Liên quan vụ gian lận thi cử lộ ra 64 thí sinh được sửa điểm ở Hòa Bình, đến nay ngành giáo dục vẫn giữ quan điểm không công bố danh tính vì “sợ tổn thương thí sinh”, rằng các em còn có cả một tương lai phía trước, rằng sai phạm này là của người lớn nên không xử lý thí sinh.
Nhưng không ít ý kiến lại cho rằng việc nâng điểm, có trường hợp nâng đến hơn 9 điểm/môn là "khủng khiếp", "động trời" và khó thể nói "thí sinh không hề hay biết...".
Vậy liệu có nên công khai danh tính các thí sinh được sửa điểm hay không? Các thí sinh gian lận điểm là người liên quan hay vô can? Tuổi Trẻ xin giới thiệu một số góc nhìn của các chuyên gia, nhà giáo.
GS Lê Tuấn Hoa (nguyên viện trưởng Viện Toán học):
Không công khai nhưng cấm thi 1-2 năm
Tôi nghĩ có thể không cần công khai danh tính với toàn xã hội, vì thực tế ngay cả những người phạm tội không phải trường hợp nào cũng công khai. Tuy nhiên, về mặt pháp luật phải xử lý nghiêm túc.
Nhiều người lo lắng thí sinh còn cả tương lai phía trước nên cố gắng giữ gìn danh tính cho các em. Nhưng các bậc phụ huynh chủ động "gửi gắm" để can thiệp điểm cho con em mình không thể giấu kín, phải đưa ra tòa.
Với loại vi phạm này, phải xác định nâng nửa điểm, hay nâng đến 8-9 điểm thì tính chất cũng là vi phạm pháp luật, gian lận động trời. Không thể viện những trường hợp đơn giản nhất ví dụ như có thí sinh chỉ được nâng nửa điểm để xí xóa hay giảm nhẹ tội.
Tất nhiên, thực tế thì mức điểm nâng như đã được công bố rất lớn, có trường hợp nâng hơn 9 điểm/môn, nâng hơn 26 điểm cho tổ hợp 3 môn.
Vụ nâng điểm chưa từng có xảy ra tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 không thể gói trong phạm vi gian lận thi cử, mà đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Những người trực tiếp gian lận thi cử được xác định là những người "cầm cân nảy mực" hay những phụ huynh "đóng tiền nâng điểm" đều phải xử lý nghiêm minh.
Bản thân thí sinh "được" gian lận thi cử cũng là "người có liên quan trong vụ việc". Giả sử nếu không phát hiện, không lôi ra ánh sáng thì chính những thí sinh này sau này sẽ ung dung trở thành công chức, viên chức hay đi làm ở các cơ quan, doanh nghiệp từ tấm bằng đại học mà ngay từ đầu vào đã gian lận. Nếu không xử triệt để, những người này leo cao, chui sâu thì rất nguy hại.
Thí sinh, dù thế nào đi nữa, cũng là "đối tượng liên quan" đến vi phạm này. Việc loại thí sinh khỏi trường đại học vừa để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật vừa đảm bảo công bằng với thí sinh khác.
Tuy nhiên, vì là "đối tượng liên quan" nên cũng cần phải xem xét để những thí sinh liên quan đến gian lận này phải bị cấm thi 1-2 năm để đảm bảo tính răn đe, cảnh báo nghiêm khắc.
Bởi vì xét đến cùng, một sự việc liên quan đến vi phạm pháp luật thì phải để pháp luật xử lý, không thể chỉ lấy quy chế thi ra để áp dụng rồi thấy khó xử lý được.
TS Lê Viết Khuyến (nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT):
Xét tính nhân văn
Việc công khai danh sách thí sinh nâng điểm cần thiết hay không còn tùy thuộc vào tình huống cụ thể. Hiện nay, khi sai phạm mới xác định là ở người lớn thì trước hết phải xử người lớn cho thật nghiêm. Với học sinh, vẫn nên xét đến tính nhân văn, giáo dục lâu dài.
Dù việc nâng điểm quá khủng khiếp dễ dẫn đến nghi ngờ thí sinh không thể không liên quan, không thể không hay biết nhưng về pháp luật, chưa có chứng lý rõ ràng thì không thể kết tội các em được.
Tuy nhiên, với các phụ huynh bắt tay với cán bộ giáo dục để nâng điểm khống thì phải xử lý nghiêm. Những người đứng đầu các tỉnh có xảy ra vụ tiêu cực nghiêm trọng này cũng phải nghiêm túc kiểm điểm và có biện pháp xử lý, chịu trách nhiệm nghiêm minh, xứng đáng.
Tuy nhiên, có tỉnh như Hà Giang, người đứng đầu tỉnh cũng có con nằm trong danh sách nâng điểm gian lận nhưng đến nay cũng không hề hấn hay phải chịu trách nhiệm gì. Điều này làm dư luận còn băn khoăn.
TS Nguyễn Tùng Lâm (chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội):
Xác minh vô can hay không
Xem xét trên cơ sở pháp lý, bài thi bị những người khác can thiệp sau khi thí sinh đã nộp bài thì sẽ khó có thể xử lý kỷ luật với thí sinh như quy chế là hủy kết quả thi hay cấm thi 1-2 năm. Tuy nhiên, khi cơ quan công an vào cuộc, tôi nghĩ có thể xác minh được những trường hợp thí sinh vô can hay không vô can.
Ví dụ, những bài nộp giấy trắng nhưng đạt điểm cao hay bài được nâng lên đến 26,5 điểm thì nói thí sinh không biết mình được nâng điểm là vô lý. Vì vậy, nếu xác minh được thí sinh có liên quan thì cần chế tài để có tính giáo dục với những người trẻ khi bước vào kỳ thi tới, cũng để các em thí sinh có ý thức chịu trách nhiệm về việc mình làm.
Những trường hợp không xác minh được, theo tôi vẫn nên công bố danh sách, không có gì là phải kiêng kỵ.
Trong vụ xử lý gian lận thi cử này, ngoài việc xác minh hành vi, trả lại điểm gốc cho thí sinh, yêu cầu sở GD-ĐT và các trường đại học, học viện rà soát, xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển lại theo kết quả gốc. Một việc rất quan trọng khác theo tôi cần làm tới cùng là truy trách nhiệm của những người nhờ vả nâng điểm. Họ là ai?
Có người thực hiện hành vi gian lận thì phải có những người nhờ vả thực hiện hành vi gian lận. Nếu dùng tiền để mua điểm cũng không thể chỉ bắt người nhận tiền chịu mà người đưa tiền cũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây là "điểm mờ" cần tiếp tục làm rõ.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp (hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội):
Cần công khai
Tôi cho rằng cần công khai những người đã giúp các thí sinh nhờ vả hoặc mua điểm là ai và những người này phải bị xử lý kỷ luật, tùy theo mức độ và quy định của pháp luật. Có như vậy mới đủ để cảnh báo, ngăn ngừa tiêu cực khác có thể nảy sinh.
Vụ gian lận thi cử năm trước tác động không nhỏ đến tâm lý của các bậc phụ huynh và học sinh. Vì thế tôi nghĩ những vụ gian lận nghiêm trọng xảy ra được điều tra rõ ràng nhưng không giải quyết thấu đáo đến cùng, yêu cầu những người liên đới chịu trách nhiệm thì kỷ cương của kỳ thi, của ngành giáo dục sẽ khó giữ.
Rất nhiều phụ huynh, học sinh Hà Nội đang có tâm lý mình kiểm soát nghiêm quá chỉ thiệt thòi cho con em mình trong khi nơi khác lơ là, làm sai cũng không sao cả.
Mới đây tổ chức thi tại trường, có học sinh mang điện thoại vào phòng thi, tôi yêu cầu cho 0 điểm. Học sinh và cha mẹ đều xin nhưng tôi không xử lý khác được vì nếu thương học sinh mà nhân nhượng, lần sau vi phạm sẽ lớn hơn.
Nhưng nhìn vào vụ gian lận thi cử năm 2018 ở các tỉnh phía Bắc thì thấy cho dù nhà trường có nhắc nhở thế nào nhưng giáo dục gia đình mới là gốc rễ và quan trọng hơn cả. Nếu bố mẹ dùng quyền, dùng tiền chạy điểm cho con thì học sinh sẽ không cần nỗ lực, cố gắng, sẽ làm quen với việc được nâng đỡ, làm quen với sự gian dối.
Xét lại tốt nghiệp THPT, kết quả tuyển sinh
Sau khi thông tin điều tra về vụ gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 tại Hòa Bình được công bố, ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT - cho biết 140 bài thi của 64 thí sinh đã được xác nhận có can thiệp sửa điểm, trong đó bài thi tăng nhiều nhất là 9,25 điểm. Bài thi có tổng điểm ba môn thi được sửa tăng nhiều nhất là 26,45 điểm. Điều này cho thấy việc vi phạm rất nghiêm trọng.
Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu Sở GD-ĐT Hòa Bình cập nhật kết quả điểm chấm thẩm định, coi kết quả này là điểm chính thức của kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các trường đại học xem xét lại kết quả tuyển sinh đối với những thí sinh có liên quan.
Ông Trinh cho biết trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Công an để nỗ lực làm sáng tỏ cũng là để trả lại công bằng cho thí sinh cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận