và nhân vật đã cùng nhau quay phim, chuyện trò và chia sẻ cuộc đời mình trong suốt bốn năm.
Qua hành trình của những con người cần được lắng nghe và thấu hiểu ấy, các nhà làm phim nữ luôn đồng hành và "làm phim cùng nhân vật" chứ không chỉ "làm phim về nhân vật".
Cảm quan giàu cảm xúc của nữ giới
Lựa chọn làm phim của các đạo diễn nữ thường gắn với nhận thức xoay quanh nơi chốn, cơ thể, bản dạng quyện vào thứ ngôn ngữ hình ảnh tươi tắn, độc lập, giàu tính phản tư.
Bằng những góc máy quan sát tinh tế, tỉ mỉ theo từng sinh hoạt đời thường và bám sát diễn biến tâm lý nhân vật, các đạo diễn nữ có thế mạnh trong việc phản ánh đời sống nội tâm con người. Những bộ phim của họ vẫn đảm bảo tính khách quan, chân thực của phong cách làm phim tài liệu trực tiếp nhưng đồng thời vẫn giàu cảm xúc, mang dấu ấn riêng của cảm quan nữ giới.
Trong bộ phim Những đứa trẻ trong sương, nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm đã không ít lần trò chuyện với nhân vật và thể hiện cảm xúc, suy nghĩ riêng của bản thân - điều hiếm khi xuất hiện trong dạng phim tài liệu trực tiếp. Chính điều đó đã tạo nên nét riêng và sự thú vị của bộ phim, tăng sự đồng cảm từ khán giả khi xóa nhòa khoảng cách giữa người làm phim và nhân vật.
Trong hai thập niên gần đây, một thế hệ nhà làm phim tài liệu mới tại Việt Nam đã hình thành - những người theo phong cách tài liệu thực tế, nhạy cảm với hiện thực và không ngại dấn thân tại hiện trường.
Trong đó, các đạo diễn nữ đã có đóng góp đáng kể cho thực tiễn phim tài liệu Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ 21, bắt nhịp vào khung cảnh điện ảnh tài liệu đương đại đang ngày càng sôi động với sự định hình lẫn đa dạng hóa nghệ thuật làm phim.
Varan - tổ chức các khóa học làm phim tài liệu, ươm mầm những tài năng trẻ
Liên hoan phim tài liệu quốc tế Cinema du Reel (diễn ra từ ngày 24-3 đến 2-4 tại Trung tâm Pompidou và Bảo tàng Guimet - Paris) dành một chương trình đặc biệt trình chiếu 10 bộ phim tài liệu của các nhà làm phim Varan Việt Nam để ghi nhận những thành quả và đóng góp của Varan Việt Nam trong hơn 10 năm qua.
Ateliers Varan (được thành lập bởi Jean Rouch vào năm 1978) là một hiệp hội các nhà làm phim có trụ sở chính ở Paris (Pháp), chuyên tổ chức các khóa học thực hành về phim tài liệu ở khắp nơi trên thế giới.
Năm 2004, khóa học đầu tiên của Varan tổ chức tại Hà Nội do nhà làm phim Andre Van In hướng dẫn. Từ đó, hằng năm Varan đều tổ chức các workshop làm phim tài liệu cho các bạn trẻ từ Bắc vào Nam. Đến năm 2012,
Varan Việt Nam chính thức đứng riêng độc lập và tổ chức các khóa học làm phim tài liệu theo phong cách Điện ảnh trực tiếp (direct cinema). Phương pháp của Varan là làm phim tài liệu trực tiếp, ê kíp nhỏ gọn với máy quay cầm tay và thu thanh trực tiếp trên hiện trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận