Phóng to |
Chỉ huy đảo Song Tử Tây kiểm tra tiến độ thi công nhà kính - Ảnh: Nguyễn Văn Nam |
Sau một tháng công tác, tiến sĩ Ngô Quang Vinh cùng các đồng nghiệp đã hỗ trợ dân và quân trên đảo lắp đặt xong hai nhà kính rộng gần 100 m2/cái. “Đợt làm hai nhà kính này gặp tới hai trận bão, một đợt áp thấp nhiệt đới nên mọi người rất vất vả. Bộ đội, nhân dân trên đảo đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiệt tình, cứ ngớt mưa là xắn tay làm ngay” - ông Vinh cho biết.
Sức sống
Làng quê Việt Nam Song Tử Tây bây giờ nhìn như một góc trang trại nhỏ của làng quê VN trong đất liền với đủ gà, vịt, bò, heo, ngỗng và nhiều cây trồng. Gần đây, các chiến sĩ ở đảo đã có thêm niềm vui mới: “Nhìn đàn bò chăm chỉ gặm những ngọn cỏ non mơn mởn sau mưa, những chú bê đang tung tăng bên mẹ, tôi thấy đảo thanh bình và gần với đất liền quá” - một chiến sĩ trẻ đảo Song Tử Tây tâm sự. |
Lần này ra đảo, đoàn công tác của tiến sĩ Vinh mang theo gần 60kg hạt giống của 17 loại rau, hoa và các loại hoa cây kiểng như hoa giấy, hoa sứ, hoa sống đời và một số cây cỏ trang trí khác. Đây là nguồn cây cảnh do Hội Sinh vật cảnh Bình Phước, Tây Ninh và Đoàn thanh niên khối Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn gửi tặng. “Năm nay chúng tôi vừa thử nghiệm vừa bổ sung các loại hoa mà đảo chưa có - tiến sĩ Vinh cho hay - Năm ngoái chúng tôi đưa hoa cúc ra, nay mấy bụi cúc trồng ở trước ban chỉ huy đảo đã nở bông đẹp lắm. Mấy cây cỏ trang trí mới trồng cũng có bông rồi”.
Đặc biệt, ngoài vật nuôi (gà, vịt, ngỗng), phân bón, giá thể, hạt giống, trong chuyến công tác này đoàn công tác của ông Vinh còn mang theo toàn bộ trang thiết bị của hai nhà kính hiện đại để lắp đặt trên đảo Song Tử Tây cùng 100 vòm lưới che mưa đồng bộ với 400 khay trồng rau để cung cấp cho các đảo chìm: Đá Nam, Đá Lát, Len Đao và Cô Lin. “Mục đích của chúng tôi là tạo phương tiện che chắn đảm bảo cả kỹ thuật và mỹ thuật, chịu được mưa gió lớn cho đảo để bộ đội trồng rau trong những tháng mùa mưa. Trường Sa thường mưa nhiều, gió lớn lại thêm bụi nước biển mặn nên trồng rau mùa mưa gặp nhiều rủi ro, năng suất rất thấp. Cho nên trồng rau trong nhà kính ở một số đảo nổi và trồng rau bằng khay có vòm che ở các đảo chìm là phương án tốt nhất. Chúng tôi hi vọng các phương tiện nói trên sẽ phát huy tác dụng tốt, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên một số đảo, trong đó có xã đảo Song Tử Tây” - tiến sĩ Vinh chia sẻ.
Năm 2011, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tặng đảo ba con bò giống lai Sind và khi dự án tiến hành đã cấp thêm cho đảo bốn con. Bò lai Sind là giống bò lai giữa bò Sind nhập nội và bò vàng VN nên chịu được kham khổ, vóc dáng to, nhiều thịt. “Mới hơn hai năm mà từ bảy con bò lai Sind đã có bốn con bê rồi. Con nào con nấy đẹp như trong tranh. Từ nay đến cuối năm sẽ có bốn con bê nữa. Tôi khá bất ngờ vì trong điều kiện khó khăn nhưng sức sống của chúng rất mãnh liệt. Mùa khô không có cỏ tươi, chúng ăn lá khô, giấy, bìa cactông..., những thứ mà bò trong bờ hầu như chả bao giờ ăn. Vậy mà ở đây chúng vẫn khỏe, vẫn tốt, vẫn sinh sôi nảy nở. Đây là một trong những điểm thành công của dự án” - ông Vinh phấn khởi nói.
Mở rộng trồng trọt, chăn nuôi
Dự án “Sản xuất thử nghiệm một số giống cây trồng, vật nuôi ở quần đảo Trường Sa” do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn giao Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam thực hiện là một trong những hoạt động nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nơi biển đảo tiền tiêu. Theo dự án, thời gian bắt đầu từ năm 2012-2014 với mục tiêu sản xuất thử nghiệm và mở rộng sản xuất một số loại cây trồng, vật nuôi thích hợp, góp phần tự túc được một phần rau xanh, thực phẩm và tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp tại một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa; trong đó xây dựng một số nhà kính (nhựa polycarbonate) dùng trồng rau quanh năm ở thị trấn Trường Sa và hai xã đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, diện tích khoảng 200m2 mỗi đảo, cung cấp cho bốn đảo chìm 300 vòm lưới để trồng rau trong mùa mưa; nuôi các loại gia cầm như vịt, gà, ngỗng trên các đảo nổi; nuôi bò lai Sind trên đảo Song Tử Tây; trồng thử nghiệm một số loại hoa sứ, cúc, sống đời và hoa giấy.
Dự án triển khai từ tháng 3-2012 tại đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây và hai đảo chìm Đá Lát, Đá Nam. “Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cũng tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân về kỹ thuật. Hiệu quả bước đầu đã góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nơi đây. Năm 2013, dự án đang tiếp tục triển khai phần việc còn lại trên các đảo và xã đảo” - thượng tá Nguyễn Mạnh Cường, chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây, cho biết.
“Đến nay tổng cộng đã sáu lần ra Trường Sa, có lần say sóng kiệt sức nhưng âu cũng là cái duyên với Trường Sa. Tôi vẫn coi mình là sứ giả đã và đang chuyển tình cảm, trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đến với bộ đội và người dân nơi đảo xa. Năm 2014 chúng tôi lại sẽ ra Trường Sa tiếp tục triển khai dự án. Tôi chỉ mong sao các tổ chức, cá nhân tiếp tay cùng chúng tôi ủng hộ nhiều vật tư cho bộ đội và nhân dân trên đảo để đảo có điều kiện trồng trọt, chăn nuôi tự túc được tốt hơn. Phân bón, giá thể, bồn chứa nước, rơm khô (nén chặt) làm thức ăn cho bò, thóc làm thức ăn cho gà vịt và cả... hoa nữa đang là những thứ đảo rất cần” - tiến sĩ Vinh gửi gắm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận