26/05/2011 07:19 GMT+7

Chứng khoán sụt giảm mạnh: Kết cục của "vung tay quá trán"

HẢI ĐĂNG
HẢI ĐĂNG

TT - Ngoài những khó khăn của kinh tế vĩ mô, việc đua nhau giải chấp của các công ty chứng khoán (CTCK) được xem là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm không phanh của chứng khoán VN hiện nay.

Đây cũng là hậu quả của việc lạm dụng quá nhiều nguồn vốn tín dụng để hỗ trợ khách hàng.

w36ir3Zn.jpgPhóng to
c3sU5U4L.jpg
Diễn biến thị trường chứng khoán VN từ đầu tháng 5 đến nay - Đồ họa: VĨ CƯỜNG - Ảnh: T.Đạm

Hiện chưa có số liệu cụ thể nào về nguồn vốn tín dụng đổ vào chứng khoán được công bố chính thức, ngoại trừ con số ước tính tổng dư nợ tín dụng chứng khoán đến cuối năm 2010 khoảng 10.000 tỉ đồng được Ngân hàng Nhà nước công bố. Tuy nhiên, số liệu từ báo cáo tài chính của các CTCK cho thấy con số này có thể cao hơn rất nhiều...

10 phiên liên tiếp rơi tự do

Trong phiên giao dịch ngày 25-5, với hơn 84% số mã chứng khoán giảm giá, VN-Index đã có một phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ ngày 26-11-2009 khi sụt giảm hơn 4,03% số điểm so với phiên giao dịch trước đó, đóng cửa ở mức 386,36 điểm.

Đây cũng là phiên thứ 10 liên tục VN-Index giảm điểm theo chiều thẳng đứng, mất tổng cộng 97 điểm. Thanh khoản tiếp tục sụt giảm mạnh với khối lượng khớp lệnh chỉ đạt chưa tới 29 triệu chứng khoán, giảm gần 12% so với phiên giao dịch trước đó và giá trị khớp lệnh giảm hơn 4,5%.

Tại sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index phiên này tiếp tục mất điểm phiên thứ 12 liên tục, đóng cửa ở mức 69,01 điểm, giảm 2,9 điểm (tương đương 3,99%).

Chạy đua xé rào

Đến nay, chưa có bất cứ văn bản pháp luật nào cho phép các CTCK cung ứng dịch vụ tín dụng cho nhà đầu tư. Ngay cả dự thảo về giao dịch ký quỹ, từng được hứa hẹn vào đầu năm 2010, hiện vẫn còn nằm trên bàn của các cơ quan quản lý.

Tuy nhiên trên thực tế nhiều CTCK đã hỗ trợ vốn cho khách hàng dưới nhiều hình thức, như ứng vốn ngày T+ (ứng trước tiền bán chứng khoán), cầm cố cổ phiếu..., đặc biệt là hợp đồng hợp tác đầu tư - một hình thức biến tướng của giao dịch ký quỹ.

Tại một số thời điểm, nhiều CTCK đã sử dụng các dịch vụ tài chính này như một công cụ chủ yếu để thu hút khách hàng, thậm chí lôi kéo khách hàng từ những CTCK đối thủ. Những CTCK nào cung cấp đòn bẩy (tỉ lệ cho vay) tài chính càng cao, càng lôi kéo được nhiều khách “sộp” đến mở tài khoản.

“Cuộc chiến giành thị phần môi giới vào năm 2009 thông qua những công cụ này từng khiến lãnh đạo một số CTCK không thèm nhìn mặt nhau, do bị lôi kéo khách hàng. Trên báo cáo tài chính của nhiều CTCK, ngay cả một số công ty đang có cổ phiếu niêm yết vẫn thông tin khá mập mờ về các khoản hỗ trợ tài chính này, nhưng vẫn cho thấy con số cực lớn.

Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính quý 1-2011 đã được công bố của 12 CTCK, tổng các khoản phải thu ngắn hạn đã xấp xỉ 12.000 tỉ đồng, do vậy nếu tập hợp hết báo cáo của hơn 100 CTCK đang hoạt động hiện nay con số sẽ còn cao hơn rất nhiều. Điều đáng nói là trong các khoản phải thu này, chiếm phần lớn từ nghiệp vụ hợp tác đầu tư.

Chẳng hạn trong hơn 625 tỉ đồng phải thu ngắn hạn của Công ty Chứng khoán SSI, khoản thu từ nghiệp vụ hợp tác đầu tư lên tới gần 444 tỉ đồng. Tương tự, con số này tại Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HCM) gần 604 tỉ đồng, trong số gần 732 tỉ đồng “phải thu ngắn hạn”. Tại Công ty CP chứng khoán Rồng Việt (VDS) hơn 463 tỉ đồng...

Riêng Công ty CP chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN (AGR), đơn vị dẫn đầu các CTCK về khoản phải thu ngắn hạn với hơn 7.000 tỉ đồng. Dù không phân loại cụ thể nhưng AGR cũng trích lập dự phòng khó đòi lên tới 326 tỉ đồng cho khoản này.

Căng thẳng giải chấp

Theo số liệu thống kê từ bản tin thị trường chứng khoán được Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM công bố hằng ngày, khối tự doanh của các CTCK thành viên của sàn liên tục bán ròng trong thời gian gần đây, thậm chí nhiều phiên khối lượng và giá trị bán ra của các CTCK cao gấp 3-5 lần so với số mua vào. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu của các CTCK hiện nay là bán giải chấp số chứng khoán trong các hợp đồng hợp tác đầu tư để thu hồi vốn.

“Các CTCK đang chịu sức ép rất lớn từ phía các ngân hàng về việc thu hồi vốn, khi thời hạn kéo giảm tỉ lệ dư nợ phi sản xuất (trong đó có chứng khoán) vào cuối tháng 6-2011 đang đến gần” - trưởng phòng phân tích một CTCK nói.

Tổng giám đốc một CTCK thừa nhận thay cho tâm lý “du di” như những thời điểm khó khăn trước đây, các CTCK hiện đang áp dụng chính sách “tiền trảm hậu tấu”, bán giải chấp ngay những cổ phiếu vẫn còn có thanh khoản nhưng giá trị sụt giảm đến ngưỡng an toàn, thay vì chờ liên hệ với khách hàng yêu cầu bổ sung tiền. Và khi thị trường càng sụt giảm, áp lực giải chấp càng lớn hơn. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu gần như mất thanh khoản và khách hàng đã “bỏ của chạy lấy người”, nên có muốn giải chấp cũng không thực hiện được, buộc CTCK phải ôm hàng.

Động thái mạnh tay giải chấp của các CTCK, bất chấp thanh khoản thị trường èo uột hiện nay, là hậu quả tất yếu của việc “vung tay quá trán” trong một thời gian dài trước đây. Chẳng hạn, một CTCK chỉ có vốn điều lệ hơn 1.000 tỉ đồng nhưng khoản vốn đầu tư tài chính ngắn hạn lên tới 7.100 tỉ đồng, trong đó có khoản hỗ trợ khách hàng dưới hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư (báo cáo tài chính năm 2010), chưa kể các khoản phải thu ngắn hạn khác.

Một CTCK khác bảo lãnh (ngắn hạn) tiền mua chứng khoán cho nhà đầu tư một khoản tiền lên tới gần 735 tỉ đồng, chưa kể các khoản phải thu khác và đầu tư tài chính ngắn hạn, trong khi vốn điều lệ của CTCK này chưa đến 1.000 tỉ đồng.

Trường hợp AGR cũng là một điển hình về chuyện “vung tay quá trán”, với các khoản phải thu ngắn hạn và khoản đầu tư tài chính ngắn hạn lên đến trên 7.690 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ của AGR chỉ hơn 2.100 tỉ đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài vốn tự có, nguồn vốn hỗ trợ khách hàng của các CTCK chủ yếu là vốn vay từ ngân hàng và một ít được huy động từ các doanh nghiệp có quan hệ làm ăn lâu dài hoặc các tổ chức tài chính khác. Do đó trong bối cảnh ngân hàng siết tín dụng chứng khoán hiện nay, hàng loạt CTCK rơi vào tình cảnh tiến không được mà lùi không xong.

Và chuyện ông Trương Duy Sơn - nguyên chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Hà Thành - bỏ trốn cùng với hàng trăm tỉ đồng của khách hàng và CTCK này là sự báo hiệu cho sự bắt đầu của thời kỳ khó khăn nhất của các CTCK.

HẢI ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên