13/01/2014 12:37 GMT+7

Khởi sự từ font tư liệu Hoàng Sa

TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN
TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN

TT - Tháng 11-2009, tôi và các đồng nghiệp ở Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Đà Nẵng bắt đầu triển khai đề tài “Font tư liệu về chủ quyền của VN đối với huyện đảo Hoàng Sa - thành phố Đà Nẵng”.

TMjyubpN.jpgPhóng to
Học sinh Đà Nẵng xem bản đồ Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa - Ảnh: Võ Văn Hoàng

Sau hơn một năm sưu tầm tư liệu ở trong và ngoài nước, nhóm nghiên cứu chúng tôi đã tiến hành phân loại, dịch thuật, thẩm định và số hóa các tư liệu đã thu thập, xây dựng thành font tư liệu về chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa, với dung lượng khoảng 1,2 GB. Font tư liệu bao gồm bốn thư mục: tư liệu thành văn, tư liệu bản đồ, tư liệu hình ảnh và tư liệu audio-visual, được Hội đồng khoa học công nghệ thành phố Đà Nẵng nghiệm thu và chuyển giao UBND huyện đảo Hoàng Sa quản lý, sử dụng vào cuối năm 2011.

Sưu tập bản đồ của Trần Thắng

Ngày 22-7-2012, báo Tuổi Trẻ đăng bài “Bản đồ toàn lãnh thổ Trung Quốc năm 1904: Không có Hoàng Sa, Trường Sa” giới thiệu tấm bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ do Trung Quốc ấn hành năm 1904 (do TS Mai Hồng sưu tầm và hiến tặng Bảo tàng Lịch sử VN) với chi tiết điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam, không hề có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN (mà Trung Quốc gọi là Xisha qundao và Nansha qundao). Hôm sau, tôi nhận được email của người bạn là Trần Thắng, chủ tịch Viện Giáo dục văn hóa VN tại Mỹ, báo tin là có nhiều bản đồ tương tự bản đồ của TS Mai Hồng đã công bố, do phương Tây xuất bản trong các thế kỷ 17-20, đang được rao bán trên mạng Internet. Anh đề nghị tôi thông báo tin này trên báo chí VN để những ai quan tâm có thể tìm mua những tấm bản đồ này. Anh cũng gửi cho tôi và cho TS Nguyễn Nhã một số file bản đồ đang rao bán để nhờ thẩm định giá trị của các bản đồ này.

Sau khi thẩm định những bản đồ do Trần Thắng gửi về, tôi và TS Nguyễn Nhã đề nghị Trần Thắng, nếu có điều kiện thì nên mua những bản đồ này, đồng thời đã thông báo đến các cơ quan chức năng ở VN những thông tin do Trần Thắng cung cấp. Một tháng sau, Trần Thắng lại báo tin là vừa phát hiện ba cuốn atlas, gồm atlas Trung Quốc địa đồ (do nhà Thanh xuất bản năm 1908) và hai atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ (do Chính phủ Trung Hoa dân quốc xuất bản năm 1919, tái bản năm 1933).

Trong các atlas này, toàn đồ lãnh thổ Trung Quốc luôn được vẽ đến cực nam của đảo Hải Nam. Trần Thắng gửi thông tin và hình ảnh về ba atlas này cho tôi và đề nghị TP Đà Nẵng bỏ tiền mua những atlas này. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên TP Đà Nẵng chỉ mua atlas 1933 với giá 3.000 USD. Hai atlas còn lại Trần Thắng bỏ tiền túi và vận động bạn bè quyên góp thêm để mua.

Ngày 27-11-2012, Trần Thắng lại gửi emai báo tin: “Đã thu thập được ba tập atlas và 150 bản đồ, gồm 110 bản đồ gốc và 40 bản đồ tái bản. Trong đó có một atlas do Phái bộ truyền giáo London in cho nhà Thanh vào năm 1908 và hai atlas do Chính phủ Trung Hoa dân quốc in năm 1919 và 1933. Các atlas này đều chỉ rõ giới hạn lãnh thổ cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Ngoài ra là 80 bản đồ do phương Tây in từ năm 1626 đến 1980 cũng xác nhận lãnh thổ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam; 50 bản đồ thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm sát lãnh thổ VN; 10 bản đồ hàng hải và 10 bản đồ tổng thể châu Á và Đông Nam Á có thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong vùng lãnh hải của VN”.

Anh cho biết thêm là sẽ trao tặng toàn bộ số bản đồ và atlas này cho Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng. Đây quả là tin vui quá lớn đối với chúng tôi, những người đã và đang xây dựng “font tư liệu” về chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Cuộc triển lãm bằng chứng chủ quyền

Ngày 20-1-2013, nhân kỷ niệm 39 năm ngày Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của VN, UBND huyện đảo Hoàng Sa, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng và báo Tuổi Trẻ đã tổ chức triển lãm giới thiệu những tư liệu lịch sử và bản đồ khẳng định chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa.

Nội dung triển lãm chủ yếu sử dụng nguồn tư liệu và bản đồ trong font tư liệu do chúng tôi thực hiện và sưu tập bản đồ do Trần Thắng vừa gửi từ Mỹ về. Triển lãm mở cửa trong một tháng, đón hơn 10.000 lượt người đến tham quan. Đây là cuộc triển lãm đầu tiên ở VN giới thiệu những tư liệu và bản đồ chứng minh VN đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa (và quần đảo Trường Sa). Cuộc triển lãm đã khích lệ tinh thần yêu nước, tạo hiệu ứng lan tỏa về ý thức chủ quyền biển đảo đến các tầng lớp nhân dân VN, mở đầu cho những đợt triển lãm quy mô được tổ chức ở Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Hà Nội, TP.HCM, Thừa Thiên - Huế, Thái Nguyên... trong suốt năm 2013.

Trong thời gian diễn ra triển lãm tại Đà Nẵng, Đài truyền hình TP.HCM (HTV) cử một nhóm phóng viên đến Đà Nẵng để đưa tin. Sau khi nghe giới thiệu nội dung các tư liệu và bản đồ được trưng bày tại triển lãm, nhà báo Lâm Thành Quý hỏi tôi: “Triển lãm trưng bày bản sao các tư liệu và bản đồ, vậy bản gốc ở đâu?”. Tôi cho hay: “Ngoài những bản đồ gốc do anh Trần Thắng cung cấp đang lưu giữ tại kho, phần lớn bản gốc của các tư liệu Hán văn, tư liệu phương Tây và bản đồ do phương Tây xuất bản trưng bày nơi đây đều thuộc về các thư viện, văn khố ở nước ngoài”.

Ông Lâm Thành Quý hỏi tiếp: “Vậy chúng ta có thể tiếp cận được những tư liệu và bản đồ đó không?”. Tôi đáp: “Tất nhiên, nếu chúng ta có cơ hội đi đến những thư viện, văn khố này”. Suy nghĩ một lúc, ông Lâm Thành Quý nói với tôi: “Trở về thành phố, tôi sẽ trình bày với lãnh đạo HTV về ý tưởng làm một bộ phim tài liệu với chủ đề đi tìm tư liệu chủ quyền biển đảo VN ở nước ngoài. Nếu được phê duyệt, tôi sẽ mời anh tham gia”.

Tưởng là nói chơi, ai ngờ hai tháng sau điều đó lại thành sự thật. Vậy là cùng với đoàn làm phim của HTV, tôi có cơ hội đi tìm những bằng chứng lịch sử về chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở nước ngoài mà tôi hằng ấp ủ trong mấy năm qua.

Trong các tư liệu thu thập được, tôi tâm đắc nhất là 95 bản đồ liên quan đến vấn đề chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là 56 bản đồ do các học giả phương Tây soạn vẽ và xuất bản trong các thế kỷ 16-19. Ngoài ra là sưu tập 102 tư liệu thành văn gồm sáu thứ tiếng: Anh, Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan do các nhà địa lý, nhà hàng hải và học giả phương Tây biên soạn và xuất bản trong các thế kỷ 17-19, đề cập hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và chủ quyền của VN đối với hai quần đảo này. Tuy nhiên, phần lớn bản đồ và tư liệu mà đề tài sưu tầm được đều là các bản sao, rất hiếm tư liệu gốc. Vì thế, dù đề tài đã kết thúc nhưng tôi vẫn luôn ao ước được đi một chuyến ra nước ngoài, đến các thư viện, văn khố, bảo tàng... là những nơi đang cất giữ các tư liệu này để “nhìn tận mắt, sờ tận tay” và xin quyền sao chụp và sử dụng các tư liệu này.

_______________

* Chúng tôi chủ trương sẽ kết hợp việc đi làm phim với việc tiếp tục sưu tầm thêm các tư liệu chứng minh chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa và Trường Sa tại nhiều nước thuộc nhiều châu lục. Điểm đến đầu tiên là nước Mỹ, nơi mà Trần Thắng cho biết đang lưu giữ nhiều tư liệu và bản đồ mà chúng tôi đang quan tâm.

Kỳ tới:Hành trình trên nước Mỹ

TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên