Hằng ngày Khỏe thường tập viết thư pháp và tâm sự, lắng nghe trải lòng của những vị khách ghé quán - Ảnh: NHẬT LINH
Phan Thị Khỏe hiện là quản lý quán Gieo Mầm trên lối lên chùa Thiên Mụ (Huế). Ai đến quán thấy cô gái ngồi viết thư pháp với nụ cười thật tươi thì đó chính là Khỏe.
Trở lại cuộc đời...
Nhớ về những ngày còn băng băng trên đường chạy hơn 10 năm trước, Khỏe không thể quên khi 18 tuổi, tự nhiên trên vai gáy đau dữ dội rồi hai chân liệt dần, không cử động được.
Lớn lên trong một gia đình vạn đò đông con nghèo khó trên sông Hương, cha mẹ cũng đã cố gắng chạy vạy khắp nơi để đưa Khỏe đi chữa bệnh ở Hải Phòng, Huế... nhưng không kết quả. Từ một cô gái khỏe mạnh nhưng giờ đến "đi vệ sinh còn không tự làm được", Khỏe từng hai lần nghĩ đến chuyện tự kết thúc đời mình.
"Rồi trong một lần đi chữa bệnh ở tận Hải Phòng, mình vô tình đọc được bài viết "Chết khát bên cạnh dòng sông" của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Lúc đó mình đã khóc vì bấy lâu nay mình không hề biết bên cạnh mình còn có dòng sông yêu thương của cha mẹ, anh chị và bạn bè" - Khỏe kể.
"Cha mẹ, anh chị chăm sóc, nuôi nấng mình từng ấy năm mà mình chưa bao giờ nói một lời cảm ơn hay một lời xin lỗi, sao lại bỏ đời vô duyên?" - Khỏe nhớ lại.
Từ một cô bé hay cáu gắt vì bệnh tật giày vò, Khỏe cười nhiều hơn, biết lắng nghe và chia sẻ với mọi người nhiều hơn. Và như Khỏe nói, sau một thời gian khám, các bác sĩ ở Huế chẩn đoán bệnh của cô có thể phục hồi 95% nếu được phẫu thuật khối u. Ca phẫu thuật kéo dài 8 tiếng và may mắn thành công.
"Sau một thời gian điều trị vật lý trị liệu, chân của mình bắt đầu có cảm giác. Vui nhất là mình đã tự đi vệ sinh được sau 7 năm ròng cơ cực, phải nhờ đến sự giúp đỡ của ba mẹ" - Khỏe rưng rưng nhớ lại.
Đôi chân từng mang lại huy chương vàng môn điền kinh cho Khỏe ngày nào đang dần lấy lại cảm giác của nhà vô địch trên chặng đua cuộc đời.
Để gieo nụ cười cho người cần đến
Hôm đang trò chuyện với Khỏe ở quán Gieo Mầm, chúng tôi thấy một người phụ nữ tay cầm xấp vé số bước vào, đi thẳng đến gian hàng bày những pho tượng Phật nhỏ trong quán, nói: "Dì thấy quán đang mở cửa nên ghé vô phụ Khỏe chùi mấy tượng Phật cho đỡ bụi".
Hỏi thêm thì biết người phụ nữ tên Nguyễn Thị Bồng. Bà Bồng thường xuyên ghé qua quán Gieo Mầm mỗi lúc "trưa nắng, không đi bán vé được" để tâm sự chuyện đời, chuyện cuộc sống của mình.
"Nói chuyện với Khỏe chặp thấy người hắn đỡ mệt hơn vì Khỏe bị liệt rứa chớ có khi mô buồn mô, miệng cười suốt à" - bà Bồng nói. Bà Bồng nói rằng quán Gieo Mầm này là địa chỉ thường xuyên của những người bán vé số như bà lui tới chỉ để trò chuyện, tâm sự với Khỏe.
Thật vậy, dù quán mới mở cửa từ hơn 6 tháng nay nhưng là địa chỉ thường xuyên của các bạn trẻ bị khuyết tật như Khỏe lui tới. Họ tới đây để được nghe Khỏe chia sẻ, tâm sự về cuộc sống của mình, cách vượt qua nghịch cảnh.
Không chỉ có những người khuyết tật, nhiều bạn trẻ cũng thường lui tới quán tâm sự chuyện tình yêu, chới với trong cuộc sống... Và trong những câu chuyện đó, theo Khỏe thì "phần đông không có được sự kết nối trong gia đình giữa con cái và cha mẹ, anh chị, không thấy hạnh phúc khi ở nhà".
Cô quản lý không ngần ngại chia sẻ với các vị khách rằng hơn 6 tháng nay quán kinh doanh không có lời về tiền bạc. "Gieo Mầm là nơi nhận nỗi buồn và trao đi những yêu thương, năng lượng sống tích cực chứ không phải tiền bạc.
"Lợi nhuận" lớn nhất của quán chính là mọi người tới đây đều được chia sẻ năng lượng sống tích cực" - Khỏe cười nói.
"Sau khi sẻ chia với nhau những câu chuyện, những tâm sự, mình thường trao cho các bạn ấy những nụ cười, những cái ôm thật ấm. Để các bạn biết được cuộc đời này thật đẹp khi tình yêu thương vẫn ở quanh ta" - Khỏe tâm sự.
Chị Tâm Nguyễn, chủ quán Gieo Mầm, kể rằng chị gặp được Khỏe trong một chuyến tu tập ở Thái Lan và cảm thấy đây là một con người truyền cảm hứng đặc biệt.
"Bệnh tật không làm Khỏe gục ngã mà còn làm Khỏe mạnh mẽ thêm. Tôi muốn nhờ Khỏe để gieo thứ năng lượng này đến mọi người nhiều hơn nên hai chị em bắt tay vào mở quán" - chị Tâm Nguyễn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận