20/04/2013 07:52 GMT+7

Công bố dịch H5N1 đối với chim yến

DUY THANH - CÔNG HOÀNG - VĂN KỲ
DUY THANH - CÔNG HOÀNG - VĂN KỲ

TT - Sáng 19-4, chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã công bố dịch cúm gia cầm H5N1 trên đàn chim yến nuôi tại rạp hát Thanh Bình (P.Đạo Long, TP Phan Rang - Tháp Chàm) của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Yến Việt.

Trong tháng 4-2013, kiểm tra H5N1 tất cả nhà nuôi yến ở TP.HCMBộ đề nghị công bố dịch, Ninh Thuận chưa chịuNinh Thuận công bố dịch cúm gia cầm trên đàn chim yến

q9e7Al3G.jpgPhóng to
Cơ quan Thú y tỉnh Ninh Thuận vào khu vực nuôi yến để tiêu hủy tại rạp hát Thanh Bình (P.Đạo Long, TP Phan Rang - Tháp Chàm) - Ảnh: TIẾN THÀNH

Có khoảng 15 nhân viên của Chi cục Thú y Ninh Thuận và một số nhân viên của nhà nuôi yến có mặt tại rạp hát Thanh Bình, tất cả đều mặc đồ bảo hộ phòng chống dịch. Trong khi một tốp bắc thang để thu các tổ yến bỏ vào thùng xốp niêm phong thì các nhóm khác pha trộn hóa chất chuẩn bị phun xịt khử trùng trong nhà nuôi yến. Ở ngoài nhà hát, công an yêu cầu những người bán bánh mì, quán cóc, thợ sửa xe... rời khỏi vị trí, không được buôn bán và đến gần khu vực này.

Tiêu hủy 10.000 con yến

Ông Trần Quốc Nam - người phát ngôn UBND tỉnh Ninh Thuận - cho hay: “Đến ngày 19-4, tỉnh chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về hướng xử lý đối với đàn chim yến tại cơ sở nuôi đã công bố dịch. Trước mắt tỉnh chỉ đạo thực hiện việc tiêu hủy đàn yến theo ba bước: đầu tiên là hủy toàn bộ yến non và trứng; tiếp theo sẽ tiêu diệt những con yến không đi ăn vào ban ngày do sức khỏe yếu, đồng thời phun thuốc tiêu độc khử trùng nhà nuôi; cuối cùng, những con yến trưởng thành nếu còn sống được trong môi trường đã khử trùng thì cơ quan thú y sẽ giám sát, kiểm tra xem có mắc bệnh hay không mới xử lý tiếp”.

Theo ông Nguyễn Hữu Phước - chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Ninh Thuận, nhà nuôi yến này hiện có khoảng 100.000 con chim yến trưởng thành. “Tính đến chiều 19-4, sau khi phun thuốc tiêu độc khử trùng, khoảng 10.000 con chim yến đã chết tại rạp hát Thanh Bình” - ông Phước nói. Riêng số tổ yến thu hoạch tại đây, cơ quan thú y yêu cầu Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Yến Việt xử lý nhiệt để triệt tiêu mầm bệnh (nếu có), sau đó thú y sẽ kiểm tra, nếu thấy không có mầm bệnh mới cho phép đưa những tổ yến này ra thị trường.

Ông Nguyễn Xuân Bình - giám đốc Cơ quan Thú y vùng 6 (Cục Thú y) - cho hay Ninh Thuận là nơi đầu tiên ở nước ta công bố dịch cúm gia cầm trên chim yến nuôi. “Đây là một quyết định cần thiết, thể hiện quyết tâm phòng trừ dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp ở VN” - ông Bình nói. Trước đó, trong cuộc họp với UBND tỉnh Ninh Thuận hôm 16-4, Cơ quan Thú y vùng 6 đề nghị tỉnh công bố dịch ở hai cơ sở nuôi, ngoài cơ sở ở rạp hát Thanh Bình, còn có nhà nuôi của bà Nguyễn Mỹ Hải (cũng ở P.Đạo Long, cách rạp hát Thanh Bình khoảng 50m) - nơi phát hiện một con chim yến chết dương tính với virút H5N1 hôm 10-4. Tuy nhiên, UBND tỉnh Ninh Thuận không công bố dịch cúm gia cầm tại nhà nuôi của bà Hải. Giải thích điều này, ông Trần Quốc Nam cho hay: “Con chim yến chết ở nhà nuôi của bà Hải được phát hiện ngoài bậu cửa chứ không phải trong nhà nuôi nên chưa khẳng định đây là chim yến của cơ sở này hay từ nơi khác đến. Từ ngày 10-4 đến nay, qua giám sát của thú y thì nhà nuôi của bà Hải không có yến chết, các xét nghiệm mẫu yến sống, tổ yến, phân yến đều âm tính với virút H5N1 nên tỉnh không công bố dịch”.

Chưa có chính sách hỗ trợ

Chiều 19-4, bà Đặng Phạm Minh Loan - tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Yến Việt - nói doanh nghiệp đã hợp tác với chính quyền và cơ quan chức năng để tiêu độc, khử trùng, hủy đàn yến bị phát hiện mắc virút cúm A/H5N1 tại rạp hát Thanh Bình. “Đàn yến đã được gầy dựng và chăm sóc suốt mười năm qua, chúng tôi ước tính giá trị hàng chục tỉ đồng. Chúng tôi chắc chắn sẽ có đối thoại với chính quyền và cơ quan chức năng để đề nghị hỗ trợ nhằm giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp”.

Theo ông Trần Quốc Nam, tỉnh Ninh Thuận cũng có đề xuất Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xem xét đề ra mức hỗ trợ cho cá nhân, tập thể nuôi chim yến phải tiêu hủy do dịch cúm A/H5N1, nhưng bộ chưa trả lời. Ông Nguyễn Xuân Bình nói rằng cho đến nay VN chưa có quy định nào về hỗ trợ người nuôi chim yến phải tiêu hủy đàn vì dịch bệnh. “Nuôi chim yến là nghề tự phát, chưa được cấp phép, bởi vậy việc xác định giá trị đầu tư cho chim yến thế nào là rất khó khăn” - ông Bình nói.

TP Biên Hòa: bất chấp lệnh cấm, nhiều cơ sở vẫn nuôi yến

Cho dù đã có văn bản từ UBND TP Biên Hòa (Đồng Nai) yêu cầu cấm nuôi chim yến trên địa bàn, nhưng nhiều hộ dân vẫn bất chấp, tiếp tục nuôi trước nguy cơ dịch cúm gia cầm đang lây lan từ loài chim này.

Có mặt tại một ngôi nhà ba tầng nằm cuối khu phố 1, phường Bửu Long, chúng tôi thấy chim yến bay về rất nhiều. Bà Lê Kim Minh, nhà cạnh cơ sở nuôi chim yến trên, cho biết chiều chiều khoảng 17g yến bay về rất nhiều. “Không hiểu sao chính quyền địa phương đã có yêu cầu ngưng việc nuôi chim yến rồi mà các gia đình này vẫn bật âm thanh dụ yến về” - một người dân bức xúc.

Theo ghi nhận của chúng tôi, riêng tại khu phố này có đến năm cơ sở nuôi yến đang hoạt động công khai, nhà thường được đóng kín mít. Theo bà Lê Thị Thu Tâm - chủ tịch UBND phường Bửu Long, sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND TP Biên Hòa về việc ngưng nuôi chim yến, UBND phường đã đến từng nhà thông báo và vận động ký cam kết về việc ngưng nuôi chim yến. Tuy nhiên, một số gia đình chưa chịu ký bản cam kết và tiếp tục nuôi, UBND phường đã có báo cáo lên cấp trên để có hướng giải quyết vấn đề này”.

Ông Trần Văn Quang, chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết hiện nay Đồng Nai vẫn chưa phát hiện mầm bệnh cúm A/H5N1 trên chim yến. Ông Quang cũng nói toàn tỉnh có 136 cơ sở nuôi chim yến (nội ô TP Biên Hòa có 14 cơ sở) nên nguy cơ phát dịch là có.

(NGÔ THIÊN PHÚC)

Long An: chim yến chết không phải do cúm H5N1

Ngày 19-4, ông Đinh Văn Thế - chi cục trưởng Chi cục Thú y Long An - cho biết các mẫu xét nghiệm của ba con chim yến chết tại cơ sở nuôi trên đường Hùng Vương, TP Tân An đều âm tính với virút cúm A/H5N1. Sau vụ chim yến chết giữa TP Tân An, UBND TP Tân An đã thống nhất quyết định vận động các hộ dân đang nuôi chim yến tự phát trong nội thành phải có biện pháp di dời các cơ sở nuôi ra khỏi khu vực dân cư càng sớm càng tốt.

(SƠN LÂM)

DUY THANH - CÔNG HOÀNG - VĂN KỲ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên