26/07/2023 11:43 GMT+7

Chuyển đổi xanh ở châu Âu: Còn lâu

Quá trình chuyển đổi xanh của châu Âu đang gặp nhiều thách thức như thiếu hụt lao động và nhiều quốc gia vẫn còn xem trọng than đá.

Các tuốc bin gió và tấm pin năng lượng mặt trời được lắp tại thị trấn Geldermalsen, Hà Lan trong ảnh chụp ngày 28-6-2023 - Ảnh: Reuters

Các tuốc bin gió và tấm pin năng lượng mặt trời được lắp tại thị trấn Geldermalsen, Hà Lan trong ảnh chụp ngày 28-6-2023 - Ảnh: Reuters

Nằm ở trung tâm của lục địa già, Áo - quốc gia nhỏ bé nhưng hùng mạnh - gần đây được kênh truyền hình châu Âu Euronews vinh danh là "quốc gia châu Âu xanh của tháng 6", nhờ vào việc ưu tiên năng lượng tái tạo, thuế carbon và giao thông công cộng. 

Tuy nhiên, không phải nước nào ở châu Âu cũng là quốc gia xanh như vậy.

Vẫn "nghiện" than đá

Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), Áo là một trong những nước có tỉ lệ sử dụng năng lượng tái tạo cao trong sản xuất điện, chiếm tới 71% vào năm 2021. Nhiều núi, nhiều sông và lượng mưa lớn đồng nghĩa với việc thủy điện là xương sống của mạng lưới năng lượng tái tạo tại quốc gia này.

Nhưng giờ đây Áo cũng đang xây dựng lên những nơi này các dạng năng lượng xanh khác. Nước này đã lắp đặt số tấm pin năng lượng mặt trời nhiều đáng kể trong ba năm qua. Người phát ngôn Samson Sandrierser-Leon của Bộ Hành động khí hậu, môi trường, năng lượng, di động, đổi mới và công nghệ Áo gần đây chia sẻ: "Đến năm 2030, chúng tôi đặt mục tiêu chỉ sản xuất điện bằng năng lượng tái tạo".

Áo là một trong nhiều quốc gia trên khắp châu Âu đang chạy đua giảm lượng khí thải nhà kính và ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu. Tuy nhiên, hôm 23-7, báo Financial Times dẫn dữ liệu mới từ tổ chức nghiên cứu năng lượng Ember cho biết chỉ một vài quốc gia châu Âu đến nay đã khử carbon thành công, mặc dù Liên minh châu Âu (EU) với 27 nước thành viên cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thụy Điển là quốc gia thành viên EU đầu tiên loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện, bằng cách sử dụng kết hợp năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo. Trong khi đó, Ba Lan vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, với than là "vua năng lượng" và cung cấp khoảng 75% điện năng cho nước này.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, loại bỏ năng lượng hạt nhân và vẫn tiếp tục sử dụng lượng than đáng kể. Chính phủ nước này có kế hoạch đóng cửa tất cả nhà máy than vào năm 2038. "Châu Âu còn lâu mới hoàn thành quá trình chuyển đổi năng lượng", báo Financial Times bình luận.

Cuối tháng 3-2023, các nước châu Âu đã nhất trí đến năm 2030, EU sẽ đạt mục tiêu 42,5% năng lượng từ các nguồn tái tạo như gió và mặt trời, thay thế mục tiêu đặt ra trước đó là 32%.

Hồi năm 2021, tỉ lệ năng lượng từ các nguồn tái tạo của cả EU đạt mức trung bình 21,8%. Lúc đó, tới 15/27 thành viên EU có tỉ lệ dưới mức trung bình này, gồm: Bỉ, Bulgaria, Cộng hòa Czech, Đức, Ireland, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Síp, Luxembourg, Hungary, Malta, Hà Lan, Ba Lan và Slovakia. Tỉ lệ năng lượng tái tạo thấp nhất được ghi nhận ở Luxembourg (11,7%), Malta (12,2%), Hà Lan (12,3%), Ireland (12,5%) và Bỉ (13%).

Giải quyết bài toán lao động

Hiện nay quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của châu Âu đang đối mặt với các thách thức đáng kể do tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề cao trong các ngành công nghiệp như pin, năng lượng mặt trời và gió. Ủy ban châu Âu (EC) ước tính chỉ riêng lĩnh vực pin sẽ cần thêm 800.000 người được đào tạo hoặc đào tạo lại kỹ năng vào năm 2025.

Do đó EU đang cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa các dự án năng lượng xanh đầy tham vọng của khối này và tình trạng thiếu lao động. Khối này đang đầu tư hàng triệu USD vào các cơ sở giảng dạy nhằm giải quyết vấn đề này.

Hồi năm 2022, thành phố Grenoble của Pháp được vinh danh là "Thủ đô xanh của châu Âu". Đây là nơi đặt trụ sở của một trong những học viện về pin đầu tiên của châu Âu, nhờ sự hợp tác giữa các doanh nghiệp như nhà sản xuất pin Verkor và một số tổ chức, phòng thí nghiệm địa phương.

Safak Durmaz, một sinh viên tại đây, chia sẻ: "Ở Pháp, đó là một cuộc phiêu lưu mới đối với chúng tôi. Tôi nghĩ rằng điện, đặc biệt là pin điện, là tương lai cho tất cả chúng ta".

Ba nhà máy sản xuất pin đang được xây dựng ở phía bắc nước Pháp, trong đó có nhà máy mới của Verkor gần khu vực Dunkerque, nơi sẽ cung cấp pin cho dòng xe Alpine mới của hãng xe Pháp Renault.

Nhằm giải quyết bài toán lao động, EC cũng đã thành lập Học viện EU vào năm 2021, trong khi Chủ tịch EC Ursula von de Leyen chỉ định năm 2023 là "Năm kỹ năng châu Âu".

EU thúc các nước lớn cắt giảm nhanh hơn

Theo dữ liệu của Ủy ban châu Âu, tỉ lệ phát thải khí nhà kính toàn cầu của EU đã giảm từ 16,8% vào năm 1990 xuống còn 7,3% vào năm 2021. EU đã cắt giảm khoảng 1/3 lượng khí thải, chủ yếu là do việc dùng than trong sản xuất điện giảm, còn tỉ lệ từ Trung Quốc và Ấn Độ tăng do nhu cầu năng lượng tăng lên.

EU đang gây áp lực lên các nước lớn cắt giảm lượng khí thải nhà kính nhanh hơn. Các quan chức cấp cao châu Âu nói rằng họ muốn các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ chia sẻ gánh nặng, khi người tiêu dùng và các ngành công nghiệp châu Âu bắt đầu bị ảnh hưởng trước những cái giá phải trả của quá trình chuyển đổi xanh trong hệ thống năng lượng.

Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đe dọa các nước nghèoKhủng hoảng năng lượng ở châu Âu đe dọa các nước nghèo

TTO - Các nước châu Á đang đối mặt với sự cạnh tranh bất lợi khi châu Âu thu gom nguồn nhiên liệu để bù đắp cho nguồn năng lượng thiếu hụt từ Nga.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên