![]() |
Hai cha con tác giả Lê Hồng Quang và cái bắt tay chúc mừng của đại diện Hãng hàng không Qatar (ảnh chụp tối 26-2-2011 tại sân bay Tân Sơn Nhất) - Ảnh: Hồ Văn |
Kỳ 1: Kẹt trong “nút thắt”
Thảm cảnh sân bay
Cứ thế tiến ba bước lại bị đẩy lùi hai bước. Cái cánh cửa hẹp chỉ cách 10 bước chân thôi mà không thể tiến gần. Có tiếng hét thất thanh, có tiếng gào khóc thảm thiết. Đôi lúc tôi cảm thấy kiệt sức, trời mưa, kính nhòe, người đau ê ẩm. Rất may là Mike ở đằng sau thì đẩy, còn tôi cố bám vào cậu lái xe. Tôi đã nhìn thấy cánh cửa rồi! Chỉ còn ba bước chân thôi. Thì ra cánh cửa chỉ đủ lọt một người, trong khi đó hàng nghìn người gào thét giẫm đạp lên nhau đòi vào. Thật ra chúng tôi là những người có vé, còn những người Ai Cập đứng đó đòi vào nhưng không ai có vé cả. Hai tay cảnh sát cầm dùi cui vụt tới tấp vào những người đứng ở cửa. Hai bạn lái xe hét thật to cái gì đó bằng tiếng Ả Rập (mà sau này bạn nói là họ hét “Chúng tôi là người Libya, cho chúng tôi vào”), cánh cửa hẹp mở ra một chút, tôi lao vào. Rồi Mike, rồi Nigel, rồi một bạn lái xe...Trước mặt tôi, một người đàn ông nằm ngửa sõng soài bất động trên nền gạch lạnh, hình như bị đạp lên rồi ngạt thở chết!
Trong sân bay, trai gái, già trẻ, tây ta, Âu Á đứng ngồi lố nhố, nằm la liệt trên sàn, một cảnh hỗn độn kinh khủng. Sau khi hoàn hồn, chúng tôi còn gặp hai thử thách nữa, một là làm thủ tục đăng ký bay và hai là qua cửa hải quan. Lúc này khoảng 5g15 chiều.
Mike nhanh chân làm thủ tục với Air Malta, chẳng có thông tin gì cả ngoài việc là máy bay chắc chắn đến trễ, sớm nhất thì sáng mai mới bay được.
Lúc này có một cô làm ở Đại sứ quán Anh nói chuyện với hai anh bạn người Anh là Nigel và Mike. Cô ta nói sẽ có máy bay đặc biệt bay từ London sang, nếu ai có quốc tịch Anh sẽ được bay. Tôi và Harun nhìn nhau lo lắng. Cô ta còn nói có chỗ ngồi tốt trên tầng 4, ít người biết, các bạn nên lên đó ngồi chờ. Chúng tôi lục tục kéo nhau lên. Hay thật, trên này sạch sẽ, cũng bán đồ ăn, sao tôi ở đây bốn năm rồi mà không biết chỗ này nhỉ? Harun và tôi tranh thủ mua đồ ăn, ít cơm với rau sống, một miếng cá và một chai nước.
11 giờ đêm, chúng tôi xuống làm thủ tục. Lại phải vượt một rừng người, cảm giác vừa rồi lại làm tôi sợ. Thủ tục xong, vé chỉ ghi tên, không ghi thời gian bay. “Quay lại Tripoli khi tình hình ổn định chứ Quang?” - Harun hỏi. “Không!”- tôi trả lời dứt khoát.
Cuộc đời lung linh
Ngày 24-2-2011. Xếp hàng vào làm thủ tục hải quan. Tôi thấy căng thẳng vì xếp hàng mà chẳng thấy di chuyển. Thỉnh thoảng lại thấy cảnh sát dẫn một nhóm người vào trước. Trong lúc xếp hàng, có anh bạn người Malta mới thoát chết từ khu vực Benghazi về kể rằng bị gí súng vào đầu hai lần, đi bộ hàng chục cây số, chứng kiến mấy người bị giết... Cuối cùng cũng thoát qua được cửa hải quan, cậu đóng dấu hỏi: “Trung Quốc à?”. Tôi nói: “Việt Nam!” thật to. Bạn cũng vui và cười to.
Phòng chờ bé, họ hút thuốc, tôi cảm thấy như bị xông khói. Chẳng có ghế ngồi, sàn nhà bẩn kinh khủng, rác rưởi, nước nôi, tàn thuốc đen kịt. Harun nói nếu mình không bay được thì cũng chết vì mất vệ sinh thôi, bệnh tật sẽ phát sinh vì sân bay quá bẩn. Người ta xếp hàng rồng rắn để đi vệ sinh, lúc này cảnh sát phải can thiệp để mọi người khỏi chen nhau. Nhà vệ sinh bốc mùi nồng nặc, phân, nước tiểu khắp sàn. Nói chuyện quanh quanh thì biết có đám người Bosnia đã ở đây tới ngày thứ ba mà không đi được.
Suốt thời gian chờ đợi chúng tôi không có gì ăn uống, rất may Nigel mang được một chai nước loại 1 lít. Cứ khoảng hai giờ Nigel lại cho mỗi người một ngụm. Phải dành dụm để đến khi bay được, Nigel nói. Nigel còn úp mở là còn ba cái bánh xốp nhỏ, nhưng chỉ đưa ra khi cần thiết thôi. Tới 5 giờ sáng Harun đói quá nói: “Thôi Nigel, chúng ta tổ chức ăn tiệc, tôi không chịu được rồi!”. Nigel mặt vênh váo nói: “Thế cậu có bao giờ ăn ban đêm không?”. Harun nói: ”Ngủ thì sao ăn”. “Chính xác!” - Nigel nói giờ là ban đêm nên không thể chia thức ăn. Tuy nhiên nói thế thôi chứ Nigel cũng móc ra một cái, Harun chộp ngay, lại một cái nữa Nigel đưa cho tôi, còn cái cuối cùng Nigel chia cho Mike...
8 giờ, loa thông báo, tôi nghe thấy cái gì Malta ấy, nhưng không biết gì vì họ nói bằng tiếng Ả Rập. Một tia hi vọng lóe lên cho cả bọn, Mike cũng nói đúng có chữ Malta, còn Nigel bị điếc mà không đeo trợ thính nên chẳng nghe được gì. Lần thứ hai cách khoảng năm phút họ nói tiếng Anh, mời những khách trên chuyến bay Malta lên máy bay. Chúng tôi nhảy cẫng lên vui sướng. Tuy nhiên khi quay lại thấy gương mặt những bạn Bosnia sắt lại đăm chiêu, thất vọng, hết cười! Trễ máy bay đi Rome rồi, mà trễ đi Rome thì sẽ trễ luôn máy bay đi Doha và TP.HCM. Nhưng thôi kệ, cứ bay ra khỏi đây đã.
11g10 máy bay mới cất cánh. 45 phút sau chúng tôi tới Malta. Đó là một đất nước bé tí.
Tôi hi vọng sẽ được đi chuyến 2 giờ chiều đến Rome, nhưng rốt cuộc phải đi chuyến 5 giờ chiều. Có khoảng 100 người châu Á xếp hàng xin visa (chủ yếu là Philippines và Indonesia). Cảnh sát hỏi tôi quốc tịch gì, khi biết Việt Nam họ bỏ đi. Nhân viên hàng không thì nói không thể cho tôi bay vì không có visa. Tôi nói tôi có vào Malta đâu mà cần visa? Tới 2 giờ chiều bất ngờ cảnh sát gọi: “Ai là người Việt Nam duy nhất ở đây?”. Tôi chạy như bay tới đó!
Vào phòng chờ, bất ngờ gặp hai người bạn làm chung với tôi ở RWE, công ty năng lượng của Đức, cũng ở Tripoli từ năm 2007 - 2010. Trước khi chia tay, lại ôm nhau và đây có lẽ là lần đầu tiên chúng tôi ôm nhau sau bốn năm làm việc chung.
Tôi tới Rome lúc 6 giờ tối. Ngủ gà ngủ gật ở cái ghế sân bay từ 8 giờ tối. Có một tin mừng là chỗ cho chuyến bay ngày mai vẫn còn, song không đăng ký được vì Qatar nghỉ buổi tối. Tôi mua ít bánh và nước ngọt để nhấm nháp.
Ngày 25-2-2011. Sáng 4 giờ tỉnh dậy, khật khờ đi ra bảng thông báo, chuyến bay đi Doha khởi hành lúc 11g10, vui! Cuối cùng thì Hãng Qatar cũng mở cửa, trình bày cụ thể cho cô gái Ý xinh đẹp, cô rất thông cảm vì biết tôi về từ Tripoli và vé được đăng ký về TP.HCM thuận lợi. Cô nói rất tiếc là không giúp tôi xin visa vào ngủ đêm ở Doha. Tôi giả vờ chán nhưng trong thâm tâm thấy bình thường. Mình đã qua một đêm từ cõi chết thì thêm một đêm nằm ở sảnh của Qatar Airways tại Doha có khác gì mình được lên tiên?
Cuộc đời bây giờ lung linh thế!
______________________
Đón đọc số tới:
Từ Lý Tự Trọng đến những trang sử Đoàn
Anh hùng Lý Tự Trọng hi sinh ở tuổi 17 nhưng lẽ sống của anh đã trở thành ngọn lửa thắp sáng hành trình 80 năm qua của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Tuổi Trẻ đã ngược lại hành trình ấy với bộ phim tài liệu Người tiếp lửa...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận