22/01/2024 08:05 GMT+7

Chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo: Cần nhưng quan trọng là cách làm

Các chuyên gia cho rằng cần có chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo. Tuy nhiên cách làm phải chính trực, công bằng, không biến nó thành sản phẩm có thể mua được.

Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ cho rằng cần tiếp tục “cởi trói” cho giáo viên để họ chuyên tâm với nghề. Trong ảnh: học sinh Trường THPT Lê Thánh Tôn, Q.7, TP.HCM tặng hoa chúc mừng thầy giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam - Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ cho rằng cần tiếp tục “cởi trói” cho giáo viên để họ chuyên tâm với nghề. Trong ảnh: học sinh Trường THPT Lê Thánh Tôn, Q.7, TP.HCM tặng hoa chúc mừng thầy giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam - Ảnh: NHƯ HÙNG

* PGS.TS Trần Thành Nam (phó hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội):

Cần thiết có chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo

Chứng nhận nghề nghiệp đối với nhà giáo có thể được xem như một giải pháp nghề nghiệp phục vụ hai mục tiêu, vừa giúp giáo viên trở thành nghề được định danh rõ ràng hơn vừa nâng cao chất lượng giáo viên, tính cạnh tranh của giáo viên khi cung cấp dịch vụ giáo dục cho cộng đồng.

Điều này đòi hỏi giáo viên phải cập nhật liên tục kiến thức nghề nghiệp, giữ phẩm chất đạo đức. Đó là khuôn khổ để giáo viên tự ý thức để bảo vệ danh xưng nhà giáo, bảo vệ quyền lợi của chính mình. Nếu ai cũng có thể làm thầy thì e rằng đào tạo của các trường sư phạm không còn hữu ích nữa.

Vì sao nhiều ngành nghề khác liên quan đến con người đã bắt buộc có chứng chỉ hành nghề? Bởi nó đòi hỏi sự chuẩn mực về kiến thức chuyên môn và đạo đức, không được làm sai. Để có những chứng chỉ này phải trải qua đánh giá, sàng lọc mức độ sẵn sàng hành nghề.

Chuyên môn có nhưng đạo đức con người không phản ánh được qua điểm số ở đại học. Kỳ kiểm tra cấp chứng chỉ kiểm tra sự chuẩn bị sẵn sàng về năng lực, phẩm chất của một người trước khi làm một công việc cụ thể.

Tại sao nhiều người khi nghe đến chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo thì phản ứng khi cho rằng đó là thêm một giấy phép con của ngành giáo dục? Tôi có thể hiểu được những phản ứng này bởi trước nay những chứng chỉ mà cơ quan quản lý giáo dục đưa ra dường như đánh vào túi tiền của giáo viên vốn đã eo hẹp.

Không nên hiểu chứng nhận nhà giáo là giấy phép con như chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, các chứng chỉ điều kiện như tin học trước đây. Do đó, cơ quan quản lý giáo dục khi thực hiện cấp chứng nhận nghề nghiệp cho nhà giáo phải làm chính trực, công bằng, chứ biến nó thành cái có thể mua được thì chỉ làm cho nhà giáo sợ hãi.

* TS Hoàng Ngọc Vinh (nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ Giáo dục và Đào tạo):

Giáo viên và học sinh đều có lợi

Ở hầu hết các quốc gia cần phải có giấy phép hoặc chứng nhận để trở thành giáo viên, đặc biệt là ở các trường công. Việc cấp phép này đảm bảo giáo viên đáp ứng các tiêu chí giáo dục và đào tạo cụ thể, chứng tỏ họ có khả năng giảng dạy và quản lý lớp học.

Giấy chứng nhận này phản ánh trình độ học vấn, kinh nghiệm thực hành giảng dạy, năng lực chuyên môn theo vị trí chức danh nghề dạy học, việc nâng cao năng lực qua các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ. Đôi khi giáo viên muốn có giấy chứng nhận này phải vượt qua các kỳ thi cấp giấy phép.

Việc cấp giấy chứng nhận hay giấy phép hành nghề phù hợp với chính sách đổi mới giáo dục và mang lại lợi ích cho cả giáo viên và học sinh. Giấy phép giảng dạy giúp đảm bảo rằng những người bước vào nghề có kiến thức và kỹ năng cần thiết để giáo dục học sinh một cách hiệu quả qua khả năng hiểu biết về môn học, phương pháp giảng dạy và kỹ năng quản lý lớp học góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục.

Ngoài ra, giấy chứng nhận này gắn với một bộ tiêu chuẩn chuyên môn và đạo đức mà các nhà giáo dục phải tuân thủ.

Với giấy chứng nhận này, cơ hội việc làm của giáo viên sẽ được cải thiện, có cơ hội tiềm năng nâng cao mức lương, uy tín nghề nghiệp, không dễ bị gây khó khăn sách nhiễu bởi cơ quan tuyển dụng. Kinh nghiệm nhiều quốc gia là giấy chứng nhận cần bao gồm các thành phần nhằm đảm bảo giáo viên hiểu rõ trách nhiệm của họ cũng như khuôn khổ pháp lý và đạo đức mà họ phải hoạt động trong đó.

Vấn đề ở đây có một số ý kiến cho rằng hầu hết giáo viên tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng sư phạm nghĩa là những người đã được đào tạo chuyên sâu về giáo dục, nay yêu cầu phải có giấy phép, điều này ban đầu có vẻ dư thừa.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy luôn tồn tại khoảng cách tiềm ẩn giữa năng lực đầu ra của người tốt nghiệp về mặt học thuật và kỹ năng giảng dạy thực tế. Nhiều kỹ năng thực hành sư phạm, ứng dụng công nghệ trong thiết kế bài giảng, giảng dạy, quản lý lớp học, ứng xử với học sinh và đồng nghiệp, giáo sinh ra trường còn thiếu hụt so với yêu cầu dạy học với sự đa dạng về cách học của học sinh, về nhu cầu vùng miền cụ thể.

Cần cẩn trọng

Tôi không phản đối việc học/thi và cấp giấy phép hành nghề nhưng cần phải xem xét việc học các môn trong các lớp huấn luyện có thể kết hợp trong chương trình đào tạo giáo viên hay không. Nếu kết hợp được thì không cần phải học và thi để có chứng chỉ nghề nghiệp.

Nên lưu ý là đất nước ta thực hiện cùng một luật pháp nên gần như không có sự khác biệt giữa các địa phương. Chúng ta cũng không có liên đoàn giáo dục. Các chứng nhận này cần phải giao cho các liên đoàn làm việc cấp phép hành nghề dạy học. Cần phải cẩn trọng khi ra một quyết định để không làm mất lòng dân.

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng

(nguyên hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM)

Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ phản đối

Phần lớn ý kiến bạn đọc Tuổi Trẻ cho rằng không cần thiết phải có thêm giấy chứng nhận nghề nghiệp.

Thăm dò bạn đọc trên Tuổi Trẻ Online - Đồ họa: N.KH.

Kết quả thăm dò bạn đọc trên Tuổi Trẻ Online - Đồ họa: N.KH.

Bạn đọc nhận định nhà giáo cần được xã hội tôn vinh từ chính cách đối xử, hành vi và các chính sách nhằm bảo vệ, tôn vinh nghề dạy học chứ không phải vì cái giấy chứng nhận nghề nghiệp.

Điều cần hơn hết lúc này là lương nhà giáo phải đủ sống, được tôn trọng và được cống hiến, bớt những áp lực bởi các cuộc thi, đánh giá... không thực chất chỉ vì chạy theo thành tích.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu cho thật kỹ xem nhà giáo còn cần những kiến thức, kỹ năng nào nữa rồi đưa cả vào giáo trình sư phạm. Sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm là đủ tư cách giảng dạy, vậy thôi.

Không ít bạn đọc cho rằng cơ quan quản lý giáo dục từng đưa ra nhiều quy định về chứng chỉ, nghiệp vụ cho giáo viên nhưng kết quả không tốt hơn. Suy cho cùng là giấy phép con, tạo thêm áp lực về thời gian, tiền bạc cho giáo viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải việc nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệpBộ Giáo dục và Đào tạo lý giải việc nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp

Theo bộ, giấy chứng nhận nghề nghiệp giúp việc hành nghề của giáo viên thuận lợi hơn, tôn vinh nhà giáo và theo thông lệ nhiều ngành nghề khác.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên