20/04/2019 16:22 GMT+7

Đào tạo nghề: địa phương "mở xả láng", doanh nghiệp lặng lẽ bỏ đi

HÀ BÌNH
HÀ BÌNH

TTO - Ngày 20-4, hội thảo tham vấn ý kiến ba bên về quy định đào tạo nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề trong Bộ luật lao động sửa đổi diễn ra tại TP.HCM.

Đào tạo nghề: địa phương mở xả láng, doanh nghiệp lặng lẽ bỏ đi - Ảnh 1.

Ông Đỗ Hữu Khoa - đại diện doanh nghiệp - nêu ý kiến tại hội thảo - Ảnh: HÀ BÌNH

Hội thảo do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Bộ Lao động thương binh và Xã hội tổ chức. 

Các vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận là vai trò của các bên trong công tác đào tạo, phát triển kỹ năng nghề; quy định đào tạo nghề; hội đồng kỹ năng nghề cũng như những quy định đối với người tham gia đào tạo nghề.

Doanh nghiệp đào tạo: Quyền hay trách nhiệm?

Về doanh nghiệp tham gia vào đào tạo, bà Mai Hồng Ngọc - trưởng phòng Văn phòng Giới sử dụng lao động VCCI - cho rằng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nghề có vấn đề cần "suy nghĩ thêm" là quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp. 

"Đâu là quyền đâu là trách nhiệm?", bà Ngọc đặt vấn đề. "Quyền là khuyến khích trong khi trách nhiệm thì ai cũng phải làm. Cần phải quy định rõ hơn".

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Văn Thạnh - phó trưởng phòng dạy nghề Sở Lao động và thương binh và Xã hội tỉnh Long An - cũng nêu vấn đề cần có pháp lý rõ ràng trong việc doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo về trách nhiệm và cả lợi ích "như vậy người ta mới làm chứ". 

Ông Thành kể địa phương ông "mở xả láng luôn" cho các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề nhưng rồi "họ lặng lẽ bỏ đi vì không có lợi ích tương xứng hay sao đó".

Ông Thạnh đề xuất: "Tôi suy nghĩ hay chúng ta quy định doanh nghiệp phải nhận 10% người học nghề, thực tập so với tổng nhân công hiện có. Thí dụ như vậy. Trường và doanh nghiệp có pháp lý rõ ràng sẽ bắt tay vào làm chứ không phải nhờ quan hệ như trước nay. 

Nhưng ngược lại, nhận một lao động học nghề nhà nước hỗ trợ gì cho doanh nghiệp hay giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp được không?".

Đảm bảo quyền lợi người học nghề

Đại diện cho quyền lợi của người lao động, ông Phan Nghiêm Long - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - nêu rõ cần quy định rõ hơn khi tính tiền lương cho người lao động khi học nghề, thực tập nghề. Bởi đã có thực tế doanh nghiệp chi trả không đúng với công sức của người lao động bỏ ra để làm sản phẩm.

"Ngoài ra, cũng cần tính đến việc người lao động trải qua tập sự tại các doanh nghiệp rồi, sau đó họ có phải thử việc nữa hay không. Bởi lương thử việc và lương chính thức khác nhau" - ông Long nêu vấn đề.

Bên cạnh đó, TS Phan Chính Thức - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động thương binh và Xã hội - cho rằng nên sửa đổi "người hướng dẫn tập nghề là nghệ nhân, người có kỹ năng nghề cao, nông dân sản xuất giỏi không nhất thiết phải có chứng chỉ kỹ năng dạy học". Bởi theo ông Thức, đòi hỏi những người phải có chứng chỉ dạy học là "không thực hiện được".

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Khánh Linh - phó trưởng phòng Dạy nghề Sở Lao động thương binh và Xã hội Đồng Nai - cũng cho rằng rất khó để cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp tham gia đào tạo phải có nghiệp vụ sư phạm.

Về việc này, bà Phan Ngọc Anh - chuyên gia cao cấp Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ) dẫn kinh nghiệm từ Đức: "Luật Đào tạo nghề của Đức quy định nhà giáo, cán bộ đào tạo bắt buộc phải có chứng chỉ sư phạm. Còn những người tạm gọi là trợ giảng như thợ giỏi nghề, nghệ nhân vẫn tham gia đào tạo nhưng phải có người về chuyên môn và sư phạm giám sát".

Học viên nghỉ ngang, trường và doanh nghiệp bó tay

Bà Nguyễn Thị Diệu Lâm - phó hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Kinh tế kỹ thuật Cần Thơ - đem đến hội thảo câu chuyện dở khóc dở cười trường bà gặp phải.

"Trường ký hợp đồng với doanh nghiệp đào tạo nghề 18 tháng cho lao động. Đào tạo được 15,16 tháng học viên kiếm được việc làm rồi…nghỉ ngang. Doanh nghiệp và nhà trường chịu thiệt chứ chưa có chế tài với người lao động trong việc này".

HÀ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên