15/11/2016 16:50 GMT+7

​Coi trọng dinh dưỡng để phòng và trị bệnh

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Ngày 15-11, tại Trường cao đẳng Y tế tỉnh Phú Yên đã diễn ra hội thảo “Nâng cao năng lực hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện khu vực miền Trung và Tây nguyên”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại hội thảo – Ảnh: DUY THANH
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại hội thảo - Ảnh: DUY THANH

Hội thảo do Bộ Y tế cùng Dự án phát triển hệ thống dinh dưỡng VN (VINEP) tổ chức dưới sự tài trợ của Viện Dinh dưỡng quốc gia và Tập đoàn Ajinomoto.

Dự hội thảo có khoảng 150 đại biểu đến từ Bộ Y tế và 34 đơn vị là các sở y tế, bệnh viện, trường đại học, cao đẳng y tế ở khu vực miền Trung - Tây nguyên.

Đại diện Tập đoàn Ajinomoto tặng hoa và kỷ niệm chương của dự án VINEP cho Ban tổ chức hội thảo – Ảnh: DUY THANH
Đại diện Tập đoàn Ajinomoto tặng hoa và kỷ niệm chương của dự án VINEP cho ban tổ chức hội thảo - Ảnh: DUY THANH

Nhiều bệnh viện chưa chú trọng đúng mức

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Viết Tiến - thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết bộ đánh giá dinh dưỡng - tiết chế lâm sàng là một khâu hết sức quan trọng trong điều trị người bệnh.

“Ai cũng ý thức ăn uống, dinh dưỡng là cơ sở phòng bệnh và chữa bệnh. Đối với người dân, ăn uống là phòng bệnh, còn đối với bệnh nhân, ăn uống là để trị bệnh. Rất nhiều bệnh lý gây ra do chế độ dinh dưỡng, cách ăn uống chưa đúng, chưa hợp lý. Do vậy, từ cuối năm 2011 Bộ Y tế đã ban hành thông tư về tiết chế dinh dưỡng ở bệnh viện, yêu cầu các bệnh viện phải có khoa dinh dưỡng, nhưng đến nay việc thực hiện chỉ đạo này chưa nghiêm túc” - ông Tiến thẳng thắn.

Theo ông Tiến, phải xem vấn đề tiết chế dinh dưỡng là công tác phòng bệnh, khám và chữa bệnh tại VN. Bộ Y tế sẽ vào cuộc quyết liệt, tích cực hơn và sẽ có đánh giá, chế tài nghiêm khắc đối với các bệnh viện lơ là, chưa chú trọng vấn đề này trong công tác khám, chữa bệnh.

Cùng quan điểm, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế - cho hay qua khảo sát của cục về năm tiêu chí hoạt động dinh dưỡng trong các bệnh viện toàn quốc thì thấy phần lớn đều không đạt được.

Cụ thể, 78,6% bệnh viện chưa đạt mức tối thiểu về thiết lập hệ thống tổ chức để thực hiện công tác dinh dưỡng và tiết chế trong bệnh viện, 61,3% bệnh viện chưa bảo đảm cơ sở vật chất để thực hiện công tác dinh dưỡng và tiết chế, 74% bệnh viện chưa cung cấp được chế độ dinh dưỡng phù hợp với bệnh lý người bệnh…

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại hội thảo – Ảnh: DUY THANH
Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại hội thảo - Ảnh: DUY THANH

Sớm đào tạo chuyên gia dinh dưỡng trong bệnh viện

Cũng đề xuất giải pháp cải thiện hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện, PGS.TS Lê Danh Tuyên - viện trưởng Viện Dinh dưỡng VN - cho rằng bệnh nhân cần được sàng lọc dinh dưỡng hoặc nguy cơ dinh dưỡng ngay khi nhập viện, từ đó bệnh viện xây dựng kế hoạch chăm sóc dinh dưỡng thích hợp, bao gồm cung cấp chế độ dinh dưỡng điều trị.

“Trong bệnh viện cần có cán bộ được đào tạo về dinh dưỡng lâm sàng tiết chế, xây dựng biểu mẫu sàng lọc, đánh giá dinh dưỡng và kế hoạch can thiệp dinh dưỡng. Bệnh viện cũng cần xây dựng nhóm hỗ trợ dinh dưỡng và thực hiện chuẩn dinh dưỡng, xây dựng đơn vị chế biến thức ăn tiêu chuẩn…” - ông Tuyên đề xuất.

Trình bày tham luận tại hội thảo, GS Yasuhiro Kido - giám đốc đào tạo và nghiên cứu khoa học Hội Dinh dưỡng Nhật Bản - nói rằng những vấn đề về dinh dưỡng mà VN đang gặp phải thì trước đây Nhật Bản cũng đã trải qua và người Nhật đã tìm cách để giải quyết. Nhờ có hoạt động dinh dưỡng khoa học mà đến nay người Nhật có tuổi thọ rất cao so với mặt bằng chung thế giới.

“Tôi có hai vấn đề muốn chia sẻ. Một là hướng dẫn và tư vấn về dinh dưỡng cho toàn dân, chỉ khi dân không bệnh thì họ mới không đến bệnh viện. Thứ hai là quản lý đánh giá và theo dõi sát tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân nhập viện và bệnh nhân có bệnh mãn tính. Do vậy, đào tạo ra chuyên gia dinh dưỡng và giáo dục dinh dưỡng cho toàn dân là giải pháp quan trọng” - ông Yasuhiro cho hay.

Ông nhìn nhận VN đang rất thiếu nhân lực trong lĩnh vực này, và vì thế hiện Hội Dinh dưỡng Nhật Bản đang phối hợp với Viện Dinh dưỡng VN sớm mở các lớp đào tạo chuyên gia dinh dưỡng tiết chế để khi về bệnh viện họ theo dõi, đánh giá chính xác tình trạng dinh dưỡng người bệnh trong bệnh viện.

Ông Hiroharu Motohashi – tổng giám đốc Công ty Ajinomoto VN – giới thiệu về dự án VINEP và dự án “Bữa ăn học đường” tại VN – Ảnh: DUY THANH
Ông Hiroharu Motohashi - tổng giám đốc Công ty Ajinomoto VN - giới thiệu về dự án VINEP và dự án “Bữa ăn học đường” tại VN - Ảnh: DUY THANH

Trong khi đó, ông Hiroharu Motohashi - tổng giám đốc Công ty Ajinomoto tại VN - cho biết Tập đoàn Ajinomoto tham gia thực hiện dự án VINEP từ năm 2013 sau khi Thủ tướng Chính phủ VN phê duyệt “Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030” với mục tiêu là phát triển hệ thống nhân lực dinh dưỡng tại VN bao gồm các hoạt động nghiên cứu dinh dưỡng và các chính sách liên quan đến dinh dưỡng.

Từ đó góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người VN. Ngoài ra, tập đoàn này cũng thực hiện dự án “Bữa ăn học đường” ở bốn TP: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và dự kiến tới đây sẽ mở rộng ra toàn quốc.

“Dự án VINEP đã phối hợp với Trường ĐH Y Hà Nội đào tạo ngành cử nhân dinh dưỡng từ năm 2013 và hướng tới sẽ mở rộng chương trình đào tạo này tới các trường đại học, cao đẳng y tế trên cả nước. Dự án cũng sẽ làm việc với Bộ Y tế để xây dựng chuẩn dinh dưỡng VN như một tiêu chuẩn chung về hoạt động dinh dưỡng trong cơ sở y tế cũng như tại cộng đồng, từ đó nâng cao chất lượng dinh dưỡng phục vụ người dân VN” - ông cho biết.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên