29/10/2015 11:05 GMT+7

​Con cái mấy ông tham nhũng rất muốn học theo cha

LÊ KIÊN thực hiện
LÊ KIÊN thực hiện

TTO - Đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự trung ương Giáo hội Phật giáo VN Thích Thanh Quyết đã nói như trên về căn nguyên tham nhũng và tội ác dã man tồn tại trong xã hội.

Hòa thượng Thích Thanh Quyết - Ảnh: BÉ BƠ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, hòa thượng Thích Thanh Quyết nói: Năm nay nổi lên những sự vụ rất là lớn, có những vụ giết người nặng nề quá, thảm sát cả gia đình chỉ vì những lý do đơn thuần. Có thể nói rất là đau buồn, chúng tôi khi nghe được những tin như vậy cũng rất lo lắng, ái ngại.

Tôi thấy rằng cứ để mãi tình trạng thế này thì trong cái tổng chung của xã hội đang phát triển tốt, nó để lại cái vết hằn rất lớn trong đời sống nhân dân, tạo nên tâm lý bất an trong cuộc sống thường nhật.

Con người ta cứ phải yên ổn, yên tâm thì mới phát triển được. Còn tâm đã bất an thì kiểu gì sự phát triển cũng bập bùng, thấp thỏm, lo âu. 

* Các đại biểu nói rằng do mặt trái của cơ chế thị trường nên tình trạng tham nhũng, tội phạm nó thế. Nhìn từ góc độ của một đại biểu là chức sắc tôn giáo, hòa thượng lý giải như thế nào về căn nguyên tạo nên sự tham lam vô độ của tham nhũng, sự mất nhân tính của những kẻ giết người ?

- Thực chất mặt trái của cơ chế thị trường là có nhưng không nên đổ hết cho nó, mà đấy chẳng qua chúng ta cứ đổ vạ vào đấy thôi.

Bản chất của thị trường không phải là xấu mà là tốt, đặc biệt chúng ta lại định hướng xã hội chủ nghĩa vào đấy nữa thì lại càng tốt.

Các đại biểu đưa ra nhiều lý do và tôi thấy các lý do đều thuyết phục cả. Nhưng riêng mình thì tôi thấy thế này: đất nước mình trải qua một giai đoạn từ năm 1945 đến nay chiến tranh liên miên và mình tập trung vào cuộc chiến tranh nhiều quá.

Đến khi đổi mới thì do quá tập trung vào kinh tế nên chúng ta chưa chú trọng sâu vào cái khâu giáo dục nhân cách, giáo dục đạo đức con người. Ở trường học cứ cố gắng nhồi nhét cái kiến thức mà không quan tâm nhiều đến cái đạo đức ra sao. Cho nên chúng ta bị hụt hẫng.

* Như vậy là phải nhìn vào cái gốc văn hóa, giáo dục để xử lý vấn đề; trong văn hóa, giáo dục thì vấn đề nêu gương là rất quan trọng. Hòa thượng bình luận như thế nào khi trong bộ máy của Đảng, của Nhà nước có một bộ phận không nhỏ suy thoái, biến chất, tham nhũng, ví như trong gia đình mà bố tham nhũng thì con có nhân từ được không? Vậy giải pháp nào là đột phá ?

- Tôi nghĩ một cái đột phá bây giờ cũng tương đối khó. Bởi như các vị biết là tứ tung ngũ hành chi phối con người, không phải bỗng dưng mà người ta lại trở thành người xấu được ngay, mà nó có cả một quá trình.

Trong gia đình, trong xã hội, trong giới quan chức, trong nhà trường, bệnh viện… nhìn vào chỗ nào cũng thấy có cái bộ phận xấu ấy. Vậy thì nói về làm gương, các cháu nhỏ thấy điều tốt có khi học còn lâu và áp dụng cũng còn lâu, nhưng thấy điều xấu thì đôi khi lại học và áp dụng rất là nhanh.

Cho nên tôi rất tâm đắc các đại biểu đề cập vừa qua nhiều vụ án mạng rất dã man nhưng báo chí cứ đưa lên, mô tả tỉ mỉ quá thì lại tạo cho trẻ em, người xấu thấy cái đó để học theo.

Hay là tham nhũng thì cái ông có quyền, có chức mới tham nhũng được, con cái của ông ấy và trẻ em rất bị ảnh hưởng, rất muốn học những người như thế vì thấy những ông ấy có nhiều tiền, có xe hơi nhà lầu, có ăn ngon mặc đẹp.

Và đặc biệt là lớp trẻ thấy cái danh của mấy ông kia to quá, danh ông ấy to thế mà còn làm thế thì mình làm cũng có làm sao.

Cho nên, nói là giải pháp đột phá thì khó lắm, nhưng chúng ta phải quyết tâm giải quyết từng bước một, dần dần mới tốt lên. Tôi nghĩ phải có giải pháp tổng thể, làm nước nào chắc tốt ấy, và trước hết phải đi từ giáo dục, từ văn hóa, từ truyền thống đi lên.

Chúng ta phải sửa từng vấn đề một và có sự tham gia của nhà trường, gia đình, xã hội, tôn giáo thì mới được. Đặc biệt ở đây là sự tham gia của các tôn giáo, bởi các nội hàm giáo dục của tôn giáo nó trầm, sâu sắc, đi vào niềm tin trong mỗi con người.

Tham nhũng, tội ác dã man khiến xã hội lo lắng

Theo báo cáo của Bộ Công an trước Quốc hội về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2015, đáng chú ý là các loại tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội chiếm tỉ lệ cao.

Nhiều tội phạm có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội dã man, tàn bạo như đốt xác, phi tang, giết nhiều người trong một gia đình gây bức xúc, lo lắng trong xã hội.

Cơ quan điều tra các cấp cũng đã phát hiện, khởi tố điều tra 1.415 vụ, hơn 2.230 bị can về tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (tăng 6,86% về số vụ và 5,51% số bị can so với năm 2014); phát hiện, khởi tố, điều tra 28 vụ, 86 bị can phạm tội về chức vụ (giảm 3,45% số vụ nhưng tăng 8,14% số bị can).

Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngành thanh tra đã phát hiện 100 vụ, 172 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 46 vụ, 85 đối tượng so với cùng kỳ 2014), với số tiền 40,7 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý điều tra 351 vụ án, 813 bị can phạm tội về tham nhũng.

LÊ KIÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên