09/10/2023 22:15 GMT+7

Đạo diễn Hà Lệ Diễm làm giám khảo dự án sản xuất phim tài liệu về phát triển bền vững

Đạo diễn Hà Lệ Diễm sẽ cùng đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh làm giám khảo dự án sản xuất phim tài liệu về phát triển bền vững 2023.

Đạo diễn Hà Lệ Diễm sẽ tham gia làm giám khảo tại dự án sản xuất phim tài liệu về phát triển bền vững - Ảnh: PHẠM ĐỨC MINH

Đạo diễn Hà Lệ Diễm sẽ tham gia làm giám khảo tại dự án sản xuất phim tài liệu về phát triển bền vững - Ảnh: PHẠM ĐỨC MINH

Đây là sáng kiến thường niên của Viện Goethe nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức xã hội tại Việt Nam và các nhà làm phim tài liệu độc lập để kể những câu chuyện về phát triển bền vững.

Họp báo khởi động dự án sản xuất phim tài liệu về phát triển bền vững năm 2023 - 2024 được Viện Goethe tổ chức cùng lúc với khởi động Liên hoan phim khoa học (từ ngày 10-10 tới 31-12), diễn ra tại Hà Nội ngày 9-10.

Đạo diễn Hà Lệ Diễm chia sẻ kinh nghiệm cho các nhà làm phim trẻ

Hà Lệ Diễm nói phim tài liệu có nhiều thể loại khác nhau, có những thể loại chia thành các dòng phim tài liệu khác nữa.

"Tùy theo sở thích, nhu cầu và khả năng mà những nhà làm phim trẻ lựa chọn cách thể hiện, dòng phim mà mình muốn", cô nói.

Hiện những nhà làm phim trẻ sẽ gặp phải một số khó khăn khi bước vào nghề như kỹ năng, kinh nghiệm, khả năng tài chính cũng như trải nghiệm, sự hiểu biết về đời sống xã hội. 

Tuy nhiên, theo đạo diễn của Những đứa trẻ trong sương, Việt Nam là đất nước đang phát triển, có rất nhiều câu chuyện mới mẻ, dễ trở thành chất liệu thú vị cho phim tài liệu. Đây là cơ hội thuận lợi để các đạo diễn trẻ như cô đặt chân vào con đường này.

Ông Nguyễn Hoàng Phương - điều hành Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD - nói với phim tài liệu, cách kể chuyện là quan trọng nhất. "Cùng đề tài, nhưng cách kể chuyện tốt, tác phẩm của bạn sẽ vượt trội", ông Phương chia sẻ.

Ban tổ chức sẽ chọn ra ba dự án xuất sắc nhất trong các lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý rác thải và một chủ đề mở nào đó.

Ở mỗi dự án được chọn, các nhà làm phim sẽ nhận được số tiền 210 triệu đồng.

Đồng thời, ban tổ chức sẽ hỗ trợ những phim này tham gia vào các liên hoan phim quốc tế hoặc phát trong Liên hoan phim khoa học do Viện Goethe tổ chức.

Viện trưởng Viện Goethe tại Hà Nội Oliver Brandt phát biểu - Ảnh: PHẠM ĐỨC MINH

Viện trưởng Viện Goethe tại Hà Nội Oliver Brandt phát biểu - Ảnh: PHẠM ĐỨC MINH

Liên hoan phim khoa học lớn nhất thế giới trở lại

Theo Viện trưởng Viện Goethe tại Hà Nội Oliver Brandt, trải qua 13 mùa, liên hoan phim này có một lượng khán giả đông đảo ở những đất nước có phim tham gia, đặc biệt đối tượng giáo viên và các em học sinh.

"Không chỉ mở ra cánh cửa đến với các nền văn hóa khác trên thế giới, liên hoan phim còn nâng cao ý thức về các vấn đề đương thời thông qua các phim quốc tế và chuỗi hoạt động giáo dục đi kèm", ông nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, PGS.TS Trần Thị Thái Hà - cố vấn của liên hoan phim - bày tỏ Việt Nam là một trong 16 nước có tính đa dạng sinh học cao, nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây, tốc độ phá hủy đa dạng sinh học cũng nhanh hơn bao giờ hết.

"Câu chuyện bảo tồn không chỉ dừng lại ở cảnh tỉnh, kêu gọi mà đã là báo động. Việc đưa câu chuyện tái tưởng tượng, tái tạo, phục hồi và phát triển bền vững - thông điệp của Liên hoan phim khoa học trong bối cảnh Việt Nam thời điểm này thật sự cần thiết và có ý nghĩa", bà Hà nói.

Bắt đầu từ năm 2005, Liên hoan phim khoa học do Viện Goethe khởi xướng đã trở thành sự kiện phim khoa học lớn nhất thế giới với nửa triệu khán giả mỗi năm.

Liên hoan phim có tính quốc tế đa dạng và phong phú về thể loại: phim hoạt hình ngắn, phim giải trí giáo dục dài tập, phim tài liệu…

Việt Nam có 5 phim mới được chào bán tại Liên hoan phim BusanViệt Nam có 5 phim mới được chào bán tại Liên hoan phim Busan

Nhiều dự án phim Việt với đa dạng thể loại được chào bán trong khuôn khổ Liên hoan phim Busan 2023.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên