Tiêu độc khử trùng tại các hộ có heo nhiễm dịch tả heo châu Phi ở huyện Đồng Phú, Bình Phước - Ảnh: N.N.
Trong suốt 40 năm làm trong ngành chăn nuôi, chưa bao giờ tôi thấy bí như kiểm soát và ngăn chặn dịch tả heo châu Phi như bây giờ
Ông Nguyễn Xuân Dương
Ông Nguyễn Xuân Dương, cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết như trên trong buổi làm việc của Bộ NN&PTNT với UBND TP.HCM ngày 14-5. Với việc Đồng Nai và mới nhất là Hậu Giang là hai tỉnh đầu tiên ở Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ phát hiện ổ dịch, dịch bệnh này đang có nguy cơ lan rộng ra toàn quốc bất chấp các nỗ lực kiểm soát.
Dịch bệnh lan rộng
Kể từ khi xuất hiện vào tháng 2-2019, ASF liên tục mở rộng phạm vi lây lan dù các cơ quan chức năng và địa phương đã huy động lực lượng với tất cả những biện pháp hiện có. Nhưng nỗ lực của con người chỉ làm giảm hoặc khoanh vùng được dịch bệnh, làm chậm đường lây lan chứ chưa thể khống chế được dịch.
Ông Phùng Đức Tiến, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết sau khi dịch lây lan tại các tỉnh phía Bắc, cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp tích cực để ngăn chặn dịch lây lan vào phía Nam, từ kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo từ các vùng dịch, tới lập các chốt kiểm tra trên quốc lộ từ Bắc vào Nam. Tuy nhiên, cuối tháng 4 vừa qua, ổ dịch đầu tiên đã xuất hiện tại Đồng Nai.
"Chúng tôi đang làm việc với Đồng Nai để tìm ra nguồn gốc dịch bệnh bắt đầu từ đâu. Nhưng với vị trí là thủ phủ chăn nuôi của phía Nam, nếu Đồng Nai "thất thủ" trước dịch bệnh này sẽ gây ra hậu quả rất nghiêm trọng" - ông Tiến cho biết.
Chưa bao giờ thấy "bí" như bây giờ
Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết do đặc điểm của dịch chưa có văcxin hay thuốc chữa nên quá khó khăn để kiểm soát trong bối cảnh chăn nuôi nhỏ lẻ, giết mổ thủ công và mua bán thịt heo phức tạp.
Đến nay dịch đã xảy ra ở 30 tỉnh thành với tổng số heo bị tiêu hủy lên đến trên 1,2 triệu con (chiếm 4% đàn heo của cả nước). Ông Dương thừa nhận trong suốt 40 năm làm trong ngành chăn nuôi, chưa bao giờ ông thấy "bí" như kiểm soát và ngăn chặn ASF.
Trong khi đó, ông Bạch Đức Lữu, giám đốc Cơ quan thú y vùng VI, cho rằng ổ lây lan dịch bệnh ở Đồng Nai thời gian qua chính là các lò mổ nhỏ lẻ trái phép. "Không nên quá bi quan với dịch bệnh này vì vẫn có thể khu trú và khoanh vùng được nếu lãnh đạo địa phương vào cuộc quyết liệt. Thực tế ở Thanh Hóa đã làm được điều này" - ông Lữu cho hay.
Cơ quan chức năng Hà Nội diễn tập phòng chống, xử lý ASF - Ảnh: P.THẢO
Đề nghị cấp đông, tạm trữ thịt heo
Một vấn đề được các cơ quan chức năng và doanh nghiệp chăn nuôi đưa ra là việc phải cho phép heo không bệnh được vận chuyển ra khỏi vùng dịch để giết mổ và tiêu thụ. Bởi nếu không, tình trạng thừa thiếu thịt heo cục bộ sẽ xảy ra, người chăn nuôi không bán được heo sẽ tìm cách giấu bệnh, vận chuyển trái phép sẽ càng làm tình hình phức tạp thêm.
Để tăng lượng heo đưa vào chế biến, giảm tải cho các hộ chăn nuôi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị TP.HCM nghiên cứu kế hoạch giết mổ heo để cấp đông. Bởi nếu để heo bị bệnh sẽ vừa mất tiền hỗ trợ người dân với giá bằng 80% thị trường, vừa mất công sức và chi phí để tiêu hủy, lại vừa mất đi nguồn thực phẩm. Nếu cấp đông và tạm trữ, trường hợp dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng xấu thì đến cuối năm vẫn có nguồn thịt dự trữ đưa ra thị trường.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Huỳnh Trang, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho rằng cần phải làm việc thêm với các doanh nghiệp bởi chi phí giết mổ và cấp đông rất lớn, chưa kể tâm lý của người dân vẫn chuộng ăn thịt nóng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa rõ thế nào.
Ông Tiến đề nghị TP.HCM tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống ASF hiệu quả, đồng thời đề xuất các kịch bản tạm trữ heo, các chính sách cần hỗ trợ để Bộ NN&PTNT báo cáo Chính phủ.
Dồn sức chống, dịch bệnh vẫn căng thẳng
Tình hình dịch tả heo châu Phi vẫn phức tạp khi các tỉnh phía Nam gần đây ghi nhận những ổ dịch mới.
Hậu Giang đã có 2 ổ dịch
Ngày 14-5, ông Trần Chí Hùng - giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang - cho biết chưa đầy 2 tháng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xảy ra 2 ổ dịch. Cụ thể, ngày 11-4, ổ dịch đầu tiên được cơ quan chức năng địa phương phát hiện ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, với tổng số 50 con heo nhiễm bệnh. Tiếp đến, ngày 5-5, 18 con heo của một hộ chăn nuôi ở xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy bị nhiễm dịch tả.
Theo ông Hùng, Sở NN&PTNT tỉnh đã phối hợp phun thuốc tiêu độc khử trùng, chôn 68 con heo mắc bệnh. "Hiện dịch bệnh đã được xử lý bước đầu. Tuy nhiên, trên toàn địa bàn tỉnh có trên 14.000 hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ, ước tổng đàn heo trên 150.000 con. Vì thế, ngoài việc khoanh vùng, cấm vận chuyển heo ở vùng bị dịch, chúng tôi khuyến cáo người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại..." - ông Hùng nói.
Đà Nẵng: 3 ngày không có xe heo qua lại
Tại các địa phương miền Trung, hầu như tỉnh nào cũng có chốt chặn kiểm dịch động vật trực 24/24 giờ kiểm soát heo qua lại. Trong đó Trạm kiểm dịch động vật Kim Liên, Đà Nẵng là nơi chốt chặn chính kiểm soát heo từ Bắc vào Nam.
Ông Nguyễn Văn Lâm, trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật Kim Liên, cho biết trung bình mỗi ngày có 20 - 25 xe heo qua trạm. Ngay cả vào giữa tháng 3, lúc cao điểm dịch vẫn có 5 - 7 xe qua lại mỗi ngày. Tuy nhiên trong hơn 5 ngày trở lại không có xe heo từ Bắc vào Nam cũng như chiều ngược lại.
"Theo đánh giá của tôi, không phải họ e ngại lây lan dịch mà vì giá ở hai đầu đã tạm cân bằng nên người ta thôi đưa heo vào trong Nam tiêu thụ" - ông Lâm nói và cho hay dù không có xe heo qua nhưng trạm vẫn thực hiện như tinh thần "chống dịch như chống giặc". Chỉ cần một con heo có biểu hiện bệnh cũng không cho đi qua. Quy trình kiểm tra đặc biệt chú trọng với heo từ các tỉnh có dịch.
Tiêu hủy heo không rõ nguồn gốc nghi nhập lậu
Ngày 14-5, tin từ UBND tỉnh Bình Phước cho hay tỉnh này vừa ban hành công văn hỏa tốc yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương thực hiện các biện pháp khẩn cấp ứng phó dịch. Đặc biệt, tỉnh này yêu cầu những địa phương chưa xuất hiện bệnh phải chủ động giám sát, tiêu hủy các loại heo, sản phẩm từ heo nhập lậu, nghi nhập lậu trái phép từ các địa phương có dịch vào địa bàn quản lý.
Theo ghi nhận, diễn biến dịch trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang có dấu hiệu lây lan nhanh và phức tạp. Chỉ trong ngày 13-5, tỉnh Bình Phước đã ghi nhận thêm 3 điểm bùng phát dịch. Tính đến thời điểm này toàn tỉnh đã có 6 ổ dịch, tập trung tại huyện Đồng Phú và thành phố Đồng Xoài.
Không nên hỗ trợ tiền trực tiếp cho doanh nghiệp
Ông Phạm Đức Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN, cho rằng không nên tính chuyện hỗ trợ tiền trực tiếp cho doanh nghiệp chăn nuôi nếu xảy ra dịch bệnh. Bởi có những doanh nghiệp tổng đàn lên đến hàng triệu con thì tiền ở đâu mà hỗ trợ. Chưa kể có những thời điểm giá heo hơi trên 50.000 đồng/kg, doanh nghiệp lãi lớn thì người tiêu dùng và Chính phủ đâu có được hưởng lợi. Do đó, nếu muốn hỗ trợ doanh nghiệp, Nhà nước ghi nhận thiệt hại của họ để giảm vào thuế thu nhập doanh nghiệp của các năm tiếp theo thì hợp lý hơn.
Nhiều tỉnh báo cáo hay, nhưng...
Chiều 14-5, tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai, ông Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh này tăng cường thêm nhiều biện pháp chống ASF vì đây là "thủ phủ" nuôi heo của cả nước.
Dẫn chứng việc phòng chống dịch chủ quan ở một số nơi, ông Tiến nói: "Thời gian vừa qua ở một số tỉnh nghe báo cáo rất hay và khá bình tĩnh như chưa hề có dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra. Tuy nhiên, trên thực tế heo chết quăng đầy bên đường, xác heo trôi đầy sông".
Vì vậy, trước tình hình ASF ở một số tỉnh phía Nam, ông Tiến yêu cầu Trung tâm thú y vùng VI phải cử lực lượng cán bộ xuống tập huấn theo kiểu "cầm tay chỉ việc", đồng thời phối hợp xây dựng kịch bản ở các cấp độ khác nhau nhằm kiểm soát tốt dịch bệnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận