31/10/2014 11:43 GMT+7

​Đất rừng không phải quà biếu

BÁ SƠN
BÁ SƠN

TT - Khi các cán bộ này giành về cho mình hàng chục hecta đất thì cũng đồng nghĩa những người dân khó khăn mất đi cơ hội có đất để sản xuất.

undefined
Rừng tự nhiên tại Bình Phước giảm nghiêm trọng, đất trồng cao su tăng (Nguồn: Tuổi Trẻ tổng hợp từ báo cáo hiện trạng rừng của Bộ NN&PTNT) - Dữ liệu: BÁ SƠN - Đồ họa: V.CƯỜNG

Có trực tiếp tới rừng Tà Thiết (huyện Lộc Ninh, Bình Phước) những ngày này, tận mắt thấy những cây kơnia, cây cổ thụ một thời nay bị đốt trụi, gốc cây bị quật lên vứt ngang đường, nằm lạnh lẽo giữa những vườn cây cao su mới trồng... mới có thể cảm nhận hết được những bức xúc, đau xót của người dân địa phương trước việc hàng loạt quan chức tại tỉnh này được “ban phát” đất vô tội vạ.

Những cán bộ ấy, là những người đứng đầu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên - môi trường, Chi cục Kiểm lâm, cán bộ UBND tỉnh... đáng lẽ phải tự cảm thấy xấu hổ và phải chịu trách nhiệm khi những cánh rừng tự nhiên mà mình quản lý ngày càng teo tóp lại.

Nhưng không, bằng những lá đơn “đi đêm”, bằng chính hiểu biết về lĩnh vực mình quản lý, các cán bộ này đã “luồn lách” để nhận về cho mình hoặc để vợ, con, người nhà đứng tên... mỗi người 5ha, người 10ha, thậm chí có người tới vài chục hecta đất rừng.

Khi các cán bộ này giành về cho mình hàng chục hecta đất thì cũng đồng nghĩa những người dân khó khăn mất đi cơ hội có đất để sản xuất.

Dù tiêu chuẩn mỗi hộ dân nếu được cấp xét cũng chỉ rất nhỏ (chỉ từ 0,5-1ha) nhưng tới nay, Bình Phước vẫn đang “đau đầu” không biết tìm đâu ra hơn 6.100ha đất cho khoảng 8.000 hộ dân đang thiếu đất (theo số liệu báo cáo tới tháng 7-2014 của Thanh tra tỉnh Bình Phước).

Trong khi đó, ai cũng thấy có một sự xung đột lợi ích rất rõ khi chính những cán bộ được “ban phát” đất rừng lại là những người trực tiếp quản lý, có thẩm quyền và tham mưu về quản lý rừng. Theo quy định, chỉ có rừng nghèo kiệt mới được chuyển đổi để trồng cao su.

Nhưng trước khi bị xem là “nghèo kiệt” để hợp thức hóa thì rất nhiều cánh rừng tự nhiên, do phá rừng và sự quản lý, chăm sóc không tốt, mới trở nên nghèo kiệt.

Thẩm quyền quy hoạch các loại rừng ở từng địa phương hiện nay được giao cho HĐND cấp tỉnh, mà các cơ quan lập tờ trình, tham mưu... không ai khác chính là các cán bộ của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên - môi trường và UBND tỉnh.

Một khi việc “ban phát” đất rừng cho cán bộ để trồng cao su có thể dễ dàng như vậy ở Bình Phước thì người dân có thể đặt dấu hỏi về sự khách quan của các cơ quan tham mưu này trong việc lập quy hoạch, báo cáo để chuyển đất rừng tự nhiên sang trồng cao su?

Dù câu trả lời là gì thì có một sự thật là diện tích rừng tự nhiên tại Bình Phước đang giảm một cách trầm trọng. Chỉ trong vòng 10 năm, diện tích rừng tự nhiên của Bình Phước đã giảm hơn một nửa; từ 127.800ha (năm 2002) còn 58.600ha (năm 2013).

Thế mà sắp tới người ta còn tiếp tục lấy 2.000ha trong số 3.100ha rừng tự nhiên còn lại để giao cho Công ty cao su Sông Bé trồng cao su.

Đã đến lúc phải chấm dứt ngay việc dùng đất rừng như một món quà đi “ban phát”. Các cơ quan xây dựng pháp luật cần có các văn bản quy định chặt chẽ hơn về đối tượng, tiêu chí, thủ tục... cho thuê đất rừng, tránh tình trạng để các cán bộ lợi dụng “chia chác” đất rừng như vừa qua.

Đồng thời, phải có cơ chế giám sát để việc quy hoạch, chuyển đổi các loại đất rừng không làm thất thoát, “chảy máu” tài nguyên của đất nước.

Hơn lúc nào hết, với vụ việc cụ thể ở Bình Phước, các cơ quan liên quan cần nhanh chóng vào cuộc xác định đúng - sai, xử lý trách nhiệm, thu hồi diện tích đất cho thuê sai và có thể dừng các dự án chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su không hợp lý để giữ lại cho con cháu những diện tích rừng tự nhiên còn sót lại.

BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên