28/05/2011 06:19 GMT+7

Cửa hàng bình ổn giá của Đoàn

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Hơn nửa tháng qua, nhiều người dân ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã dần quen với sự có mặt của cửa hàng bình ổn giá do xã đoàn phụ trách.

v8LF8Jc1.jpgPhóng to

Đông đảo người dân tìm đến mua hàng tại cửa hàng bình ổn giá do Xã đoàn Tân Kiên, huyện Bình Chánh (TP.HCM) phụ trách - Ảnh: Q.L.

Dãy ba kiôt ngay trước trụ sở cũ của ủy ban xã bỏ không được tân trang lại thành cửa hàng. Ở đó, người dân có thể tìm được nhiều mặt hàng cần thiết phục vụ cuộc sống hằng ngày với giá ổn định, dù giá cả trên thị trường có lên xuống bất ngờ.

Đoàn làm... tiểu thương

Nhân rộng mô hình

Từ cửa hàng tại ấp 3, bí thư Xã đoàn Tân Kiên Lê Hoàng Dũng cho biết đang xin ý kiến cho mở thêm cửa hàng tại một ấp khác để có thể phục vụ được nhiều người dân hơn.

Tương tự, bí thư huyện đoàn Huỳnh Cao Cường thông tin: lãnh đạo huyện Bình Chánh đã chấp thuận và giao cho huyện đoàn phối hợp phòng kinh tế bàn bạc cụ thể để triển khai mô hình này ra nhiều xã của huyện trong thời gian sớm nhất có thể.

Ngay khi chủ trương bình ổn giá của TP.HCM được triển khai, chính các bạn trong xã đoàn đã xung phong nhận nhiệm vụ thực hiện các gian hàng này với lãnh đạo xã. Bí thư xã đoàn Lê Hoàng Dũng cho biết: “Chúng tôi trực tiếp làm việc với Công ty TNHH Ba Huân và may mắn là các anh chị bên công ty ủng hộ hết lòng. Từ khi lãnh đạo xã có chủ trương, bàn bạc cho đến khi ra mắt cửa hàng chỉ chừng hơn tháng là xong”.

Ba gian hàng được giao cho các cô Tư Sang, Bảy Thanh, Ba Hừng là phụ huynh các bạn đoàn viên, thanh niên (gia đình diện hộ nghèo) trong xã phụ trách. Do vốn hoàn toàn được ứng trước từ Công ty Ba Huân, mỗi lần bán hàng họ đều phải ghi chép lại đầy đủ số lượng, mặt hàng bán. Cuối ngày, một bạn trong xã đoàn sẽ đến tạm quyết toán sổ sách và nhận tiền. Mặt hàng nào bán chạy, mặt hàng nào người dân có nhu cầu cao... đều được ghi nhận kịp thời và điều chuyển sao cho đáp ứng tốt nhất nhu cầu bà con trong xã.

Có đến vài chục mặt hàng, từ nước chấm, đường, bột giặt, dầu ăn, mì gói, nước giải khát các loại, gạo... để người dân dễ dàng chọn lựa. Riêng với gian hàng bán các loại trứng, thực phẩm đông lạnh tươi sống, chậm nhất năm ngày sẽ thay hàng tồn bằng các mặt hàng mới nên lúc nào cũng đảm bảo chất lượng.

Cô Ba Hừng tỏ vẻ tiếc nuối: “Mấy hôm nay người ta hỏi mua bột ngọt và sữa nhiều mà hiện tại cửa hàng chưa có, chắc phải tính tới việc nhập thêm mấy món này”. Đứng gần đó, anh Dũng - bí thư xã đoàn - nói thêm: “Trước mắt chắc phải nhập thêm từ bên ngoài. Mục tiêu là làm sao đáp ứng tốt nhất nhu cầu của bà con với giá cả ổn định”.

Câu chuyện cuộc sống

Nhiều bà con là khách quen cửa hàng nhưng không ít người vẫn chưa biết sự hiện diện của cửa hàng này ngay tại xã mình.

Một số khác tỏ ra bất ngờ khi biết cửa hàng này do Đoàn đứng ra chịu trách nhiệm. Thật ra hình ảnh đoàn viên tham gia những chuyến xe bán hàng lưu động phục vụ bà con vùng sâu vùng xa, các phiên chợ giảm giá đã có từ lâu. Nhưng việc Đoàn “đứng mũi chịu sào” với một cửa hàng bình ổn giá thì chưa có tiền lệ tại bất kỳ xã, phường nào của TP.

Bí thư xã đoàn Lê Hoàng Dũng băn khoăn: “Nhiều bà con chưa hiểu ý nghĩa của gian hàng khi nghĩ rằng giá bán ở đây sẽ được giảm. Trong khi mục tiêu chính là đưa hàng đến tận tay bà con với giá ổn định nhất khi thị trường có biến động về giá. Nghĩa là có thể có mặt hàng cao hơn nhưng cũng có mặt hàng thấp hơn giá ngoài chợ”. Mục tiêu chính của cửa hàng không đặt ở tiêu chí lợi nhuận mà là phục vụ cuộc sống.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên