06/09/2013 14:46 GMT+7

Phòng khám Apollo vẫn "hé cửa" đón khách

L.TH.H. - G.MINH - T.DƯƠNG - M.MẪN
L.TH.H. - G.MINH - T.DƯƠNG - M.MẪN

TT - TS.BS Bùi Minh Trạng - chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM - cho biết dự kiến hôm nay (6-9), thanh tra Sở Y tế ra quyết định xử phạt đối với phòng khám Apollo (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1).

* Đi du lịch nhưng hành nghề khám chữa bệnh

Thanh tra phòng khám, “bác sĩ” Trung Quốc trốn lên trần nhà!Bị kiểm tra, thầy thuốc Trung Quốc chạy trốn tán loạn

GWlC8EZp.jpgPhóng to
Phòng khám Apollo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phòng khám Apollo thuộc Công ty TNHH y tế Apollo, do Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM cấp phép lần đầu năm 2011, đăng ký thay đổi lần thứ 5 trong năm 2012, do ông Vòng Viễn Hải (30 tuổi, ngụ Đồng Nai) làm đại diện pháp luật. Về chuyên môn, phòng khám được Sở Y tế TP cấp chứng chỉ hành nghề ngày 16-8-2012 và cấp giấy phép hoạt động ngày 26-12-2012 cho bác sĩ Vũ Thanh Tùng. Riêng nhà thuốc của phòng khám thì được Sở Y tế TP cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn GPP (thực hành tốt nhà thuốc) và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc cho dược sĩ Nguyễn Thị Tuyết Vân.

A2mZtdMm.jpgPhóng to
Trần nhà - nơi “bác sĩ” Trung Quốc ở phòng khám Apollo lẩn trốn đoàn thanh tra Sở Y tế TP.HCM - Ảnh: T.Dương

Không thể tước giấy phép vĩnh viễn

"Những vi phạm của các phòng khám và bác sĩ dù nghiêm trọng đến đâu thì biện pháp chế tài cao nhất hiện nay chỉ là phạt tiền theo khung và đình chỉ có thời hạn không quá một năm. Với quy định xử phạt như vậy là không đủ sức răn đe"

Luật sư HÀ HẢI (Đoàn luật sư TP.HCM)

Theo TS.BS Bùi Minh Trạng, những vi phạm được xác lập tại phòng khám này gồm: khám chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn, áp dụng các phương pháp điều trị chưa được cho phép, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành. Ngoài ra, phòng khám còn quảng cáo quá phạm vi chuyên môn được phép làm, bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề tham gia hành nghề, thu giá dịch vụ khám bệnh khi chưa niêm yết giá, không thực hiện làm hồ sơ bệnh án theo dõi bệnh nhân theo đúng quy định.

Với những vi phạm như vậy, thanh tra Sở Y tế sẽ áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép hoạt động của phòng khám này 12 tháng, đồng thời đề xuất giám đốc Sở Y tế xử phạt hơn 70 triệu đồng. Thanh tra sở cũng đề xuất Sở Y tế phạt ba người Trung Quốc là Yang Hui Li, Luo Hong Yong và Cai Bao Gui mỗi người 12,5 triệu đồng vì không có chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn hành nghề.

Đối với bảy bác sĩ Việt Nam đứng tên phụ trách chuyên môn tại phòng khám nhưng không có mặt tại hai lần thanh tra Sở Y tế đến kiểm tra, nếu xác lập được vi phạm cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề thì sẽ bị xử phạt 12,5 triệu đồng/người và bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chín tháng đối với mỗi cá nhân. Về nhà thuốc của phòng khám, thanh tra Sở Y tế đề xuất phạt 12,5 triệu đồng và tước chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc trong chín tháng.

Theo TS.BS Bùi Minh Trạng, ở phòng khám có nhiều chuyên khoa không có người Trung Quốc tham gia, nên chưa thể kết luận được những bác sĩ đứng tên phụ trách chuyên môn có cho thuê bằng hay không. TS.BS Trạng còn nói quy định xử phạt vi phạm hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh không có điều khoản nào cho phép tước giấy phép vĩnh viễn, chỉ có tước giấy phép từ 6-12 tháng. Thường những phòng khám bị tước giấy phép hoạt động 12 tháng sẽ đóng cửa nơi cũ và xin giấy phép hoạt động ở một nơi khác. Phòng khám Apollo cũng đã thông báo với Phòng quản lý dịch vụ y tế tư nhân (Sở Y tế) là đóng cửa hoạt động vĩnh viễn.

Hé cửa đón bệnh nhân

Theo ghi nhận, trưa 5-9 phòng khám đa khoa Apollo chỉ hé mở cửa chính đủ cho một người đi qua và từ chối tiếp nhận bệnh nhân. Theo một số người dân, từ sau hôm bị báo chí đưa tin về những sai phạm mà cơ quan chức năng phát hiện, người đến đây khám giảm hẳn.

Trưa qua, chúng tôi đến phòng khám thì bảo vệ hỏi: “Đến tái khám hay sao? Nếu tái khám, cho biết tên tuổi, bác sĩ điều trị. Còn nếu mới tới lần đầu thì hôm nay nghỉ rồi”. Chúng tôi trả lời là tái khám. Bảo vệ gọi điện thoại nói bằng tiếng Hoa thông báo cho phòng khám. Năm phút sau, một nữ nhân viên xuống hỏi chúng tôi tất cả thông tin về lần khám trước đó. Qua tất cả các khâu này, nhân viên này dẫn chúng tôi lên tầng 2. Tại đây, một người tự xưng là bác sĩ người Trung Quốc cùng một người phiên dịch tiếp bệnh nhân. Sau một hồi dò hỏi và phát hiện không phải bệnh nhân từng khám ở đây, “bác sĩ” này nói: “Đau lưng thì phải chụp X-quang mà ở đây không có máy. Nên đi chỗ khác chụp và chữa trị luôn đi. Không khám nữa”.

Khoảng 30 phút sau, thêm một bệnh nhân nữ đến tái khám ở phòng khám này. Bảo vệ cho biết hôm nay phòng khám nghỉ. “Giờ chưa biết khi nào khám lại, cô đưa số điện thoại cho tôi, khi nào hoạt động trở lại tôi gọi cho” - bảo vệ nói.

Trao đổi về hoạt động của phòng khám Apollo, ông Nguyễn Đình Nam, phó chủ tịch UBND P.Nguyễn Cư Trinh, nói: “Với quyền hạn của phường, chúng tôi chỉ kiểm tra về mặt hành chính như: hợp đồng lao động, giấy tờ tùy thân, phòng cháy chữa cháy... Thiếu cái gì chúng tôi phạt đến đó. Từ trước đến nay, chúng tôi chỉ làm được đến thế. Còn việc kiểm tra về mặt hoạt động có đúng những mục đăng ký với Sở Y tế thì chúng tôi không biết và cũng không có cơ sở kiểm tra”. Theo ông Nam, tất cả sai phạm của phòng khám Apollo phường chỉ nắm được thông tin qua báo chí. Trước khi thanh tra Sở Y tế vào cuộc, phường chưa từng cùng đơn vị nào kiểm tra phòng khám này. Ông Nam còn nói không chỉ phòng khám Apollo, phường chỉ biết các phòng khám “mọc lên” trên địa bàn khi thấy nó xuất hiện trên con đường nào đó.

Đi du lịch nhưng hành nghề khám chữa bệnh

Chiều cùng ngày, thượng tá Phạm Ngọc Tiến - phó trưởng Phòng quản lý xuất nhập cảnh (PA72) Công an TP.HCM - cho biết đã có văn bản đề xuất ban giám đốc Công an TP về hình thức xử lý đối với nhóm người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh tại phòng khám Apollo. Theo đó, bốn người nước ngoài sẽ bị xử phạt 15 triệu đồng về hành vi hành nghề trái phép. Riêng sáu người nước ngoài khác bị phát hiện có mặt trong phòng khám nhưng không chứng minh được việc hành nghề khám chữa bệnh thì bị phạt 1,25 triệu đồng về hành vi không khai báo tạm trú theo quy định. PA72 cũng đề xuất buộc xuất cảnh và cấm nhập cảnh trở lại với nhóm người này.

Theo tìm hiểu, 10 “bác sĩ” có mặt trong phòng khám khi đoàn kiểm tra ập vào đều nhập cảnh theo thị thực diện du lịch với thời hạn ba tháng do cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Hong Kong và Nam Ninh (Trung Quốc) cấp. Trong số 10 người, có tám người làm việc và sống tại khu vực phòng khám, hai người sống bên ngoài. Toàn bộ nhóm người này không ai có giấy phép lao động tại Việt Nam theo quy định.

Trả lời câu hỏi vì sao cả chục người nước ngoài hành nghề khám chữa bệnh, sống trong khu vực phòng khám mà công an địa phương không phát hiện, một lãnh đạo Công an P.Nguyễn Cư Trinh cho biết: “Khu vực có phòng khám khá ổn định về an ninh trật tự, chúng tôi đã sắp xếp cho một cán bộ mới ra trường làm cảnh sát khu vực nên công tác nắm tình hình có bị chậm trễ. Chúng tôi từng kiểm tra hành chính về công tác phòng cháy chữa cháy, khách lưu trú nhưng không phát hiện ở đó có người nước ngoài”.

Quá nhiều sai phạm

So với giấy phép được cấp, phòng khám Apollo có quá nhiều sai phạm. Thực tế kiểm tra ngày 29-8 cho thấy ở đây có ba người Trung Quốc là bà Yang Hui Li, ông Luo Hong Yong và ông Cai Bao Gui đang khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Thanh tra Sở Y tế đã làm biên bản xác lập hành vi “hành nghề không có chứng chỉ hành nghề” đối với ông Luo Hong Yong và ông Cai Bao Gui.

Tuy không được phép nhưng phòng khám vẫn tùy tiện nhận điều trị xuất tinh sớm cho bệnh nhân Nguyễn Thanh X. (37 tuổi), điều trị liệt dương bằng máy trị liệu bước sóng ngắn cho bệnh nhân Nguyễn Văn T. (59 tuổi), thông ống dẫn trứng cho bệnh nhân Nguyễn Thị Thùy T. (24 tuổi); áp dụng các kỹ thuật chữa bệnh chưa được phép như các thiết bị trị liệu hồng quang, máy trị liệu bước sóng ngắn...

L.TH.H. - G.MINH - T.DƯƠNG - M.MẪN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên