08/05/2015 09:18 GMT+7

Cuộc đua gay cấn trên chính trường Anh

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Hôm qua, hơn 45 triệu cử tri Anh đã đi bỏ phiếu để bầu ra người đứng đầu chính phủ của nền kinh tế lớn thứ năm thế giới.

Cuộc tổng tuyển cử được cho là căng thẳng, khó dự đoán kết quả nhất từ trước đến nay.

Thủ tướng Anh Cameron và phu nhân đến điểm bỏ phiếu ở Spelsbury sáng 7-5 - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Anh Cameron và phu nhân đến điểm bỏ phiếu ở Spelsbury sáng 7-5 - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, khoảng 50.000 điểm bỏ phiếu trên toàn nước Anh đã đồng loạt mở cửa từ 7g ngày 7-5 theo giờ Anh (khoảng 13g, giờ Việt Nam) và sẽ đóng cửa vào 22g cùng ngày (tức 4g ngày 8-5, giờ Việt Nam).

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ sẽ được công bố ngay sau khi các phòng bỏ phiếu đóng cửa. Ngoài 650 ghế ở hạ viện, sẽ có khoảng 9.000 vị trí ở 279 chính quyền địa phương được tranh cử. Có sáu thị trưởng sẽ được bầu ra tại Bedford, Copeland, Leicester, Mansfield, Middlesbrough và Torbay.

Khó đoán trước kết quả

Kết quả thăm dò ngay trước khi tổng tuyển cử diễn ra cho thấy Đảng Bảo thủ cầm quyền và Công Đảng vẫn đang rượt đuổi sát nút để giành sự ủng hộ của cử tri.

Trong bảy cuộc thăm dò được công bố ngày 6-5, có ba cuộc cho thấy hai đảng trên có số phiếu ủng hộ ngang nhau với tỉ lệ ủng hộ 34%. Kết quả ba cuộc thăm dò tiếp theo cho thấy Đảng Bảo thủ chỉ dẫn trước Công Đảng 1% và kết quả cuộc thăm dò còn lại cho thấy Công Đảng dẫn trước Đảng Bảo thủ 2%.

Tuy nhiên, có hơn 1/4 số cử tri cho biết họ có thể thay đổi ý kiến trước khi bước vào phòng bỏ phiếu. Một dấu hiệu cho thấy có khả năng cả hai đảng sẽ khó giành được đa số trong 650 ghế.

Cả hai ứng cử viên nặng ký cho chức thủ tướng Anh đều có những phát biểu mạnh mẽ nhất, tự tin là đảng của mình sẽ thắng cử. Ngay trước giờ bỏ phiếu, ứng cử viên Ed Miliband của Công Đảng tuyên bố với cử tri ở Pendle rằng đây là cuộc đua “gay cấn” nhất mà đảng của ông từng chứng kiến.

Còn đương kim Thủ tướng David Cameron nhấn mạnh chỉ có Đảng Bảo thủ của ông mới đem lại một chính phủ ổn định và mạnh mẽ nhất cho người dân. “Hoặc chọn tôi hoặc chọn hỗn loạn” - báo Telegraph dẫn lời Thủ tướng Cameron.

Đảng Bảo thủ tự mô tả mình là đảng của “việc làm” và “khôi phục kinh tế”. Chính quyền Thủ tướng Cameron cam kết giảm thuế thu nhập cho 30 triệu dân trong lúc chính phủ buộc phải tiếp tục cắt giảm thêm chi tiêu nhằm loại bỏ tình trạng thâm hụt ngân sách đang chiếm đến 5% GDP.

Trong khi đó Công Đảng cam kết sẽ cắt thâm hụt ngân sách chính phủ hằng năm, bảo vệ lợi ích của các gia đình lao động bình dân. Ông Ed Miliband cũng đã phản công khi cho rằng ông David Cameron không ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ ba trong đợt bầu cử năm 2020 là một tin vui cho nước Anh.

Thủ tướng Cameron từng cảnh báo rằng ông Miliband sẽ chỉ có thể cầm quyền với sự giúp sức của Đảng Dân tộc Scotland (SNP) nhưng hậu quả có thể đưa Vương quốc Anh vào nguy hiểm. Ông Miliband đã bác bỏ việc đảng của ông có “thương lượng” với SNP dù trên thực tế họ đã nhiều lần đàm phán việc hình thành liên minh chống lại Đảng Bảo thủ.

Nước Anh trước nguy cơ chia rẽ

Giới chuyên gia cho rằng nếu cả hai đảng đều không vượt qua đa số thì các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu từ hôm nay (8-5). Trong tình hình đó, có hai khả năng có thể xảy ra.

Một là sẽ dẫn đến việc hình thành một liên minh chính thức, tương tự liên minh giữa Đảng Bảo thủ và Đảng Dân chủ tự do mà Thủ tướng Cameron đang là người đứng đầu. Hoặc kết quả trên sẽ sản sinh ra một chính quyền thiểu số yếu ớt thỏa hiệp để đảm bảo giành được sự ủng hộ của cử tri.

Tuy nhiên, ai sẽ liên minh với ai vẫn là một câu hỏi lớn. Bởi lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do Nick Clegg cũng đứng trước khó khăn khi đang phải giữ vững “ghế” trong bối cảnh đảng của ông đang thất bại trên toàn nước Anh.

Còn nếu như không thể hình thành một chính phủ bền vững thì nước Anh có thể đối mặt với tình trạng bất ổn, thậm chí có khả năng phải tổ chức bầu cử lần hai.

Ông Peter Kellner thuộc tổ chức thăm dò dư luận YouGov dự đoán Đảng Bảo thủ sẽ dẫn trước Công Đảng với tỉ lệ 284/263 ghế, Đảng SNP lấy 48 ghế và Đảng Dân chủ tự do lấy 31 ghế. Số ghế còn lại sẽ thuộc về Đảng Độc lập cho Vương quốc Anh (UKIP) và các đảng khác.

Thủ tướng Cameron và lãnh đạo Công Đảng Miliband đều có nguy cơ bị mất số phiếu ở các vùng như Scotland và England. Nguyên nhân, các nhà theo chủ nghĩa dân tộc Scotland có thể sẽ giành hàng chục ghế trong nghị viện ở đây từ tay Đảng Lao động, càng khiến khả năng “chiến thắng toàn diện” của ông Miliband trở nên lu mờ.

Còn ở England, ông Cameron cũng có khả năng sẽ mất cơ hội chiến thắng đa số vì Đảng UKIP đã có động thái “ve vãn” cử tri của cả hai đảng lớn trên.

Cuộc bầu cử ở Anh đang được cộng đồng quốc tế theo dõi sát sao do kết quả của nó có thể ảnh hưởng nhiều vấn đề mang tầm quốc tế như hoạt động quân sự của liên minh Mỹ - phương Tây ở Afghanistan và Iraq.

Bởi Anh đang là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và là một nước thành viên của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Một vấn đề khác cũng có thể ảnh hưởng hình tượng quốc tế của nước Anh, đó là khả năng nước Anh có thể ly khai Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2017 hay không, nếu như Đảng Bảo thủ thắng cử lần này. “Cuộc tổng tuyển cử lần này sẽ quyết định vị trí của nước Anh trên thế giới theo con đường mà chưa có cuộc tổng tuyển cử nào trước đây đã làm” - AFP dẫn lời phó giám đốc Hội đồng quan hệ ngoại giao Jeanne Park nhận định. 

Hai thủ lĩnh trẻ tuổi

Edward Samuel “Ed” Miliband sinh ngày 24-12-1969, là một chính trị gia thuộc Công Đảng. Ông trở thành lãnh đạo đảng này từ năm 2010. Từng là phóng viên truyền hình, rồi trở thành nhà nghiên cứu về Công Đảng trước khi nổi lên thành một trong những người bạn thân cận nhất của cựu thủ tướng Gordon Brown.

Đương kim Thủ tướng David William Donald Cameron sinh ngày 9-10-1966, trở thành lãnh đạo Đảng Bảo thủ Anh từ năm 2005 và đắc cử chức thủ tướng nước này từ năm 2010. Khi ấy, ông Cameron trở thành thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Vương quốc Anh kể từ năm 1812.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên