11/04/2018 09:18 GMT+7

Dân TP.HCM sống phập phồng trong vùng sạt lở

NGỌC ẨN - TÂM ĐỨC
NGỌC ẨN - TÂM ĐỨC

TTO - Rất nhiều người dân tại TP.HCM đang sống trong phập phồng lo sợ bên những dòng sông, rạch bị sạt lở. Trong khi đó, việc triển khai các dự án chống sạt lở đang bị chậm vì vướng đền bù giải tỏa.

Dân TP.HCM sống phập phồng trong vùng sạt lở - Ảnh 1.

Những căn nhà có nguy cơ sạt lở ở rạch Giồng Ông Tố, Q.2 (TP.HCM) - Ảnh: T.ĐỨC

Đến nay, người dân sinh sống quanh khu phố 5, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức vẫn chưa quên được vụ sạt lở nhà xuống sông Sài Gòn trong một đêm vào tháng 7-2015. Vùng đất sạt lở khoảng 2.000m2, khiến nhiều căn nhà bị cuốn trôi xuống sông.

Dân mong sớm được di dời

Vụ sạt lở này cũng làm hư hỏng gần 100m đường nhựa. Nhiều hộ dân sống gần khu vực sạt lở rất lo lắng vì không biết bao giờ dự án xây kè mới làm xong.

Cơ quan chức năng đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực sạt lở nói trên. Tại hiện trường, có một căn nhà nằm trên vị trí sạt lở có dấu hiệu sắp chìm xuống sông, nửa căn nhà đã nứt nẻ, nghiêng về một bên. Cạnh bên ngôi nhà này là một nhà chưa bị ảnh hưởng vẫn có người sinh sống.

Ông N.K.T., người dân trong khu vực, cho biết trước đây bờ sông rộng, vững chãi, nằm cách vị trí bờ hiện tại gần 50m. Nhưng chỉ trong một đêm, nhà cửa, xe cộ, tài sản người dân ở gần bờ đều nằm dưới sông.

Dân TP.HCM sống phập phồng trong vùng sạt lở - Video: TÂM ĐỨC

Ông T. đặt câu hỏi: "Không biết do nền yếu, khai thác cát hay nước xoáy mà vùng sạt lở xuống sông hiện rất sâu hơn chục mét?".

Còn tại hai điểm sạt lở rạch Giồng Ông Tố, bờ phải thuộc P.An Phú và bờ trái thuộc P.Bình Trưng Tây (Q.2) có rất nhiều hộ dân đang sinh sống. Người dân đang ở ngay sát bên bờ rạch. 

Chiều dài vùng sạt lở ở cả hai bờ rạch Giồng Ông Tố là hơn 1.000m. Người dân ở đây dùng cừ tràm đóng cọc, làm bờ bao ngăn sạt lở. Họ lo lắng không biết đến khi nào mới được đền bù, giải tỏa để tìm chỗ ở mới an toàn.

Bà N.T.P.H., người dân ở khu vực trên, cho biết phần sau nhà của bà bị sạt lở đến nay đã chục năm nhưng gia đình vẫn phải sống trong căn nhà này. Theo bà H., dân ở đây ai cũng mong sớm được đền bù giải tỏa để dời đến nơi ở mới an toàn.

Tôi đang chờ được đền bù để tìm chỗ ở mới, chứ ở đây cứ phập phồng lo lắng, lỡ nhà trôi xuống sông thì người mất, của mất mà phần đất trôi đi cũng không chắc được hỗ trợ, đền bù

Bà N.T.P.H. (người dân khu vực sạt lở rạch Giồng Ông Tố)

Dự án chậm vì chờ giải tỏa

Ông Nguyễn Nam Hải, trưởng Phòng quản lý đô thị Q.Thủ Đức, cho biết quận có hai khu dân cư tập trung nằm trong khu vực báo động, có nguy cơ sạt lở cao. 

Q.Thủ Đức đã di dời các hộ gia đình sinh sống trong khu vực nguy hiểm. Tại các điểm có nguy cơ sạt lở, chính quyền địa phương đã cho cắm biển cảnh báo người dân và phương tiện qua lại.

Dân TP.HCM sống phập phồng trong vùng sạt lở - Ảnh 4.

Những ngôi nhà chực trôi xuống sông tại khu vực Giồng Ông Tố, quận 2, TP.HCM - Ảnh: TÂM ĐỨC

Liên quan đến khu vực sạt lở ở rạch Giồng Ông Tố, ông Hoàng Lê Phương, phó chủ tịch UBND P.An Phú (Q.2), cho biết cơ quan chức năng đã đo đạc và thống nhất với người dân về việc di dời, giải phóng mặt bằng để làm kè chống sạt lở. Dự kiến công trình được triển khai trong năm nay.

Theo ông Trần Văn Giàu - giám đốc Khu quản lý đường thủy nội địa TP, trong năm nay có 10 dự án (với 11 công trình) kè bờ chống sạt lở. 

Tuy nhiên, các dự án chống sạt lở đều gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Để triển khai thi công một số dự án, khu đã phối hợp với các phòng ban chuyên môn và UBND các xã phường vận động người dân tạm giao mặt bằng để phòng tránh sạt lở. 

Đồng thời triển khai việc bồi thường giải phóng mặt bằng, chi trả bồi thường cho người dân song song với việc triển khai thi công dự án.

"Hiện công tác giải phóng mặt bằng thực hiện rất chậm, không đảm bảo tiến độ triển khai các dự án chống sạt lở theo chỉ đạo của UBND TP. Đã có một số dự án đang tạm dừng chờ bàn giao mặt bằng" - ông Giàu nói.

Dân TP.HCM sống phập phồng trong vùng sạt lở - Ảnh 5.

Ngôi nhà bị khúc sông lấn vô đến nửa nhà tại khu vực Hiệp Bình Phước, Thủ Đức - Ảnh: TÂM ĐỨC

Theo Khu quản lý đường thủy nội địa TP, nguyên nhân gây ra sạt lở chủ yếu do sự thay đổi của dòng chảy. 

Trong khi đó, nhiều năm qua việc triển khai các dự án chống sạt lở ở TP còn rất manh mún, không đồng bộ. Xảy ra sạt lở đến đâu, các cơ quan chức năng mới lập dự án chống sạt lở đến đó.

Vậy làm thế nào chủ động phòng chống sạt lở? Trả lời câu hỏi này, ông Trần Văn Giàu cho biết Khu quản lý đường thủy nội địa đã có báo cáo đề xuất và được Sở Giao thông vận tải TP chấp thuận chủ trương, giao khu dự toán để tổ chức lập đề án nghiên cứu dự báo sạt lở bờ sông tại một số quận huyện và đề xuất các nguyên tắc ứng xử, giải pháp phòng chống sạt lở.

Tiến độ triển khai dự án chống sạt lở

Theo Khu quản lý đường thủy nội địa TP, đến nay TP có 40 điểm sạt lở, trong đó có 22 điểm đặc biệt nguy hiểm, còn lại đa số là điểm sạt lở nguy hiểm. Tiến độ thực hiện các dự án chống sạt lở như sau:

Năm 2017: Hoàn thành cơ bản 5 dự án chống sạt lở có quy mô 1.657,7m kè bờ sông, kênh rạch ở Q.4 và H.Nhà Bè.

Năm 2018: Triển khai thi công 10 dự án (11 công trình) có quy mô 4.906m kè bờ sông, kênh rạch tại Bình Thạnh, Nhà Bè, Bình Chánh và Cần Giờ.

Sau năm 2018, triển khai 11 dự án có quy mô 12.482m kè bờ sông, kênh rạch tại Bình Thạnh, Q.8, Nhà Bè và Bình Chánh...

4 căn nhà trôi xuống sông Cổ Chiên giữa đêm 4 căn nhà trôi xuống sông Cổ Chiên giữa đêm

TTO - 4 căn nhà nằm trên cồn Phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đã bị “hà bá” nuốt chửng. Vụ sạt lở trên sông Cổ Chiên gây thiệt hại hàng tỉ đồng, may không thiệt hại về người.

NGỌC ẨN - TÂM ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên