28/08/2017 11:05 GMT+7

Chuyện người đội trưởng dân phòng với đôi chân tật nguyền

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Bất bình trước cái xấu trong xã hội, mong muốn góp một phần bảo vệ người dân anh Lưu Văn Hùng (50 tuổi) đã vượt lên chính mình trở thành đội trưởng đội dân phòng cơ động với đôi chân không lành lặn.

Anh Hùng (thứ hai từ phải qua) cùng với anh em dân phòng bàn kế hoạch cho một đêm tuần tra - Ảnh ĐOÀN NHẠN

Hằng ngày, trên chiếc xe ba bánh chở hàng giao khắp các quán sá trong phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) ít ai biết người đàn ông bình dị ấy lại là “người hùng” lặng lẽ.

Dùng “cái đầu” đẩy lùi cái xấu

Hơn 7 giờ tối, sau một ngày bận rộn với công việc kinh doanh trong ngôi nhà nhỏ, khoác lên mình chiếc áo dân phòng cơ động, anh Hùng tập hợp cùng gần chục anh em ngay trụ sở công an phường.

Tay vợt bóng bàn rất "cừ"

Ngoài đam mê dân phòng, anh Hùng còn là vận động viên bóng bàn có nhiều thành tích.

Anh từng giành huy chương Vàng tại Para Games tổ chức tại Hà Nội năm 1997.

Trước các đội viên dân phòng, người đội trưởng vạch ra những nhiệm vụ cho một đêm tuần tra. Đoàn xe cơ động khắp các con đường hẻm phố lớn nhỏ. Chiếc xe chuyên dụng cho người khuyết tật của đội trưởng Hùng lặng lẽ bám theo sau.

Phường Hòa Khánh Bắc là địa bàn có đông sinh viên và công nhân sinh sống nên đây là điểm nóng của nhiều loại tội phạm. Anh Hùng thường xuyên chỉ đạo anh em đến kiểm tra các điểm dân cư.

Sau khi anh em làm xong nhiệm vụ, anh Hùng luôn dặn dò người dân cách tự bảo vệ tài sản và an toàn cho bản thân.

Trong các chuyến tuần tra, với anh Hùng, việc tưởng dễ dàng mà lại khó khăn nhất là dẹp trật tự các khu chợ đêm.

Để được tin tưởng giao phó trách nhiệm đội trưởng dân phòng như hôm nay, anh Hùng đã nhiều lần khiến mọi người nể phục vì khả năng phán đoán, và mưu trí.

Anh Hùng nói: “Tôi nghĩ mình thua đôi chân thì phải dùng “cái đầu” mà làm nhiệm vụ”. Một hôm, đang đi trên đường thì anh gặp một nhóm người đang tri hô, đuổi bắt một thanh niên cao to cướp điện thoại di động.

Để dẹp trật tự thôi thì dễ lắm, nhưng làm sao phải lấy nhu thắng cương khi người ta căng thẳng. Làm sao để nói cho những người buôn bán lấn chiếm lòng đường biết cái nguy hiểm của việc làm đó, rồi lần sau họ không tái phạm nữa mới là đạt hiệu quả”.
Anh Lưu Văn Hùng

Thoạt nhìn anh biết mình không thể khống chế được đối tượng, sẽ dễ bị “quật” ngay. Với thường phục, anh Hùng bình thản chạy chiếc xe ba bánh ghé sát đối tượng nói: “Mau lên xe, tau chở đi, nhanh lên”.

Thoáng nhìn thấy người đàn ông vô hại, tên cướp vội nhảy lên xe “ân nhân” để mong được giải thoát. Nhanh như chớp, anh khóa trái tay tên cướp và tri hô những người xung quanh đưa thẳng đến công an Phường. Qua điều tra, đây là đối tượng đang bị truy nã, đã thực hiện một loạt các vụ trộm điện thoại di động trong các ký túc xá và khu trọ sinh viên.

Chỉ làm nghĩa vụ công dân

Suốt 17 năm tham gia dân phòng cơ động Phường, anh Hùng nhiều lần nhận được lời khen ngợi. Nhưng người đàn ông này vẫn khiêm tốn trả lời: “Tôi nghĩ mình chỉ làm nghĩa vụ công dân thôi”.

Trong cuộc trò chuyện cùng gia đình nhỏ của anh dưới mái nhà hạnh phúc. Chúng tôi càng cảm mến anh bởi ý chí hơn người.

Năm 9 tuổi, không may một cơn sốt bại liệt đã cướp đi đôi chân của Hùng. Từ một đứa trẻ tung tăng chạy nhảy trở thành người bại liệt, vượt qua những mặc cảm của bản thân, Hùng vẫn quyết đi học cùng chúng bạn.

Anh Hùng nhớ lại: “Nhà tôi ở ngay đường chính, thường xuyên chứng kiến cảnh cướp giật, ẩu đả… mà bản thân tôi lại chỉ biết chống nạng gỗ đứng trong nhà mà nhìn. Tự nhiên bản thân tự thấy hỗ thẹn. Tôi muốn sống như một công dân bình thường, làm được những việc mà người khác làm được dù biết là rất khó”.

Thế là Hùng quyết định xin làm đội viên dân phòng rồi trở thành chiến sĩ dân phòng cơ động. Thời điểm đầu, nhiều người hoài nghi, nhiều người cười cợt anh cho rằng đó là cái suy nghĩ viển vông. Nhưng rồi bằng nỗ lự của mình, anh đã chứng mình mình làm được, khiến mọi người ai nấy đều nể phục.

Cảm mến trước sự dũng cảm, nghị lực của người đàn ông khuyết tật, chị Nguyễn Nguyên Mai Trâm đã đem lòng yêu và gắn bó vợ chồng với anh.

Chị Trâm kể: “Hôm nào anh trực là đi từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng mới về, tôi lo lắm. Có đêm mưa gió, hay những lần nghe dân báo có cướp hoặc côn đồ là anh cũng chạy. Tôi cứ can vì sợ anh như vậy, lỡ không may có chuyện chẳng lành. Anh lại cười động viên vợ, rồi cũng lên xe đi ngay”.

Chị Lê Thị Thúy Hòa (Phó trưởng công an Phường Hòa Khánh Bắc) cho biết: “Anh Hùng rất nhiệt tình, ngoài việc là một dân phòng giỏi, anh còn là công dân gương mẫu. Hễ Phường có việc gì cần là anh có mặt ngay. Vì vậy anh luôn được người dân tin tưởng và yêu mến. Có nhiều vụ việc xảy ra trên địa bàn là dân báo anh Hùng đầu tiên”.

Chuyên mục “Tôi yêu Đà Nẵng” sẽ đều đặn đến với bạn đọc vào mỗi sáng thứ hai hàng tuần kể từ số báo này. Hãy kể cùng chúng tôi những câu chuyện về những con người như thế để sự tử tế được lan tỏa và cảm hóa.

Xin trân trọng cảm ơn bạn đọc. Email chuyên mục: toiyeudanang@tuoitre.com.vn

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên