22/05/2024 20:00 GMT+7

Đại biểu lo bị ‘phạt oan’ vì cồn nội sinh, muốn có ngưỡng, công an nói 20% tai nạn giao thông có cồn

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần có quy định cụ thể đối với trường hợp phát hiện cồn nội sinh, cũng như cân nhắc quy định cấm tuyệt đối mà cần có ngưỡng nhất định.

Đại biểu Trần Văn Tuấn - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Trần Văn Tuấn - Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 22-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Mặc dù nhất trí với quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn để giảm tai nạn giao thông, song đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) đặt câu hỏi: quy định cấm trên đã thực sự đầy đủ, chặt chẽ hay chưa?

Cần quy định chi tiết về cồn nội sinh?

“Liệu có dẫn đến việc có trường hợp bị xử lý oan sai hay không, nhất là đối với những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nội sinh, không phải do sử dụng rượu, bia hoặc đồ uống có cồn trước đó” - đại biểu Tuấn đặt vấn đề.

Ông Tuấn dẫn ra báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã khẳng định về nồng độ cồn nội sinh đến thời điểm hiện nay chưa có căn cứ rõ ràng và thực tiễn phát hiện là rất hiếm, có thể trao đổi với lực lượng chức năng để kiểm tra lại bằng quá trình xét nghiệm máu nhằm không làm sai lệch kết quả xử lý.

“Nhưng kết quả xét nghiệm máu có thực sự chính xác hay không? Trường hợp nào thì cần kiểm tra lại qua xét nghiệm máu? Đây là những vấn đề cần được quy định chặt chẽ trong luật để tránh việc xử lý oan sai đối với những người không uống bia, rượu và đồ uống có cồn khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông” - đại biểu nêu. 

Theo đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu nội dung này, giao cho Chính phủ quy định chi tiết trường hợp cần xác định và cách thức xác định nồng độ cồn nội sinh đối với người bị bệnh khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cũng chỉ ra một thực trạng khác là nhiều người uống rượu bia từ hôm trước nhưng hôm sau vẫn còn nồng độ cồn trong hơi thở. 

Thậm chí ăn một số loại trái cây có khả năng lên men thì trong hơi thở cũng có nồng độ cồn. Vì vậy, luật cần điều chỉnh để không cản trở các hoạt động bình thường của xã hội. 

Trong khi đó, nhiều đại biểu kiến nghị cần cân nhắc phương án cấm tuyệt đối việc sử dụng bia khi lái xe mà nên có ngưỡng nhất định. 

Đại biểu Phan Văn Hòa (Đồng Tháp) cho hay có 23 quốc gia áp dụng cấm tuyệt đối. Vì vậy, nên áp dụng một ngưỡng nhất định về nồng độ cồn để phù hợp với văn hóa và đời sống xã hội.

Đưa ra hai phương án để đại biểu lựa chọn theo đa số

"Nếu có chút xíu nồng độ cồn trong người làm gì mà không làm chủ được tay lái. Hiện đa phần người dân, đặc biệt ở nông thôn đều có xe gắn máy, đám tiệc, lễ lộc, quan hệ, giao lưu đều đi xe gắn máy. Vì vậy cần cho phép có một ngưỡng nào đó thì không bao giờ tham gia giao thông bị tai nạn, nên cần nghiên cứu lại" - ông Hòa nói.

Đại biểu Trần Công Phàn đề nghị có phương án để đại biểu lựa chọn - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Trần Công Phàn đề nghị có phương án để đại biểu lựa chọn - Ảnh: Quochoi.vn

Đồng tình ý kiến này, đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương) cho rằng phương án cấm tuyệt đối được đưa ra nhưng “có vẻ” chưa đánh giá tác động ảnh hưởng tới vấn đề truyền thống, phong tục tập quán. 

Vì vậy, ông đề nghị cơ quan soạn thảo hết sức cân nhắc chọn một phương án cho phù hợp, hoặc có thể đưa ra hai phương án để xin ý kiến đại biểu và lấy theo đa số.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng vừa qua có những bức xúc khi nghị định 100 phạt rất nặng, uống một chút cũng bị tịch thu bằng. Vì vậy, đại biểu đề nghị để người dân đồng thuận phần lớn thì sau khi thông qua, nghị định 100 sẽ sửa, phân hóa, nếu uống mức thấp chỉ phạt hành chính để nhắc nhở và không thu bằng lái sẽ giải quyết được bất cập hiện nay.

Giải trình vấn đề này, ông Lê Tấn Tới - chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh - dẫn ra báo cáo của Bộ Công an cho hay từ tháng 6-2022 đến tháng 12-2023, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến rượu, bia chiếm 20% tổng số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ, với 80% là lỗi do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia gây ra. 

"Chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan, đặc biệt là cơ quan chuyên môn tiếp tục khảo sát, thu thập số liệu và đánh giá thêm" - ông Tới nói. 

Quy định cho chặt chẽ, không để lợi dụng Quy định cho chặt chẽ, không để lợi dụng 'nồng độ cồn nội sinh'

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) chỉ rõ tác hại của việc người tham gia giao thông mà trong cơ thể có nồng độ cồn là rất lớn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên