Phóng to |
Theo bản tin Reuters ngày 14-4, chi tiêu quân sự toàn cầu đã giảm lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua kể từ năm 1998 nhờ sự cắt giảm mạnh ở Mỹ và châu Âu. Lý giải cho sự suy giảm này, SIPRI cho biết Mỹ và các nước châu Âu phải đối mặt với ngân sách eo hẹp do cuộc suy thoái kinh tế. Trong khi đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc lại gia tăng chi tiêu quân sự với tốc độ tăng trưởng 7,8% trong năm ngoái, tăng 175% so với năm 2003.
“Chúng tôi đang nhìn thấy sự khởi đầu của một sự thay đổi trong cán cân chi tiêu quân sự thế giới giữa các nước phương Tây giàu có với các khu vực đang nổi lên”, ông Sam Perlo Freeman, giám đốc chi tiêu quân sự và chương trình sản xuất vũ khí của SIPRI, cho biết.
Mỹ - nước có chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới và ngân sách dành cho quốc phòng lớn gấp 5 lần Trung Quốc, đã giảm 6% trong năm ngoái và lần đầu tiên trong hơn 20 năm qua kể từ sau sự sụp đổ của Liên Xô chiếm dưới 40% chi tiêu quân sự toàn cầu.
Lầu Năm Góc hiện đang tìm cách cắt giảm hàng trăm tỉ đôla do bị cắt giảm ngân sách. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã cảnh báo quân đội Mỹ phải nỗ lực hơn nữa cho chương trình thắt lưng buộc bụng này.
Tại châu Âu, các biện pháp thắt lưng buộc bụng do cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ năm 2008 đã buộc các thành viên NATO phải cắt giảm 10% chi tiêu quân sự.
“Tất cả các dấu hiệu cho thấy chi tiêu quân sự trên thế giới có khả năng tiếp tục giảm trong 2-3 năm tới - ít nhất là cho đến khi NATO hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan vào cuối năm 2014”, ông Perlo Freeman nói đồng thời cho biết thêm: “Tuy nhiên, chi tiêu quân sự tại các khu vực đang nổi lên có thể sẽ gia tăng”.
Kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, chi tiêu quân sự thế giới đã giảm mạnh, đạt mức thấp nhất vào giữa những năm 1990, nhưng tăng trở lại sau vụ khủng bố 11-9-2001.
Theo SIPRI, trong khi Mỹ và các đồng minh NATO giảm chi tiêu quân sự thì Trung Quốc lại tăng mạnh. Mặc dù nhiều lần thông báo rằng không có gì để lo ngại về mức chi tiêu quân sự của mình, nhưng các kế hoạch mua sắm, sản xuất tàu ngầm, tàu chiến, tên lửa, máy bay tàng hình, tàu sân bay của Trung Quốc ngày càng khiến nhiều nước lo lắng về chính sách của Bắc Kinh.
Trung Quốc hiện đã thay thế Anh trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ năm trên thế giới.
Trong khi đó, chi tiêu quân sự ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi tăng khoảng 8%. Theo lý giải, sự gia tăng này là do cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua ở Syria, đồng thời các nước phương Tây cũng phải gia tăng chi tiêu quân sự ở khu vực này để đề phòng Iran.
Tại Bắc Phi, các nước như Algeria cũng phải tăng chi tiêu quân sự để đối mặt với các cuộc nổi loạn.
Năm 2012, chi tiêu quân sự của Nga tăng 16%. Theo các nhà phân tích, điều này phản ánh những nỗ lực của Tổng thống Putin kể từ khi ông trở lại nắm quyền hồi tháng 5 năm ngoái nhằm củng cố lực lượng vũ trang và cải thiện các loại vũ khí.
(Theo Reuters)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận