24/06/2007 04:08 GMT+7

Đại lão lương y ở Cửa Cạn

TẤN ĐỨC
TẤN ĐỨC

TT - Là người ở đất liền, đã vào độ tuổi xưa nay hiếm, vậy mà ông vẫn khăn gói ra đảo Phú Quốc để mở phòng khám bệnh miễn phí cho người nghèo.

pikrcaro.jpgPhóng to
Lương y Nguyễn Văn Thanh bắt mạch cho người bệnh - Ảnh: T.Đ.

Con cháu từ đất liền ra đón ông về dưỡng già, ông bảo chừng nào hết người nghèo trên đảo ông mới về...

Trời đã xế trưa, cái nắng gay gắt của đảo làm ngán ngại những bước chân người ở vùng bắc đảo xa xôi. Thầy Hai đang dùng cơm trưa muộn thì ngoài cửa có một thiếu nữ dìu một người đàn bà bại liệt nửa người bước vào. Bỏ chén cơm, thầy Hai vội bước ra cửa dìu người bệnh vào trong, rồi lật đật mang ra chiếc quạt điện quạt mát cho họ.

Đây là người bệnh thứ 12 trong ngày của thầy Hai và họ đều có một điểm chung: nghèo! Người đàn bà ngần ngại hỏi: “Tui nghèo lắm, không có tiền thầy ơi...”. Thầy Hai vừa khám vừa an ủi: “Không sao, nghèo thì trị theo cách nghèo, cũng hết bệnh, cũng khỏe thôi. Bây giờ tui cho bà thuốc, bà về uống cho khỏe, ngày mai nhớ trở lại đây tôi châm cứu...”.

Chuyến du hành ở tuổi 80!

Anh Hai Minh, phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Cửa Cạn, Dương Đông, Phú Quốc, cho biết: “Người nghèo ở đây luôn nói rằng thầy Hai đã mang đến cho họ bao nhiêu là vàng. Đó chính là sức khỏe. Người nghèo lâm bệnh thì còn gì khổ bằng, trước đây nhiều người đã trắng tay, bần cùng cũng vì bán nhà, bán ruộng để chữa bệnh. Từ hồi có thầy Hai tổ chức điều trị miễn phí, người nghèo trên đảo luôn gọi ông bằng cái tên đại lão danh y ở Cửa Cạn”.

Thầy Hai tên thật là Nguyễn Văn Thanh, sinh năm 1920 ở Cái Răng, Cần Thơ. Bảy tuổi đã được cha đưa lên chùa Tranh nằm tuốt trên đỉnh Bọ Hong của ngọn Thiên Cấm Sơn cao nhất vùng Bảy Núi học nghề thuốc và rèn luyện võ nghệ với thầy Hai Phước Tiền - một đạo sĩ có tiếng trong vùng.

“Hồi ấy Thất Sơn còn hoang vu lắm, cọp beo, rắn độc đầy rẫy, lại thêm nạn sơn tặc lộng hành, không khéo mất mạng như chơi. Vào một buổi trưa, trong lúc sư phụ và nhiều môn đệ đi vắng, một toán cướp xông vào cướp phá, đốt chùa. Tôi xông ra quần thảo với chúng suốt mấy giờ liền. Thương tích đầy mình nhưng tôi quyết bảo vệ tài sản của chùa, nhất là những bình thuốc quí mà thầy tôi dày công sưu tầm để chữa bệnh cho dân nghèo vùng Thất Sơn. Lúc ấy tôi mới 15 tuổi chứ đã lớn đâu...” - ông Hai Thanh kể chuyện đời mình và vì sao ông quyết tâm cả đời làm từ thiện cho bá tánh.

Sau lần chết hụt đó, gia đình bắt ông rời chùa Tranh về Mỹ Tho vừa phụ việc cho một tiệm thuốc bắc, vừa học thêm nghề thuốc. Gia đình ông có chiếc tàu khách chạy tuyến Châu Đốc - Tân Châu - Vĩnh Xương đã kêu ông về phụ việc, nhưng với ông, nghề võ hào hiệp và nghề thuốc cứu người đã ngấm vào ông tự lúc nào, nên vừa chạy tàu khách ông vừa bốc thuốc miễn phí cho người nghèo trên những chuyến tàu ngược xuôi sông nước.

“Hồi trước Tây y chưa phát triển như bây giờ, có bệnh người ta hay cắt lể, cạo gió hoặc cứ cây nhà lá vườn mà trị, nhiều khi bị nặng thêm, mình biết nghề thuốc mà lẽ nào bó tay đứng nhìn không cứu. Vậy nên dù ở đâu, làm nghề gì tôi cũng mở phòng mạch miễn phí và xem đó như cái nghiệp không bỏ được, có khi còn phải làm một nghề khác để nuôi cái nghiệp này” - vị lương y già nhớ lại.

Chị Hai Xuân, một tình nguyện viên giúp cụ Thanh hái và phơi thuốc, nói thêm: “Nội ở phòng khám từ thiện xã Cửa Cạn này, hơn năm năm qua số người được cụ thăm khám cũng đã non chục ngàn lượt chứ không phải ít. Mà với ai cũng vậy, cụ đều xem mạch, ghi đơn rất kỹ nên người bệnh rất an tâm”.

Cơ duyên bắt đầu từ cuối năm 1999, đang sống dưỡng già ở Cần Thơ nhưng nghe nói ở đảo Phú Quốc có nhiều cây thuốc quí, thầy Hai Thanh khăn gói một mình tìm đường ra đảo. Chuyến đi ra đảo tìm cây thuốc lúc đầu dự định chỉ một tháng, nhưng vì thương cảnh người nghèo trên đảo đang quá thiếu thốn điều kiện chăm sóc sức khỏe, ông quyết định dừng chân hẳn nơi hải đảo cực nam này khi tuổi đã ở ngưỡng 80.

Ban đầu ông bốc thuốc tại Truông Am, thị trấn Dương Đông, rồi sau đó nghe trên núi có nhiều người nghèo, ông lại tìm lên núi Bà Hài, xã Cửa Dương cất chòi hốt thuốc. Cuối cùng ông dừng chân tại Cửa Cạn - xã ven biển phía bắc đảo, cách thị trấn Dương Đông 15km. Khởi đầu phòng thuốc được cất tạm bằng tre lá xập xệ. Để mọi người đến bốc thuốc, dù giàu sang hay nghèo khó được tự nhiên, ông Hai Thanh đều không thu tiền theo từng đơn thuốc mà ông chỉ đặt một thùng từ thiện phía trước nhà, người giàu, khấm khá đến khám bệnh tùy điều kiện mà đóng góp cho người nghèo. Thời gian đầu tiền từ thiện không đủ bù chi phí, vì lượng người nghèo lúc nào cũng đông hơn nên có lúc ông phải đứng ra nhận nợ các nhà thuốc khắp nơi, số nợ có tháng lên đến vài triệu đồng. Cũng may là các nhà thuốc trong huyện thấy ông làm việc từ thiện nên không nỡ đòi và xóa nợ cho.

Tiếng lành đồn xa. Năng lực và đức độ của vị lương y già ở bắc đảo xa xôi đã nhanh chóng lan truyền khắp huyện đảo, người bệnh tìm đến ngày càng nhiều. Có ngày một mình ông bắt mạch và bốc thuốc cho trên 50 người bệnh. Khỏi bệnh, nhiều người đã quay trở lại và vận động nhau giúp ông xây cất lại phòng khám khang trang, không còn chịu cảnh dột nát khi mưa, nắng.

Tạm yên chốn ở, ông lại quay ra lo chuyện sưu tầm nguồn cây thuốc quí trên đảo. Ông nhận diện được cây thuốc, nhưng sức khỏe không cho phép ông trèo đèo, lội rừng đi tìm cây thuốc quí. Để có nguồn thuốc, ông hướng dẫn những người nghèo ở địa phương và những tình nguyện viên hái thuốc để họ vào rừng tìm thuốc mang về. Số tiền thu được từ thùng từ thiện ông dùng trả công cho những người hái thuốc. Nhờ đó ông lại có đủ thuốc cho người nghèo.

Giờ đây ở tuổi 88, hằng ngày ông vẫn thức khuya dậy sớm mỗi khi có người bệnh gọi cửa. Con cháu ở đất liền tìm ra thăm nom, chăm sóc, có hơn chục lần ngỏ ý rước ông về trong đất liền để dưỡng già, nhưng ông bảo: “Từ từ đã, tao đi rồi lỡ có người bệnh đến tìm thì sao, chừng nào hết người nghèo trên đảo tao mới về đất liền dưỡng già”!

Chiều tàn, mặt trời đã khuất sau dãy núi bắc đảo. Đại lão lương y Hai Thanh vẫn ngồi tần ngần trước cửa chờ người bệnh: “Tôi tuổi xế chiều rồi, còn làm được gì nữa đâu, chỉ có cái nghề này, mệt chút nhưng nhiều người được khỏe. Lo được cho người nào hết bệnh là tôi lại thấy trong người khỏe ra...”.

TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên