14/05/2019 14:58 GMT+7

Chỉ tiêu sư phạm tăng 10.000, thí sinh đăng ký giảm

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Năm nay số thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm thấp hơn dù chỉ tiêu tăng hơn 10.000 em so với năm ngoái.

Chỉ tiêu sư phạm tăng 10.000, thí sinh đăng ký giảm - Ảnh 1.

Học sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 - Ảnh: TƯỜNG HÂN

TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục học (Bộ GD-ĐT) thông tin như trên tại Hội nghị trực tuyến về kỳ thi THPT quốc gia 2019 diễn ra ngày 14-5.

TS Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: "Những năm gần đây, tỉ lệ học sinh vào ĐH chiếm khoảng 40% so với nhu cầu xét tuyển. Năm nay, nhìn chung số lượng xét tuyển vào CĐ, ĐH không có gì đột biến so với năm trước. Tổng số nguyện vọng đăng ký năm nay là 2,5 triệu nguyện vọng.

Tuy nhiên, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm thấp hơn năm trước. Trong khi đó, so với 2018 thì chỉ tiêu sư phạm năm nay tăng hơn 10.000 em.

Năm 2018, các trường sư phạm và trường có tuyển ngành sư phạm chỉ tuyển được khoảng 44% nhưng điểm sàn vẫn giữ để không ảnh hưởng chất lượng. Cả nước hiện thiếu hơn 75.000 giáo viên, chủ yếu là giáo viên mầm non và tiểu học".

Bà Phụng đề nghị các tỉnh, thành cần truyền thông cho xã hội hiểu và tăng cường tuyên truyền về các tổ hợp xét tuyển để tuyển sinh các ngành sư phạm.

Tại hội nghị, TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho rằng: "Năm nay là năm thứ 5 tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, lấy kết quả thi để làm căn cứ xét tuyển vào CĐ, ĐH. Đề thi năm nay có kiến thức chủ yếu lớp 12, chỉ có thay đổi cơ cấu điểm trong đề thi.

Các tỉnh, thành cần đặc biệt lưu ý về công tác in sao, vận chuyển, lưu trữ đề thi. Việc in sao phải theo 3 vòng độc lập; công tác coi thi và vai trò cán bộ coi thi rất quan trọng. Việc chấm thi phải có camera theo dõi. Các trường CĐ, ĐH không đủ nguồn lực chấm trắc nghiệm thì giao cho các trường ĐH".

Ông Trinh cũng nhấn mạnh vai trò của các địa phương. Việc chọn người làm công tác thi phải kỹ hơn năm trước. Năm nay, trong số thí sinh dự thi THPT quốc gia có 74% thí sinh đăng ký xét tuyển vào CĐ, ĐH, 24% thí sinh thi để xét tốt nghiệp THPT.

Ông Trinh cũng đề nghị ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, thành cần xác định rõ nhiệm vụ và phân công, phân nhiệm rõ ràng cho từng cá nhân; Chuẩn bị các điều kiện hỗ trợ, cán bộ làm nhiệm vụ thi phải chọn lựa kỹ càng, không được chủ quan; về cơ sở vật chất thì phải thêm các camera an ninh.

Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến thí sinh có điều kiện khó khăn. Các trường tổ chức ôn tập cho học sinh nhưng trên tinh thần tự nguyện...

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: "Công tác coi thi là một trong những khâu quan trọng của kỳ thi, các địa phương cần chọn ra những thầy cô có đầy đủ phẩm chất để thực hiện công tác này.

Ngoài công nghệ, camera thì các đơn vị cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên, tuyệt đối không được chủ quan dù khâu nhỏ nhất".

Bộ GD-ĐT yêu cầu công khai đường dây nóng thi THPT quốc gia 2019 Bộ GD-ĐT yêu cầu công khai đường dây nóng thi THPT quốc gia 2019

TTO - Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) thành lập và công khai đường dây nóng, tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến kỳ thi từ ngày 3-6 đến hết ngày 4-8-2019.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên