14/11/2011 07:18 GMT+7

Có dẹp sạch được "đinh tặc"?

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TT - Điều tra của báo chí cho thấy việc phát hiện “đinh tặc” trong tình trạng phạm pháp không nằm ngoài khả năng của cơ quan chuyên môn, đặc biệt là với các thành viên tinh thông nghiệp vụ của bộ máy công lực và được sự hỗ trợ của nhiều thiết bị hiện đại trong công tác.

Vấn đề là tại sao cơ quan chức năng chỉ thật sự vào cuộc một cách tích cực sau khi sự việc đã được báo chí phanh phui?

Cho đến nay, nạn rải đinh chỉ được xử lý về mặt pháp luật, chính sách theo cách dành cho một tệ nạn xã hội thông thường, một kiểu trấn lột người yếu thế của kẻ lưu manh và cơ hội, lợi dụng tình cảnh ngặt nghèo của người gặp nạn để trục lợi bất chính.

Trong khi thật ra hậu quả của nó không chỉ đơn giản là sự hình thành những giao kèo cung ứng dịch vụ sửa chữa không bình đẳng mà những người gặp nạn phải cắn răng chấp nhận vì không có sự lựa chọn. Những chiếc đinh rơi vãi trên đường công cộng còn là những chiếc bẫy nguy hiểm đối với người đi xe. Đã có không ít tai nạn thương tâm từ nguyên nhân xe cán phải đinh trong lúc đang di chuyển với tốc độ cao.

Hơn ai hết, người rải đinh biết và buộc phải biết điều đó. Bởi vậy, có thể coi việc rải những chiếc đinh độc địa đó là hành vi cố ý xâm hại không chỉ tài sản mà còn cả tính mạng, sức khỏe của người đi xe; cần phải dành cho tác giả của hành vi thái độ xử lý cứng rắn và nghiêm khắc hơn, dựa vào các quy định tương ứng của Bộ luật hình sự.

Đáng chú ý nữa là sau khi người rải đinh bị báo Tuổi Trẻ phát hiện bị bắt giữ, hàng chục tiệm sửa xe trên cùng tuyến đường đã tự động đóng cửa. Điều đó cho phép nhận định rằng việc rải đinh trong thời gian qua không phải là hành vi manh động của một người mà đã và đang trở thành hoạt động mang tính băng nhóm, hoặc ít nhất là có tính liên kết, thông đồng giữa những người làm cùng một việc trái pháp luật.

Đối đầu với những kẻ phạm pháp mang dáng dấp tội phạm có tổ chức và có dấu hiệu tràn lan mà chỉ sử dụng các lực lượng trấn áp tại chỗ của cơ sở chắc chắn không đem lại hiệu quả cao. Có khi đứng trước kẻ phạm tội vừa tinh vi vừa tỏ ra hung hãn, các vị trí ở cấp thấp không đủ tự tin về khả năng, sức mạnh của mình, từ đó dễ mang tâm trạng ngại đương đầu, tìm cách né tránh, để mặc cho tội phạm hoành hành.

Nói khác đi, cần phải giao trách nhiệm tổ chức dọn sạch nạn “đinh tặc” cho các cơ quan công lực cấp quận hoặc cao hơn nữa. Ở cấp đó, cơ quan có thẩm quyền mới có điều kiện đầu tư hợp lý cho công tác này cả về phương diện xây dựng đối sách, đến huy động lực lượng và phương tiện vật chất. Cuộc đấu tranh khi đó mới trở nên thật sự chính quy, tương xứng quy mô của đối tượng phải trấn áp, chứ không thể để nạn “đinh tặc” tồn tại dai dẳng như lâu nay.

PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên