"Tôi cho rằng vụ việc ở trại tạm giam công an tỉnh phải xử lý theo quy định của pháp luật, không thể làm khác" - đại tá Phan Hữu Thúy, trưởng phòng tham mưu, người phát ngôn Công an tỉnh Sóc Trăng - Ảnh: H.LỘC |
Theo tìm hiểu, vi phạm xảy ra tại trại tạm giam Công an tỉnh Sóc Trăng kéo dài trong nhiều năm, tới tháng 7-2015 mới bị phát hiện nhưng xử lý chưa tới nơi tới chốn khiến cán bộ, chiến sĩ bức xúc.
Lấy kinh phí để... tiếp khách
Theo tìm hiều, từ tháng 9-2011 đến tháng 9-2015, đại tá Nguyễn Văn Hai làm giám thị trại giam Công an tỉnh Sóc Trăng (PC81B, hiện là trưởng Công an huyện Kế Sách, Sóc Trăng).
Trong khoảng thời gian ông Hai làm giám thị, đại úy Lưu Văn An được phân công phụ trách nhiều việc như thủ quỹ, kế toán kiêm nhiệm quản lý xây dựng, sửa chữa, quản lý kho hàng hóa phục vụ căngtin. Tất cả nhiệm vụ này đều phân công bằng... miệng.
Tháng 11-2015, giám thị trại tạm giam thành lập tổ kiểm tra công tác tài chính trong giai đoạn ông An làm kế toán và phát hiện nhiều sai phạm.
Cụ thể, từ năm 2010-2014 trại tạm giam được cấp bổ sung tiền điện, nước trên 164 triệu đồng.
Theo ông An, khi nhận số tiền này ông đều báo cáo các lãnh đạo, trong đó có ông Nguyễn Văn Hai và ông Nguyễn Minh Cơ (nguyên đội trưởng đội hậu cần).
Các ông này chỉ đạo miệng không lập phiếu thu chi, để số tiền ngoài sổ sách nhằm mục đích chi mua quà, tiếp khách, đi công tác.
Theo đó, ông An chi 8 lần cho ông Nguyễn Minh Cơ với số tiền gần 79 triệu đồng để... mua quà và đi công tác. Riêng số tiền trên 81 triệu đồng còn lại ông An không giải trình được sử dụng vào mục đích gì.
Đặc biệt, từ năm 2013-2014, phòng hậu cần - kỹ thuật Công an tỉnh lập dự toán 5 công trình xây dựng sửa chữa tại trại tạm giam với tổng vốn đầu tư trên 500 triệu đồng, trong đó tiền công xây dựng trên 108 triệu đồng.
Do các công trình nhỏ nên giao cho trại tạm giam tận dụng nguồn nhân công là các can phạm. Trại tạm giam được hưởng 30% tiền công xây dựng, tức trên 25 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này ông An cất giữ, không lập phiếu thu cũng không vào sổ theo dõi.
Theo nội quy của trại tạm giam, việc điều động các can phạm ra ngoài xây dựng không phải chi tiền công (nội quy không cho xài tiền).
Tuy nhiên, ông An vẫn kê khống chi trả tiền công cho can phạm. Ông An viết tay hai bản đề xuất và được ông Hai, ông Cơ đồng ý chi số tiền trên trả tiền thuê nhân công, bồi dưỡng cho phạm nhân mà không có người ký nhận tiền.
Ngoài ra, trong quá trình nhập lương thực thực phẩm như gạo, tương, tàu hũ vào bếp ăn can phạm, ông An báo cáo giá mua cao hơn thực tế để chiếm dụng số tiền trên 176 triệu đồng.
Điều chuyển khi chưa có kết luận sai phạm
Trong quá trình xác minh các dấu hiệu vi phạm, dù chưa có kết luận, hình thức xử lý cuối cùng nhưng đại úy An vẫn được điều chuyển công tác về Công an thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng).
Trao đổi về việc điều chuyển này, đại tá Hai khẳng định: “Việc điều chuyển cán bộ là của phòng tổ chức cán bộ, chứ tôi không có quyền quyết định. Tôi không đề xuất gì hết”.
Ông Hai cũng cho rằng không liên quan tới bất cứ khoản tiền nào mà đại úy An chiếm dụng hay chi tiêu sai. Khi bị đặt vấn đề về trách nhiệm của người đứng đầu thì đại tá Hai nói: “Tôi không nhớ rõ. Hiện giờ tôi làm trưởng Công an huyện Kế Sách, không thể trả lời về việc của đơn vị khác”.
Đại tá Phan Hữu Thúy - trưởng phòng tham mưu, người phát ngôn của Công an tỉnh Sóc Trăng - cho biết: “Năm 2015, trại tạm giam Công an tỉnh Sóc Trăng phát hiện dấu hiệu sai phạm của đại úy An nên lập đoàn kiểm tra.
Đoàn này kết luận đại úy An chiếm dụng hơn 257 triệu đồng, ông An thừa nhận và hoàn trả đầy đủ. Khi đó, đơn vị có hình thức kỷ luật cảnh cáo với đại úy An và điều chuyển về Công an thị xã Vĩnh Châu.
Một cán bộ của trại tạm giam thấy không đồng tình, làm đơn tố cáo nên Công an tỉnh lập đoàn xác minh, phát hiện đại úy An chiếm đoạt thêm 107 triệu đồng nữa”.
Trả lời câu hỏi về việc điều chuyển cán bộ trong thời gian đang bị thanh tra, kiểm tra và hình thức kỷ luật không tương xứng, có dấu hiệu bao che, đại tá Thúy nói: “Tôi không bình luận”.
Theo ông Thúy, trong kết luận của đoàn xác minh đại tá Hai “thiếu kiểm tra, đôn đốc để cấp dưới sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng, gây thất thoát tiền. Phân công cán bộ kiêm nhiệm nhiều việc, để ông An chiếm dụng hơn 360 triệu đồng”.
Công an tỉnh đề nghị hình thức kỷ luật cảnh cáo với đại tá Hai, đồng thời tước danh hiệu Công an nhân dân, khai trừ Đảng với đại úy An.
Trả lời về quan điểm xử lý các sai phạm của ông An cũng như những người có liên quan, ông Thúy khẳng định: “Tôi cho rằng phải xử lý theo quy định của pháp luật, không thể làm khác”.
Liên quan tới vụ việc, ông Huỳnh Văn Sum - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng - nói: “Chúng tôi đã có kế hoạch họp ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng của tỉnh, khi đó sẽ có kết luận của bí thư tỉnh ủy - trưởng ban chỉ đạo - cá nhân tôi không thể kết luận về hướng xử lý vụ việc.
Tuy nhiên, tôi cho rằng hành vi vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm chứ không thể dung túng, bao che được”.
Đủ yếu tố cấu thành tội tham ô tài sản Theo luật sư Phạm Công Út - nguyên thẩm phán Đoàn luật sư TP.HCM, với những gì được nêu thì hành vi của ông An đã cấu thành tội tham ô tài sản. Ông An là người được giao trách nhiệm, quyền hạn, lại lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để chiếm đoạt khoản tiền hàng trăm triệu đồng như kết luận của Công an tỉnh Sóc Trăng. Dù ông An khắc phục hậu quả, trả lại tiền - chỉ có thể là tình tiết giảm nhẹ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận