23/08/2017 15:27 GMT+7

Cô học trò tự lập mong làm cô giáo

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - Trong khi các bạn bè được cha mẹ đón đưa thì Trần Thị Cẩm Ly, học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Thị Lựu, thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã tự lo cho bản thân ngay từ mẫu giáo.

Cẩm Ly dù hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn đạt học lực giỏi suốt bảy năm liền - Ảnh- NGỌC TÀI

Đi học, lo bữa ăn, tự ôn bài, chăm sóc ngoại già yếu đã là công việc thường nhật của cô học trò mới 13 tuổi này.

Tự lập để đỡ đần cho mẹ

Căn nhà liêu xiêu, mái tôn thủng lỗ chỗ, nằm ở tổ 13, ấp Đông Bình, xã Hòa An, thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) của Cẩm Ly là nơi tá túc của ba thế hệ.

Bảy năm liền Ly đều là học sinh giỏi. Đặc biệt năm lớp 6 em đạt điểm trung bình 9,1 - hạng thứ tư trong lớp. Sang năm lớp 7, Ly nỗ lực đạt được điểm trung bình là 9,4 - hạng nhì trong lớp.

Nói là ba thế hệ nhưng thực chất cũng chỉ có ba người - ngoại, mẹ và Cẩm Ly. Bà ngoại đã ở tuổi thất thập cổ lai hi, mẹ cũng thường xuyên đau yếu, chỉ mình Cẩm Ly là khỏe mạnh và cũng chính là hi vọng của cả gia đình.

Gặp chúng tôi vào một buổi sáng cuối tháng 8, Ly ở nhà một mình cặm cụi dọn dẹp nhà cửa và trông tiệm tạp hóa nhỏ. Ngoại thì đi khám bệnh, còn mẹ đi phụ quán cháo từ sớm tinh mơ. Thường xuyên ở nhà một mình nên Cẩm Ly đã có “thâm niên” làm chủ tiệm tạp hóa từ năm em học lớp 1.

Nhà nghèo nên gần như sách vở, quần áo của Ly đều do những người xung quanh cho. Kể cả chiếc xe đạp hiện tại em đang dùng cũng do chú trưởng ấp xin cho em. Nói về chặng đường cắp sách đến trường của bản thân Ly tự tin không ai “lì” như em.

Học mẫu giáo mẹ Ly chỉ đưa đến lớp hôm đầu tiên, sau đó em tự đi nhờ xe của gia đình người bạn cùng lớp. “Sáng em chuẩn bị thật sớm, mặc đồ, cột tóc rồi đi bộ đến nhà bạn em. Chờ cha bạn em chở bạn đi học thì em quá giang. Trưa em quá giang về”. Lên cấp I rồi cấp II cũng đều do Ly tự đến trường chứ không cần gia đình chở đi dù chỉ là ngày đầu tiên.

Hỏi Ly mới tí tuổi tự đi học, có sợ không, em lắc đầu: “Em tự lập để cho mẹ bớt cực. Lo cho ngoại rồi còn đưa rước em làm sao mẹ lo hết được”. Nhìn Ly dáng người cao gầy, ít nói nhưng ánh mắt rất sáng và tự tin mới hiểu được em đã phải vất vả với cuộc sống như thế nào.

Nhiều người sẽ còn ngạc nhiên hơn khi từ tấm bé đến tận khi học lớp 8, Ly đều không xin mẹ tiền quà vặt. “Học buổi sáng hay buổi trưa em đều ăn cơm ở nhà rồi mới đi học. Trong cặp lúc nào cũng có sẵn chai nước”, Ly tíu tít về kế hoạch của bản thân.

Tự học và trông tiệm tạp hóa là công việc từ tấm bé của Ly - Ảnh: NGỌC TÀI

Cố gắng học để trở thành cô giáo

Ngoại Cẩm Ly góa chồng khi tuổi đôi mươi nên chỉ sinh được mỗi mình mẹ em là bà Nguyễn Thị Kim Chi. Hoàn cảnh của hai người phụ nữ này đúng thật là tứ cố vô thân. Rời quê, hai mẹ con hết làm thuê làm mướn đến phụ quán cho người ta. Căn nhà che nắng che mưa hiện nay phải đến khi bà Chi gần tứ tuần mới tậu nỗi.

Bà Chi cũng góa chồng và chỉ có mụn con là Cẩm Ly. Nhà đơn chiếc đã đành mà ngoại và mẹ Ly thay phiên nhau gặp bạo bệnh. Ngoại Ly trong một lần bị tai biến, giữ được mạng sống nhưng di chứng làm bà nay bệnh mai đau, phải thường xuyên nằm viện.

Hai năm trước bà Kim Chi cũng phát hiện có khối u ác tính trong người. Cảnh nhà thiếu trước hụt sau nên bà Chi không đi bệnh viện điều trị mà hốt thuốc nam cầm cự qua ngày.

Với người phụ nữ lam lũ này đến bệnh viện là nỗi ám ảnh rất lớn vì bà Chi sợ nếu thật sự bệnh bà chưa khỏi cũng đồng nghĩa với việc mẹ và đứa con gái nhỏ sẽ mất đi chỗ dựa duy nhất. Nghĩ vậy mà đến giờ bà Chi không đi tái khám.

“Lúc trước còn đi hái ớt ngày cũng được mấy chục ngàn. Sau cái lần ngất xỉu ngoài ruộng suýt nữa chết luôn nên không ai dám thuê nữa. Giờ chủ yếu đi phụ quán cháo, ngày được 40.000 đồng đắp đổi sống qua ngày” - bà Chi kể.

Nhắc về đứa con gái nước mắt bà Chi lại lăn dài: “Người mẹ nào lại muốn để nó tự túc từ nhỏ xíu. Mà không bỏ cũng không được. Tui không đi làm kiếm tiền thì cả nhà lấy cái gì mà ăn”. 40.000 đồng/ngày làm công ở quán cháo và ít đồng lời từ tiệm tạp hóa, ba người tiết kiệm từng chút một. Hôm nào ngoại Ly trở bệnh thì tiền ăn thành tiền thuốc.

Ước mơ của bà Chi là lo cho đứa con gái được ăn học tới nơi tới chốn, có công việc ổn định để có thể nuôi sống bản thân. Còn với Ly em mơ ước trở thành cô giáo và chăm lo cho mẹ và ngoại lúc trăm tuổi già.

Bà Nguyễn Thị Mười, hàng xóm của Ly, cho biết Ly là đứa trẻ ngoan, lễ phép. “Hồi lúc chút xíu đã thấy con nhỏ tự đi học. Cỡ tuổi nó ít ai tự lập được vậy”.

Còn cô Phạm Thị Thanh Lan, giáo viên chủ nhiệm lớp 7 Trường THCS Nguyễn Thị Lựu, cũng nhận xét Ly là học trò chăm ngoan và học rất giỏi. Ly cũng thường hay giúp đỡ bạn bè.

“Ly trong lớp rất chăm học mà toàn thấy em tự đi học chứ không thấy người nhà đưa rước. Nhiều em học sinh bây giờ còn chưa tự đi đến trường được nhưng Ly đã có thể tự làm việc đó” - cô Lan nhận xét.  

100 suất học bổng

Từ ngày 24-7 đến 20-10, báo Tuổi Trẻ sẽ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học nhận một suất học bổng “Đèn đom đóm”, 3 triệu đồng/suất.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức. 

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên